Lầu Năm Góc có kế hoạch vào năm 2026 triển khai hàng ngàn ô tô tự lái có trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời thúc đẩy 800 dự án khác chưa được phân loại liên quan đến AI để cạnh tranh với Trung Quốc về công nghệ quân sự mới.

may bay XQ58A
Cảnh thử nghiệm ngày 26/3/2021 tại địa điểm thử nghiệm Yuma Proving Ground của Quân đội Mỹ ở Arizona, chiếc XQ-58A Valkyrie đã trình diễn khả năng tách của hệ thống máy bay không người lái cỡ nhỏ ALTIUS-600. (Ảnh do Không quân Mỹ cung cấp)

Theo hãng tin AP, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết, để thúc đẩy nước Mỹ quá chậm trong việc đổi mới quân sự, Mỹ đang triển khai chương trình có tên “Replicator”, hướng đến “chuyển đổi sang nền tảng [phương tiện vũ khí] nhỏ, thông minh, chi phí thấp, và đa dụng”.

Mặc dù Hicks không đề cập đến một số chi tiết, bao gồm nguồn kinh phí của kế hoạch như thế nào và việc phát triển phương tiện mới sẽ thực sự được tăng tốc nhanh như thế nào, nhưng chương trình này cho thấy Mỹ đang thay đổi cách nhìn về chiến tranh trong tương lai, đặc biệt là khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy công nghệ AI trong quân sự.

Theo Fox News, người sáng lập Trung tâm Mô phỏng ứng phó mối đe dọa và chuẩn bị nâng cao (CAPTRS) là Phil Siegel cho rằng sự phát triển nhanh chóng của vũ khí AI tương tự như một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Siegel nói: “Cuối cùng, có vẻ giống như vũ khí hạt nhân, các cường quốc hàng đầu sẽ có vũ khí sát thương tự động tiên tiến và họ phải thỏa thuận với nhau vấn đề không được sử dụng”.

Lầu Năm Góc có 800 dự án chưa được phân loại liên quan đến AI, nhiều dự án trong số đó vẫn đang được thử nghiệm. Thời gian biểu của Replicator được cho là có thể “quá tham vọng”, khiến các đối thủ như Trung Quốc không ngừng phải suy đoán.

Vũ khí sát thương có khả năng tự chủ

Replicator chỉ là một trong nhiều dự án AI đang được Lầu Năm Góc phát triển, nhiều chuyên gia tin rằng việc Mỹ sở hữu vũ khí sát thương hoàn toàn tự động chỉ là vấn đề thời gian. Các quan chức quốc phòng Mỹ không ngừng nhấn mạnh rằng những vũ khí như vậy sẽ có yếu tố kiểm soát của con người, một số chuyên gia coi đó là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển chúng.

“Vũ khí AI tự động là điều không thể tránh khỏi. Trung Quốc đang nỗ lực phát triển chúng, vì vậy chúng ta cũng phải làm như vậy”, biên tập viên Samuel Mangold-Lenett của The Federalist nói với Fox News, “Tờ Guardian vào tháng 5 đưa tin rằng trong một thử nghiệm mô phỏng ảo của quân đội Mỹ, một máy bay không người lái do AI điều khiển đã mất kiểm soát, theo đó AI ​​đã chọn giết người vận hành vì con người sẽ can thiệp vào phần chính của chương trình”.

Biên tập viên nói thêm rằng không có ai bị tổn hại trong hoạt động mô phỏng, các quan chức quốc phòng sau đó cho biết đây là “thí nghiệm giả tưởng” chứ không phải là một mô phỏng thực sự, cho hay vấn đề làm nổi rõ cần phải thận trọng đối với công nghệ AI này. Lenett nói: “Chúng ta cần đảm bảo rằng con người luôn kiểm soát được các hệ thống vũ khí ‘tự chủ’, ngoài ra cần bảo đảm chúng không phụ thuộc hoặc dễ bị thao túng bởi cơ sở hạ tầng liên lạc của địch thủ, chẳng hạn như mạng 5G của Trung Quốc”.

Chủ tịch Aiden Buzzetti của Dự án Bull Moose cho rằng sự phát triển này là một điều tốt, đồng thời ông lưu ý đến quy mô đáng kinh ngạc của quân đội Trung Quốc so với Mỹ.

“Một trong những điểm lợi hại từ vũ khí tự động của Mỹ là khả năng tăng gấp đôi lực lượng. Không thể chủ quan về sức mạnh của quân đội Trung Quốc, vì so với Mỹ thì Trung Quốc có nhiều nhân sự hơn, nhiều tàu hơn và chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn”, Buzzetti nói với Fox News, “Nếu chúng ta có thể thiết kế và triển khai hiệu quả các công cụ AI, quân đội Mỹ sẽ có thông tin thời gian thực tốt hơn, vấn đề chậm trễ quan liêu ít hơn, theo đó có nhiều khả năng hơn để đối đầu với các lực lượng vượt trội về số lượng”.

Nhưng Buzzetti cũng lưu ý đến sự nguy hiểm của vũ khí “tự chủ”, loài người không thể để xảy ra khả năng “mất quyền kiểm soát đối với những cỗ máy mà chúng ta đang chế tạo”. Buzzetti nói: “Luôn có khả năng sai sót từ các chương trình có thể tự quyết định mục tiêu và tiêu diệt ai. Mục tiêu chính trong kiểm nghiệm là: thứ chúng ta tạo ra đủ đáng tin cậy để có hiệu quả về mặt quân sự, đặc biệt nó không phạm sai lầm quay lại sát hại quân nhân hoặc dân thường của chúng ta”.

Bất chấp sự xuất hiện của một cuộc chạy đua vũ trang mới nguy hiểm, chuyên gia phân tích Christopher Alexander của Vanguard Development nhấn mạnh rằng các công cụ AI hiện tại được thiết kế để phòng thủ chủ yếu tập trung vào việc “tăng cường các nhiệm vụ phân tích hoặc quản lý hàng ngày đang được thực hiện”.

Ông nói trong tương lai AI sẽ loại bỏ gần như hoàn toàn những người ra quyết định quan trọng: “Hiện có rất ít dự án AI liên quan đến hệ thống vũ khí sát thương, luôn có những người đưa ra quyết định có đạo đức. Khả năng chính của AI trong việc hỗ trợ Bộ Quốc phòng hiện chủ yếu ở cách nó cải thiện việc ra quyết định. Từ việc giảm bớt công việc cần thiết trong điều kiện hạn chế về thời gian cho đến vấn đề dữ liệu được AI sử dụng nhiều hơn để giảm bớt sương mù chiến tranh khiến tình hình trở nên rõ ràng hơn, AI có thể đưa ra quyết định nhanh hơn và rõ ràng hơn, do đó chấm dứt xung đột nhanh hơn và ít gây thương vong cho dân thường hơn”.

Alexander cũng nhấn mạnh khả năng đổi mới công nghệ quốc phòng của Trung Quốc là hạn chế, Mỹ nên lo lắng hơn về việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ hơn là khả năng họ phát triển được công nghệ tốt hơn Mỹ.