Myanmar: Hơn 700 người thiệt mạng; Internet bị cắt, giới trẻ nỗ lực sản xuất các bản tin ngầm
- Lê Xuân
- •
Một nhân viên bảo vệ đã bị thương trong vụ nổ bom bên ngoài một ngân hàng thuộc sở hữu của quân đội ở thành phố Mandalay vào sáng Chủ nhật (11/4), khi số dân thường thiệt mạng do cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội đối với những người bất đồng chính kiến đã lên tới hơn 700 người vào cuối tuần.
Đất nước Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội loại bỏ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2.
Chi nhánh lớn nhất của Ngân hàng Myawaddy ở Mandalay đã bị nhắm mục tiêu vào sáng Chủ nhật. Một nhân viên bảo vệ đã bị thương trong vụ nổ, theo truyền thông địa phương.
Lực lượng an ninh ngay sau đó đã được điều đến và tiến hành các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.
Ngân hàng Myawaddy là một trong những doanh nghiệp do quân đội kiểm soát, hiện đang phải đối mặt với áp lực tẩy chay kể từ cuộc đảo chính. Nhiều khách hàng đã yêu cầu rút tiền tiết kiệm của họ.
Nhiều vụ đổ máu đã xảy ra trong những ngày cuối tuần.
Hôm thứ Bảy, nhóm giám sát địa phương AAPP cho biết lực lượng an ninh đã xả súng và giết chết 82 người biểu tình hôm thứ Sáu tại thành phố Bago, cách Yangon 65 km về phía đông bắc.
Đoạn phim do AFP xác minh được quay vào đầu ngày thứ Sáu cho thấy những người biểu tình nấp sau hàng rào bao cát cầm súng trường tự chế, trong khi những tiếng nổ được nghe thấy ở phía sau.
Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Myanmar đã tweet vào cuối ngày thứ Bảy rằng họ đang theo dõi vụ đổ máu ở Bago. Đề nghị điều trị y tế cho những người bị thương đã bị từ chối.
Đến cuối tuần, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị AAPP đã xác minh 701 trường hợp dân thường tử vong kể từ vụ đảo chính.
Trong khi đó, quân đội chỉ xác nhận 248 trường hợp.
Hôm thứ Sáu, một phát ngôn viên của quân đội, Thiếu tướng Zaw Min Tun, cho rằng quân đội đã thực hiện “các biện pháp kiềm chế” kể từ cuộc đảo chính. Tướng Tun nói với các phóng viên rằng họ có thể giết hại nhiều người hơn nếu muốn.
“Nếu chúng tôi thực sự bắn những người biểu tình bằng súng trường tự động, 500 người sẽ chết trong vòng vài giờ,” ông nói, sau khi được hỏi về số thương vong trên toàn quốc.
Một lãnh đạo của nhóm phòng thủ ở Bago, Ko Myo Kyaw, cho biết quân đội đã nổ súng bằng vũ khí hạng nặng trước bình minh để phá hủy các chướng ngại vật mà những người biểu tình dựng lên, sau đó vụ nổ súng vẫn tiếp diễn suốt cả ngày. Ông cũng nói rằng những người biểu tình gần như không thể chống trả lại được.
Anh Myo Kyaw, người có anh trai nằm trong số những người thiệt mạng, nói với New York Times rằng: “Chúng tôi không có vũ khí sát thương. “Chúng tôi chỉ có súng cao su và súng hơi.”
Những người sống sót sau cuộc tấn công đã chạy trốn khỏi thành phố và đang tập hợp lại, anh Myo Kyaw nói. “Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc,” anh nói. “Họ phải trả giá cho những gì họ đã làm cho thành phố của chúng tôi.”
Các thành viên của tổ chức phòng thủ địa phương ở Tamu, tự gọi là Nhóm an ninh Tamu, cho biết giống như ở Bago, lực lượng an ninh đã tấn công các tuyến phòng thủ của họ vào thứ Bảy bằng súng máy và súng phóng lựu.
Tuy nhiên, cũng đã có các thành viên của lực lượng an ninh bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ sau đó, theo hai thành viên của nhóm Tamu.
Mặc dù tuyên bố của nhóm này không thể được xác nhận một cách độc lập, nhưng việc giết hại các thành viên của lực lượng an ninh là một bước leo thang đáng kể kể từ cuộc đảo chính, vốn chỉ diễn ra một chiều.
Một nhóm phiến quân nhỏ, ít được biết đến có tên Quân đội Quốc gia Kuki, một trong nhiều nhóm vũ trang dân tộc đã chiến đấu với quân đội Myanmar trong nhiều năm trong các cuộc xung đột khu vực, cho biết họ đã giúp những người biểu tình Tamu chiến đấu với lực lượng an ninh vào thứ Bảy. Một số thủ lĩnh của phong trào biểu tình đã kêu gọi các đội quân nổi dậy gia nhập lực lượng.
Bất chấp đổ máu, những người phản đối cuộc đảo chính vẫn tiếp tục biểu tình ở nhiều nơi trên đất nước.
Các sinh viên đại học và các giáo sư đã diễu hành qua các đường phố của Mandalay và thành phố Meiktila vào sáng Chủ nhật, theo truyền thông địa phương.
Một số mang cành hoa Eugenia – biểu tượng của chiến thắng.
Tại Yangon, những người biểu tình mang theo một biểu ngữ có nội dung: “Chúng tôi sẽ giành được chiến thắng, chúng tôi sẽ chiến thắng.”
Những người biểu tình tại Yangon và tại thành phố Monywa đã viết các thông điệp chính trị trên lá cây, bao gồm “Chúng ta phải chiến thắng” và kêu gọi sự can thiệp của Liên Hợp Quốc để ngăn chặn đổ máu thêm.
Trên khắp đất nước, mọi người đã được khuyến khích tham gia vào một cuộc biểu tình thắp đuốc trong khu dân cư của họ sau khi mặt trời lặn vào đêm Chủ nhật.
Thanh niên Myanmar chống lại sự cố mất Internet bằng các bản tin ngầm
Theo hãng tin CNA, giới trẻ Myanmar đang chống lại việc phong tỏa Internet và chiến dịch đàn áp thông tin của quân đội bằng cách sản xuất các bản tin ngầm và bí mật phân phát khắp các cộng đồng.
Theo nhóm giám sát NetBlocks, tình trạng mất Internet ở Myanmar do cuộc đảo chính đã tiếp diễn trong 56 ngày liên tiếp.
Một thanh niên 30 tuổi với bí danh là Lynn Thant đã bắt đầu các bản tin ngầm và đặt cho nó cái tên Molotov để thu hút giới trẻ.
Hàng nghìn độc giả trên khắp đất nước đang tải xuống phiên bản PDF của ấn phẩm và in ra cũng như phân phối các bản in trên khắp các vùng lân cận ở Yangon, Mandalay và các khu vực khác.
Lynn Thant nhận thức được những rủi ro liên quan đến công việc này.
Cảnh sát và binh lính đã bắt giữ hơn 3.000 người kể từ khi vụ đảo chính xảy ra, theo AAPP.
Khoảng 200 người nổi tiếng bao gồm diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đang nằm trong danh sách bắt giữ và có thể phải đối mặt với ba năm tù nếu bị kết tội truyền bá thông tin bất đồng chống lại quân đội.
“Nếu chúng tôi viết văn học cách mạng và phân phát nó như thế này, chúng tôi có thể sẽ phải ngồi tù nhiều năm,” anh nói, khuôn mặt được che giấu bởi một trong những chiếc mặt nạ Guy Fawkes được phổ biến trong bộ phim kinh dị V for Vendetta.
“Ngay cả khi một người trong chúng tôi bị bắt, vẫn có những người trẻ tuổi khác sẽ tiếp tục sản xuất bản tin Molotov. Ngay cả khi một người trong chúng tôi bị giết, một người khác sẽ đến khi ai đó ngã xuống. Bản tin Molotov này sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi cuộc cách mạng diễn ra thành công,” anh khẳng định.
Anh cho biết cho đến nay, ấn phẩm đã có hơn 30.000 người theo dõi trên Facebook và đối tượng chính là các nhà hoạt động Thế hệ Z.
Các bản sao của bản tin cũng đang được phân phối một cách bí mật tại các thành phố.
Myanmar đã sống dưới sự cai trị của quân đội trong 49 năm trước khi chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 2011.
Đất nước này có một lịch sử lâu dài về sự hoạt động của các ấn phẩm ngầm.
Theo nhóm giám sát Reporting ASEAN, các phương tiện truyền thông độc lập đang bị đe dọa, với 64 nhà báo đã bị bắt kể từ cuộc đảo chính và 33 nhà báo vẫn đang bị giam giữ.
Chính quyền cũng đã thu hồi giấy phép của 5 hãng truyền thông.
Lê Xuân (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa bản tin ngầm ở Myanmar Dòng sự kiện số người thiệt mạng ở Myanmar