Báo cáo: ĐCSTQ thúc đẩy phát triển vũ khí AI, nâng cao năng lực chiến đấu
- Tiêu Nhiên
- •
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phổ biến và hiện đang được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thúc đẩy trong quân đội, theo đó họ hướng tới phát triển vũ khí AI để nâng cao năng lực chiến đấu. Tuy nhiên, một báo cáo mới của Không quân Mỹ chỉ ra ĐCSTQ cũng lo ngại AI sẽ trở thành con dao hai lưỡi.
Ngày 21/8, viện nghiên cứu liên kết với Đại học Không quân Mỹ tại Căn cứ Không quân Maxwell ở bang Alabama đã công bố báo cáo “Cuộc chiến ChatGPT của Trung Quốc”. Báo cáo cảnh báo những bài viết quân sự gần đây của Trung Quốc đã tiết lộ việc vận dụng hệ thống AI trong quân đội tương tự ChatGPT, nêu bật những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc đưa Trung Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới ứng dụng AI vào chiến trường.
Báo cáo cho hay, ĐCSTQ đang xây dựng các hệ thống liên quan đến vũ khí AI trong 7 lĩnh vực chính, bao gồm: liên kết giữa người và máy, ra quyết định nhanh chóng, chiến tranh mạng, chiến tranh nhận thức, hậu cần thời chiến, hoạt động không gian, và huấn luyện quân sự.
Các nhà phân tích dự đoán rằng công nghệ ChatGPT do OpenAI phát triển cuối cùng sẽ tạo ra văn bản, video và hình ảnh dựa trên sự kết hợp giữa phần mềm tiên tiến và điện toán tốc độ cao, từ đó mô phỏng được khả năng sáng tạo như của bộ não con người.
Việc Trung Quốc phát triển các chatbot và công nghệ tương tự đã khiến các quan chức an ninh quốc gia Mỹ lo lắng.
Chính quyền Tổng thống Biden gần đây đã hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc vì lo ngại chúng sẽ giúp ĐCSTQ phát triển vũ khí AI.
Báo cáo của Không quân Mỹ chỉ ra, các chương trình tương tự ChatGPT sẽ được tích hợp vào hệ thống chiến đấu không người lái để nhanh chóng thu thập, đánh giá thông tin và lên kế hoạch tấn công. Ngoài ra, AI có thể giúp người chỉ huy cải thiện tốc độ và quyền tự chủ trong việc “lập kế hoạch chiến tranh và tấn công”, đây là 2 phương diện trọng điểm trong đầu tư năng lực chiến tranh tiên tiến của Mỹ.
Lầu Năm Góc đang đẩy nhanh phát triển hệ thống điều khiển và phối hợp tác chiến, hệ thống này ứng dụng AI nhằm ngăn chặn tốt hơn cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ nếu xảy ra.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu các hệ thống chỉ huy và kiểm soát do AI điều khiển.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng 7 đưa tin, chuyên gia quốc phòng Phùng Dương Hòa (Feng Yanghe) chuyên về hệ thống quân sự hỗ trợ AI của ĐCSTQ đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi. Truyền thông nhà nước Trung Quốc từng cho hay ông Phùng là người đã giúp quân đội Trung Quốc “thực hiện bước đột phá quan trọng trong việc sử dụng AI để hỗ trợ các hoạt động chỉ huy và kiểm soát quân sự”.
Triển khai tấn công mạng thông qua AI
Trong một bài báo gần đây, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ là Tướng Milley cho biết rằng các công nghệ tiên tiến như AI đang mang tới bước thay đổi lớn về bản chất của chiến tranh.
“Các nền tảng tự hành chi phí thấp, kết hợp với dữ liệu hình ảnh thương mại và theo dõi hành vi được tăng cường bằng các công cụ phân tích và AI, sẽ tăng tốc khả năng cảm nhận và hiểu biết về môi trường chiến trận”, ông Milley viết.
Cả Mỹ và Trung Quốc gần đây đều thử nghiệm hàng loạt máy bay không người lái, thể hiện khả năng tác chiến dựa trên AI.
Chiến tranh mạng là một lĩnh vực khác mà Trung Quốc quan tâm.
Theo báo cáo, tác giả quân sự Trung Quốc cho biết AI sẽ viết mã và thực hiện các cuộc tấn công mạng. Chuyên gia công nghệ quân sự sẽ tận dụng AI sáng tạo (Generative AI) để thiết kế, viết và thực thi mã độc, xây dựng bot và trang web để lừa người dùng chia sẻ thông tin nhằm phục vụ các các chiến dịch đánh lạc hướng…
Kỹ thuật này cũng được thiết kế để tạo ra phần mềm độc hại tiên tiến có thể tránh được phần mềm an ninh mạng.
Các nhà nghiên cứu của quân đội ĐCSTQ cũng tin rằng ChatGPT sẽ nâng cấp chiến tranh nhận thức lên một tầm cao mới.
