Hôm 18/7, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Hoa Kỳ “sẽ không ngần ngại thực hiện các hành động thích hợp” chống lại cuộc đàn áp kéo dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với nhóm tu luyện ôn hòa Pháp Luân Công.

Nhung manh doi nho 01
Người tập Pháp Luân Công tổ chức thắp nến tưởng niệm trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố New York vào ngày 21 tháng 4 năm 2024. (Ảnh: Larry Dye, The Epoch Times)

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tâm linh được Đại sư Lý Hồng Chí giới thiệu ra công chúng Trung Quốc vào năm 1992. Các học viên Pháp Luân Công sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và thường xuyên tập năm bài thiền định. Theo ước tính chính thức của chính quyền Trung Quốc, chưa đầy một thập kỷ sau khi được giới thiệu ra công chúng, đã có 70 triệu đến 100 triệu người tham gia tập luyện Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Lo sợ trước sự phổ truyền nhanh chóng của Pháp Luân Công, vào tháng 7/1999, lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch đàn áp tàn bạo trên toàn quốc nhằm “tiêu diệt” Pháp Luân Công. ĐCSTQ đã thực hiện các phương pháp bao gồm bắt giữ trái phép, tuyên truyền, tẩy não, cưỡng bức lao động, tra tấn và thậm chí bức hại đến chết để ép buộc các học viên phải từ bỏ môn tu luyện này. Ngày 20/7 năm nay đánh dấu 25 năm ngày ĐCSTQ phát động chiến dịch bức hại tàn bạo này và vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay.

Trở lại quá khứ, một tháng trước khi cuộc đàn áp bắt đầu, vào ngày 10/6/1999, Tổng bí thư Giang Trạch Dân đã ra lệnh thành lập Phòng 610, một lực lượng cảnh sát ngoài vòng pháp luật với nhiệm vụ duy nhất là tiêu diệt Pháp Luân Công. Ngay sau nửa đêm ngày 20/7/1999, các nhân viên cảnh sát này đã đột kích vào nhà của các học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc để tiến hành bắt giữ trái phép trên quy mô lớn.

Phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel không cho biết trước các hành động cụ thể của Hoa Kỳ nhưng lưu ý rằng bộ này đã và đang theo dõi các hành động của Trung Quốc đối với nhân quyền.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chứng kiến CHND Trung Hoa thực hiện một số bước trong nhiều năm qua mà chúng tôi coi là hành động đàn áp đối với quyền cơ bản của con người. Đó là điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục nêu lên trực tiếp với các quan chức CHND Trung Hoa.

Hôm 18/7, hội “Những người bạn của Pháp Luân Công”, một tổ chức phi lợi nhuận do những người Mỹ quan ngại về cuộc đàn áp của ĐCSTQ thành lập vào năm 2000, đã phát hành một bức thư kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với những người tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Bức thư có chữ ký của 16 nhà vận động nhân quyền đại diện cho nhiều tổ chức khác nhau nhấn mạnh: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ cuộc đàn áp này và viết [bức thư này] để kêu gọi chính quyền Biden thực hiện hành động cụ thể trước ngày kỷ niệm bi thảm này.

Trong bức thư, các nhà vận động nhân quyền lưu ý, ngoại trưởng Mỹ vào năm 2021 và 2022 đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai quan chức ĐCSTQ vì vi phạm nhân quyền trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, và Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã truy tố một số đặc vụ của ĐCSTQ vì đã tham gia vào cuộc đàn áp này.

Bức thư kêu gọi: “Những hành động như vậy được hoan nghênh, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích các quan chức Trung Quốc ở mọi cấp độ kiềm chế thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền nhằm vào các học viên Pháp Luân công ở Trung Quốc và ở Hoa Kỳ.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một báo cáo về nạn buôn người, trong đó phơi bày hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm của ĐCSTQ. Báo cáo này xếp Trung Quốc là quốc gia có “chính sách hoặc mô hình” buôn người, đồng thời lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc đã phải đối mặt với các cáo buộc “cưỡng bức lấy nội tạng từ các tù nhân lương tâm một cách có hệ thống.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả hành vi này của ĐCSTQ là “độc ác” và là “sự vi phạm nhân quyền trắng trợn.

Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi ĐCSTQ mở một cuộc điều tra độc lập về hệ thống cấy ghép nội tạng của nước này, đồng thời nói rằng ĐCSTQ “nên hoan nghênh các nhà quan sát độc lập điều tra tính xác thực của các báo cáo này.

Trích dẫn một tuyên bố chung năm 2021 của một nhóm các chuyên gia nhân quyền LHQ, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích: “Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc dường như nhắm vào các nhóm thiểu số sắc tộc, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo cụ thể đang bị giam giữ mà thường không được giải thích lý do bắt giữ hoặc lý do đưa ra lệnh bắt giữ, tại các địa điểm khác nhau.

Năm 2006, những người tố cáo đã đứng ra cung cấp lời khai của nhân chứng về hoạt động thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân công còn sống do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Kể từ đó, một số tổ chức phi chính phủ đã thu thập bằng chứng về hành vi tàn ác này, bao gồm các lời khai của các bác sĩ cấy ghép Trung Quốc từng tham gia vào hành vi này và sau đó đã đào tẩu khỏi Trung Quốc.

Năm 2020, một tòa án nhân dân độc lập ở Anh đã kết luận rằng Bắc Kinh đã và đang giết hại các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng của họ “trên quy mô lớn”, trong đó các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù là nguồn cung chính.

Gần đây, Hạ viện Mỹ cũng đã thực hiện hành động cụ thể chống lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ bằng cách thông qua dự luật “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công.” Được giới thiệu bởi Dân biểu Đảng Cộng hòa Scott Perry, dự luật này kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt và các hình phạt khác đối với ĐCSTQ nhằm chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc.

Dự luật này cũng cấm Hoa Kỳ hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng miễn là ĐCSTQ vẫn còn cầm quyền. Theo Giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo thuộc Viện Hudson, bà Nina Shea, các tổ chức y tế của Mỹ đã đào tạo ít nhất 344 bác sĩ cấy ghép nội tạng của Trung Quốc.

Dự luật này cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Nếu dự luật được Thượng viện thông qua và được tổng thống Mỹ ký thành luật, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ cần phải phối với với Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ để xác định liệu cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ có cấu thành “tội ác tàn bạo” được định nghĩa là tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, và tội diệt chủng hay không.

Những cá nhân tham gia vào cuộc đàn áp này sẽ bị thu hồi thị thực và không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ.