Lầu Năm Góc sẽ gửi gói viện trợ quân sự cho chính quyền Kyiv trị giá 400 triệu USD. Bên cạnh đạn dược cho hệ thống HIMARS và NASAMS, cùng các xe thiết giáp và các vũ khí khác, lần này có thể sẽ có máy bay không người lái tí hon Hornet, một loại UAV chuyên dùng để do thám và gián điệp của Mỹ. Viện trợ quân sự này được đưa ra vào thời điểm Ukraine cho rằng mặc dù chiến dịch phản công của mình diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng nhưng vẫn đúng theo kế hoạch, bên cạnh đó các hoạt động tấn công sâu vào Nga ở Moskva và Crimea cũng được chính quyền Kyiv đẩy mạnh.

230725 hornet 01
UAV do thám Hornet. (Ảnh cắt từ video)
  • Một video giới thiệu năng lực của UAV do thám Hornet:

Hôm 25/7, AP dẫn lời quan chức giấu tên rằng Mỹ sẽ công bố gói viện trợ quân sự từ đạn dược, Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) cho đến Stingers và Javelin, từ đạn pháo và 32 xe bọc thép Stryker, cùng với thiết bị phá hủy, súng cối, tên lửa Hydra-70 cho đến 28 triệu viên đạn vũ khí súng cầm tay các loại.

Gói viện trợ sẽ có các UAV do thám Hornet, lần đầu tiên gửi từ Mỹ. Trước đây loại UAV này cũng từng được đưa vào chiến trường Ukraine, nhưng theo các nguồn khác.

CNN dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov thừa nhận rằng chiến dịch phản công của quân Kyiv đang chậm hơn so với kỳ vọng. Nhưng ông giải thích rằng đó là do “quan niệm sai lầm rằng mọi cuộc phản công đều nên là nhanh chóng,” và ông khẳng định rằng ông rất “yên tâm” vì mọi thứ đang diễn ra đúng kế hoạch.

Đồng thời ông đổ lỗi tiến độ “chậm trễ hơn lịch trình” của chiến dịch phản công là do các bãi mìn và phòng ngự kiên cố của Nga, cùng với sự chậm trễ chuyển giao vũ khí của phương Tây.

Mặc dù mặt trận chính đang trì trệ, nhưng chính quyền Kyiv đang đẩy mạnh về hướng tấn công vào sâu trong lòng quân địch. Trong đó phải kể đến vụ UAV tấn công Moskva ngày đầu tuần này, cũng như tấn công vào Crimea kể từ sau 17/7, hay vụ dùng bom chùm tấn công và Belgorod hôm 22/7.

Vào hôm cuối cùng của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, 17/7, Ukraine đã dùng xuồng không người lái tự sát đánh vào cây cầu Kerch nối bờ Đông của bán đảo Crimea với đất liền. Sau đó các cuộc tấn công hàng loạt vào Crimea đã được chính quyền Kyiv triển khai liên tiếp.

Chuỗi hoạt động dường như đã được chuẩn bị từ trước này dẫn đến việc đảm bảo chắc chắn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen không thể nào nối lại. Ít nhất trong thời gian chiến sự căng thẳng ở bán đảo. Tuy nhiên, bắt đầu từ 17/7, truyền thông của Ukraine cùng Âu Mỹ luôn tìm cách miêu tả các hoạt động của Nga là đang phá hoạt thỏa thuận ngũ cốc, gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực của toàn cầu.

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng làm trung gian khởi xướng từ tháng 7/2022. Theo đó, Ukraine có được hành lang an toàn ở Biển Đen trong thời chiến để xuất khẩu nông sản. Đổi lại phương Tây cam kết không cản trở Nga xuất khẩu lương thực và phân bón. Sau nhiều lần gia hạn, nó đã kết thúc vào hôm 17/7 sau khi Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận với lý do phương Tây không giữ đúng cam kết của mình. Vào đúng ngày kết thúc, Ukraine cho đánh sập cầu Kerch, khởi động mặt trận ở khu vực Biển Đen khi 2 bên tấn công vào lãnh thổ của nhau. Ukraine và phương Tây miêu tả rằng Nga đang phá hoại an ninh lương thực thế giới.

Nhật Tân