Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ-Trung Quốc có nên tiếp tục?
- Vương Hách
- •
Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ-Trung Quốc (STA) sẽ hết hạn vào tháng 8, nên gia hạn hay không là một vấn đề lớn. Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Blinken không đề cập công khai vấn đề này, nhưng không thể nghi ngờ đằng sau đó là canh bạc lớn giữa hai bên. Nhìn lại lịch sử thỏa thuận này và đặt trong bối cảnh ngày nay, liệu cân nhắc của Mỹ sẽ theo hướng nào?
Thứ nhất, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã được hưởng lợi rất nhiều từ hiệp định này. Trong hơn 40 năm qua, hiệp định đã thiết lập khuôn khổ pháp lý cho hợp tác khoa học và công nghệ liên chính phủ Trung-Mỹ, đồng thời cũng thiết lập một nền tảng hiệu quả cho hợp tác phi chính phủ trong khoa học và công nghệ giữa hai bên, giúp ĐCSTQ nhanh chóng phát triển thành cường quốc khoa học – công nghệ. Phía Trung Quốc từng cho hay: Hợp tác khoa học và công nghệ Trung-Mỹ đã hình thành các đặc điểm “toàn diện, đa tầng, rộng khắp, có trọng điểm, trình độ cao”, đã tạo nên diện mạo tích cực trong hợp tác liên chính phủ, hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học, hợp tác giữa các doanh nghiệp, và trao đổi nhân lực khoa học và công nghệ giữa hai nước.
Thứ hai, quan hệ Trung-Mỹ đã đi đến ngã ba đường. Kể từ khi ĐCSTQ thành lập, quan hệ Trung-Mỹ có diễn biến lòng vòng lên xuống từ chiến tranh nóng đến phong tỏa, từ tiếp xúc đến “tách rời”. Ngày nay, ĐCSTQ đặt ra “thách thức mang tính hệ thống” đối với Mỹ, hai bên đang lao vào xu thế cạnh tranh chiến lược mang tính cực đoan, quan hệ vào tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, lơ lửng trước ngưỡng cửa của “hòa bình lạnh” hay “chiến tranh lạnh” (thậm chí là chiến tranh nóng).
Thứ ba, từ lâu chiến lược của Mỹ đã chú trọng ngoại giao khoa học và công nghệ. Ngay từ năm 1999, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ rõ: “Sự phát triển của khoa học và công nghệ đi đầu trong các cuộc đấu tranh ngoại giao, và mối quan hệ giữa khoa học – công nghệ và ngoại giao đang chuyển từ ‘khoa học – công nghệ trong ngoại giao sang ngoại giao vì khoa học – công nghệ’. Theo đó chiến lược phát triển khoa học – công nghệ đã bắt đầu thay đổi vị trí phụ trước đây, được nâng lên tầm chiến lược quốc gia, trở thành vấn đề cốt lõi được coi trọng hàng đầu trong chiến lược quốc gia”. Gần đây tại một diễn đàn, chuyên gia Campbell – “Sa hoàng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của chính quyền Tổng thống Biden – đã phát biểu: Công nghệ sẽ trở thành mặt trận tiên phong của cạnh tranh toàn cầu ngày nay, giống như tên lửa hạt nhân là đặc điểm quyết định của thời Chiến tranh Lạnh.
Do đó, vấn đề gia hạn thỏa thuận này là vô cùng nhạy cảm, từ đó có thể thấy thực chất trong chính sách Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden. Tất nhiên, Mỹ đang ở một vị trí thuận lợi. Chính quyền Biden có 3 lựa chọn: (1) gia hạn (bao gồm sửa đổi một phần); (2) chấm dứt; (3) đàm phán lại và ký hiệp ước mới.
Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Biden đang tiến hành đánh giá nội bộ và quan điểm chủ đạo dường như ủng hộ việc gia hạn (do việc chấm dứt sẽ giết chết hợp tác học thuật và thương mại, vì chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc thiên về giảm thiểu rủi ro hơn là tách rời, do đó gia hạn là cần thiết); nhưng ngày càng có nhiều quan chức và nhà lập pháp Mỹ tin rằng hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ chẳng có ý nghĩa gì trước sự cạnh tranh và thậm chí là đấu tranh giữa hai nước.
So với sự cân nhắc kỹ lưỡng của chính quyền Tổng thống Biden, ĐCSTQ rất háo hức gia hạn thỏa thuận, thậm chí còn bày tỏ sẵn sàng nhượng bộ. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố rằng ngay từ một năm trước Trung Quốc đã chủ động liên hệ với Mỹ để thảo luận về vấn đề này, rằng thỏa thuận này là cơ sở hợp tác hiệu quả giữa hai nước trong 40 năm. Người phát ngôn Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) nói với Reuters rằng, “Trung Quốc và Mỹ có thể xem xét điều chỉnh thỏa thuận ban đầu cho phù hợp, hy vọng rằng Mỹ có thể đẩy nhanh quá trình xem xét nội bộ trước khi thỏa thuận hết hạn”.