Chiến tranh nhận thức là việc tuyên truyền để tác động đến các lãnh đạo và dân thường của địch thủ nhằm hỗ trợ các mục tiêu quân sự của ĐCSTQ, chẳng hạn như sử dụng phần mềm chatbot AI mạo danh một quan chức chính phủ cấp cao để gây hỗn loạn giữa các thế lực của đối thủ hoặc lấy tài liệu nhạy cảm.
“AI sáng tạo có thể ‘tạo ra một lượng lớn tin tức giả, hình ảnh giả, và thậm chí cả video giả một cách hiệu quả để gây nhầm lẫn cho công chúng’… để hủy hoại hình ảnh của chính phủ đối thủ…, để chia rẽ xã hội và lật đổ chính quyền đối thủ”, báo cáo trích dẫn một báo cáo vào tháng 4 của quân đội ĐCSTQ.
Quân đội ĐCSTQ cũng có kế hoạch sử dụng AI để cải thiện hậu cần quân sự trong chiến tranh, điều này triển khai bằng cách lên kế hoạch cho các tuyến đường vận chuyển và tự động cung cấp vật tư hỗ trợ một cách trực tiếp và chính xác.
Báo cáo cũng đánh giá rằng Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng AI để xây dựng và giám sát các hệ thống không gian, đồng thời tăng cường huấn luyện quân sự để tạo ra các kịch bản chiến tranh giống thực tế hơn.
Báo cáo cho biết, điểm yếu chính của quân đội Trung Quốc là thiếu kinh nghiệm chiến đấu.
Theo báo cáo, do lo ngại khả năng mất kiểm soát đối với các hệ thống AI như vậy nên giới chức quân đội ĐCSTQ sợ rằng: hệ thống AI của họ có thể bị kẻ thù xâm nhập và sử dụng để chống lại chính họ, hoặc có thể được sử dụng để lật đổ ĐCSTQ.
Báo cáo lưu ý, gần đây ĐCSTQ đã áp đặt các quy định tạm thời đối với hơn 100 nhà cung cấp AI trong nước, yêu cầu tất cả nội dung do chatbot sản xuất phải ủng hộ “các giá trị cốt lõi của xã hội chủ nghĩa”.
Quân đội Trung Quốc cũng lo ngại rằng trong trường hợp hệ thống quân sự dùng AI sáng tạo đạt được một mức độ tự nhận thức nhất định sẽ có thể gây ra những tác động tai hại cho quân đội ĐCSTQ.
Báo cáo kết luận, “Quân đội ĐCSTQ cho rằng công nghệ chatbot AI có thể dẫn đến một cuộc cách mạng trong hoạt động chiến tranh. ĐCSTQ muốn đi tiên phong trong việc ứng dụng AI sáng tạo trên chiến trường, nhưng họ sẽ chỉ làm như vậy cho đến khi họ hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ này”.
Chuyên gia: ĐCSTQ đang chế tạo vũ khí tự chủ đặc biệt nguy hiểm
Nói với Washington Times, chuyên gia Allen về AI tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, là người nghiên cứu AI cho Lầu Năm Góc, chỉ ra rằng ĐCSTQ coi việc sử dụng AI cho quân đội là ưu tiên hàng đầu, họ đang sử dụng công nghệ này để tạo ra vũ khí tự động nguy hiểm chí mạng.
Trong lời khai trước Quốc hội, chuyên gia Allen dẫn lời một quan chức cấp cao của nhà thầu quốc phòng Norinco (được biết đến ở Trung Quốc với tên gọi: China Ordnance Industries Group Corporation Limited), ông Zeng Yi nói: “Triển vọng tương lai, chiến trường sẽ không có ai [người thật] chiến đấu trực tiếp”.
ĐCSTQ nhận thấy AI có thể giúp quân đội của họ vượt mặt Mỹ trong các cuộc xung đột: ví dụ, các tàu ngầm không người lái tự động tầm xa chi phí thấp có thể được sử dụng để đe dọa các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ…
Đầu năm nay, Giám đốc CIA Burns nói trước Quốc hội Mỹ rằng các cơ quan tình báo nước ngoài sẽ sử dụng công nghệ ChatGPT để thực hiện các cuộc tấn công mạng “lừa đảo trực tuyến”.
Vào tháng 1, Giám đốc FBI là Christopher A. Wray thì cho biết ông lo ngại AI của Trung Quốc sẽ được sử dụng để hack, đánh cắp tài sản trí tuệ và trấn áp người bất đồng chính kiến.
Chuyên gia Trung Quốc Fisher cảnh báo, việc ĐCSTQ phát triển AI cho mục đích quân sự sẽ được tích hợp vào các máy bay chiến đấu tiên tiến, các nền tảng siêu thanh không người lái và có người lái; cũng như một cuộc chiến “liên hợp” không người lái nhờ AI điều khiển sẽ hướng tới tích hợp các hệ thống chiến đấu trên bộ, trên biển và trên không.
Từ khóa Quân đội ĐSCTQ vũ khí AI trí tuệ nhân tạo AI