Quan chức Mỹ xác nhận rằng Washington sẽ tạm dừng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine như một phần của chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

vũ khí
(Ảnh minh họa: Beautiful landscape/Shutterstock)

“Đây chính là chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’. Trước tiên, chúng ta phải quan tâm đến nhu cầu của Mỹ”, Đại sứ Mỹ tại NATO Matthew Whitaker nói trong cuộc phỏng vấn với Fox Business vào ngày 2/7.

Ông Whitaker cho biết Lầu Năm Góc cần “đảm bảo rằng Mỹ có năng lực phòng thủ chiến lược cần thiết để thể hiện sức mạnh”, đồng thời nói thêm rằng đây là điều mà Washington và các đồng minh NATO mong muốn.

“Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta có đủ tên lửa Patriot và chúng ta có đủ hệ thống phòng không và tất cả những thứ chúng ta cần để đảm bảo thành công của chính chúng ta trên chiến trường”, đại sứ Mỹ tuyên bố.

Trước đó, một số hãng truyền thông phương Tây, bao gồm Politico và NBC News, đưa tin Lầu Năm Góc đã dừng các chuyến hàng vận chuyển vũ khí do Mỹ sản xuất tới Kiev.

Quyết định này được cho là diễn ra sau một cuộc đánh giá nội bộ về kho vũ khí của Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth ra lệnh.

Tháng trước, Bộ trưởng Hegseth cho biết Nhà Trắng đang cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine như một phần của chính sách “Nước Mỹ trên hết”, với hy vọng đạt được một giải pháp ngoại giao.

Các loại vũ khí thuộc diện bị tạm dừng chuyển cho Ukraine gồm tên lửa đánh chặn Patriot, tên lửa không đối không Stinger và AIM, hàng trăm tên lửa Hellfire và GMLRS, cũng như hàng nghìn quả đạn pháo 155mm mà Washington đã cam kết với Kiev trước đó.

Những vũ khí này vốn đóng vai trò quan trọng giúp Ukraine đối phó với làn sóng không kích của Nga.

Các loại vũ khí trên được chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn viện trợ cho Ukraine. Chúng được rút trực tiếp từ kho dự trữ quân sự hiện có của Mỹ và Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), hợp đồng sản xuất mới từ các nhà thầu quốc phòng.

Sau khi nhậm chức vào đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump không phê duyệt bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào cho Ukraine, trong khi đó các nguồn lực hiện có dự kiến ​​chỉ đủ dùng “thêm vài tháng nữa”.

Trước đó, toàn bộ viện trợ vũ khí của Mỹ từng bị tạm dừng trong khoảng thời gian ngắn vào tháng 2 và một lần dài hơn vào tháng 3.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump sau đó cho nối lại việc chuyển nốt các lô viện trợ cuối cùng được phê duyệt dưới thời cựu Tổng thống Biden. Tuy nhiên, cho đến nay, Washington vẫn chưa công bố chính sách mới nào liên quan đến viện trợ quân sự cho Kiev.

Việc chính quyền Tổng thống Trump tạm dừng hoặc làm chậm tiến độ giải ngân các gói viện trợ còn lại cho Ukraine mà không có thông báo chính thức với quốc hội có thể làm dấy lên những lo ngại pháp lý.

Kiev trong thời gian qua liên tục bày tỏ sự thất vọng trước việc hỗ trợ từ Washington đang có dấu hiệu suy giảm. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở The Hague tuần trước nhưng không nhận được cam kết chắc chắn nào. Ông Trump khi đó nói rằng rất khó tập hợp hệ thống phòng không Patriot, nhưng ông sẽ xem xét.

Anh Trần