Như chúng ta biết, kể từ khi quan hệ Trung-Mỹ đảo ngược vào năm 2017, rất hiếm khi ĐCSTQ tự nguyện nhượng bộ. Năm ngoái, trước nguy cơ các cổ phiếu khái niệm Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết tại Mỹ, ĐCSTQ đã nhượng bộ và ký thỏa thuận hợp tác kiểm toán với Mỹ, đồng thời hợp tác với Cơ quan Giám sát và Kiểm toán Mỹ (PCAOB) để hoàn thành vòng đầu tiên thanh tra đối với các công ty kiểm toán của ĐCSTQ (trước đây với lý do an ninh quốc gia, trong nhiều năm ĐCSTQ không chấp nhận hình thức thanh tra như vậy).
Ngày nay ĐCSTQ đã chủ động nhượng bộ, cho thấy Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ-Trung Quốc quá quan trọng đối với họ. ĐCSTQ đang làm mọi cách có thể để kìm hãm Mỹ chứ không phải “tách rời và phá gẫy dây chuyền”, điều này thực sự mang lại cho chính quyền Tổng thống Biden cơ hội để răn đe hiệu quả.
Trên thực tế, khi Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ-Trung Quốc được ký kết vào năm 1979, ĐCSTQ đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn nhắm vào những sơ hở lớn của Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden sẽ thu được nhiều bài học khi nhìn lại giai đoạn lịch sử này.
Như chúng ta biết, sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ thời Nixon năm 1972 thì quan hệ Trung-Mỹ tan băng, nhưng việc thiết lập quan hệ ngoại giao lại bị trì hoãn. Năm 1977, lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình trở lại đã thúc đẩy thay đổi đường lối chính trị để “tập trung vào xây dựng kinh tế”, động thái đó không thể tách rời việc có trợ giúp của Mỹ, từ đó tầm quan trọng của quan hệ Trung – Mỹ nổi rõ. Hồi đó chính quyền Carter coi trọng thương mại giữa hai nước hơn là bình thường hóa quan hệ, vì vậy ĐCSTQ đã chơi chiêu: để phát triển quan hệ thương mại, trước tiên hãy thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1978, ĐCSTQ đã lần lượt ký các hiệp định thương mại giá trị cao với Nhật Bản và Tây Âu), nhưng thương mại là con đường quan trọng dẫn theo khoa học – công nghệ. Được kích thích bởi nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán các sản phẩm công nghệ (tất nhiên là có những yếu tố khác), chính quyền Carter quyết định thúc đẩy sự phát triển quan hệ thương mại và chính trị giữa hai nước thông qua hợp tác khoa học và công nghệ với Trung Quốc. Họ tin rằng một Trung Quốc phát triển về kinh tế là phù hợp nhu cầu chiến lược của Mỹ chống lại Liên Xô.
Vì vậy chúng ta thấy, ngày 16/12/1978 Trung Quốc và Mỹ đồng thời ra Thông cáo chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao; hai ngày sau (18/12) ĐCSTQ đã tổ chức Hội nghị toàn thể lần 3 khóa 19 (quyết định “cải cách mở cửa”). Vào ngày 1/1/1979, Trung Quốc và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Đặng Tiểu Bình ngay lập tức đến thăm Mỹ vào ngày 31/1 năm đó và cùng Carter ký thỏa thuận hợp tác chính thức đầu tiên giữa hai chính phủ: Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ-Trung Quốc (STA).
Kể từ đó, hợp tác khoa học và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, trở thành kế hoạch hợp tác song phương lớn nhất trong hợp tác khoa học và công nghệ quốc tế. Tổng cộng có hàng chục nghị định thư đã được ký kết trong khuôn khổ “Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ Mỹ – Trung Quốc” với nhiều lĩnh vực, giúp ĐCSTQ phái cử quy mô lớn sinh viên du học. Từ năm 1979 – 2000, chỉ riêng bộ giáo dục của ĐCSTQ đã gửi 457.700 du học sinh đến các nước phương Tây, phân bổ ở hơn 100 nước/vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 200.000 ở Mỹ. Cho đến nay Mỹ vẫn là đối tác công nghệ lớn nhất của Trung Quốc.
Có thể nói, ở một mức độ nhất định, hợp tác khoa học và công nghệ với Mỹ đã thay đổi vận mệnh của Trung Quốc và ĐCSTQ. Thế nhưng ĐCSTQ không hề có một chút lòng biết ơn nào đối với Mỹ, thay vào đó luôn coi Mỹ là kẻ thù lớn nhất và cuối cùng, quyết tâm hạ bệ Mỹ để có thể thay thế trở thành bá chủ thế giới.
Đối với Mỹ, từ lâu đã chủ quan trước mưu đồ của ĐCSTQ, không ngừng “nuôi ong tay áo”, giờ đây đã thực sự cảm nhận được sự uy hiếp, dù chậm nhưng không bao giờ là quá muộn để thức tỉnh. Từ góc độ chiến lược, đã từ lâu Mỹ nhìn rõ vấn đề ngoại giao khoa học – công nghệ này, cho nên việc gia hạn STA như thế nào chắc hẳn không phải nan đề nữa.
Từ khóa mối quan hệ Mỹ - Trung Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ-Trung STA