Mỹ-Trung đấu khẩu, APEC bế mạc không có tuyên bố chung
- Đức Trí
- •
Sự đối đầu trực diện của Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh APEC tại Papua New Guinea năm nay đã khiến hội nghị này lần đầu tiên trong lịch sử bế mạc mà không ra được một tuyên bố chung.
“Quý vị biết đó, có hai người khổng lồ trong một căn phòng. Tôi còn biết nói gì hơn?”, Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neil nói với báo chí trong ngày bế mạc 18/11.
Phía Trung Quốc giải thích rằng 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế trong APEC đã quyết định không ra một tuyên bố chung như truyền thống mà giao cho chủ nhà Papua New Guinea thay mặt tất cả thành viên để soạn ra một tuyên bố chung sau đó.
Không khí tại APEC năm nay đã nóng lên từ hôm 17/11, trong cuộc đấu khẩu căng thẳng giữa Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Pence kêu gọi các nước trong khu vực đứng về phía Hoa Kỳ, không bị dẫn dụ bởi chính sách ngoại giao bẫy nợ thiếu minh bạch của Bắc Kinh.
“Chúng tôi không nhấn chìm các đối tác trong một biển nợ. Chúng tôi không ép buộc, không hối mại, không làm ảnh hưởng đến nền độc lập của quý vị”, Phó Tổng thống Mỹ nói. Ông Mike Pence nói về “vành đai nhằm bóp nghẹt” và “con đường một chiều”, ám chỉ “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Trong khi cuộc chiến thương mại tiếp tục căng thẳng, ông Tập Cận Bình phê phán “chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương”, còn ông Mike Pence thì cảnh báo Washington không hề nhường bước nếu Trung Quốc không chịu thay đổi thái độ.
“Chúng tôi đã thực hiện hành động quyết định để giải quyết mất cân bằng [thương mại] của chúng tôi với Trung Quốc. Chúng tôi đã đánh thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và chúng tôi có thể tăng hơn gấp đôi con số đó”.
“Mỹ sẽ không bao giờ thay đổi lộ trình này cho tới khi Trung Quốc thay đổi cách [hành xử] của họ”, ông Pence nhấn mạnh.
Trong diễn đàn APEC năm nay, ông Tập Cận Bình trở nên nổi bật nhờ sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Tập đã lên tiếng bênh vực kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của mình, nói rằng đây “không phải là một cái bẫy như một số người nói”. Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng khẳng định “không có quốc gia đang phát triển nào gặp khó khăn về nợ vì hợp tác với Trung Quốc”.
Có một số thông tin rằng trước thượng đỉnh APEC lần này, Mỹ đã đề xuất một bản tuyên bố chung trong đó có nội dung phê phán Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) – tổ chức mà ông Trump thường nói là đã làm giàu cho Bắc Kinh, kêu gọi thay đổi sâu sắc tổ chức quốc tế này. Theo báo RFI, đối với Trung Quốc, nước hưởng lợi rất nhiều từ sau khi gia gia nhập WTO, đòi hỏi của Mỹ là không thể chấp nhận được vì sẽ khiến họ bị thiệt hại không nhỏ.
Đức Trí (T/h)
Từ khóa chiến tranh thương mại Donald Trump APEC