Giới chức Hoa Kỳ và Canada kêu gọi thả người tập Pháp Luân Công trước thềm Olympic
- Minh Nhật
- •
Sau khi Bắc Kinh kết án 11 người tập Pháp Luân Công địa phương vào giữa tháng Một, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các quan chức Chính phủ Canada cũng như các luật sư nhân quyền đã lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời kêu gọi chấm dứt bức hại Pháp Luân Công và trả tự do cho những người tập bị giam giữ. Điều này xảy ra trong bối cảnh ĐCSTQ đã gia tăng đàn áp các nhóm tôn giáo, tín ngưỡng và người bất đồng chính kiến ngay trước khi Olympic Bắc Kinh 2022 chính thức bắt đầu vào tối ngày 4/2.
11 người tập Pháp Luân Công bị kết án tại Bắc Kinh vào giữa tháng 1 bao gồm bà Hứa Na 8 năm tù, 4 người tập phải chịu án tù 5 năm (ông Lý Tông Trạch, ông Lý Lập Hâm, bà Trịnh Ngọc Khiết và bà Trịnh Diễm Mỹ), 4 người tập khác phải chịu án tù 4 năm (bà Đặng Tĩnh Tĩnh, ông Trương Nhâm Phi, ông Lưu Cường, và bà Mạnh Khánh Hà), và 2 người tập khác nhận án 2 năm (bà Lý Giai Hiên và bà Tiêu Mộng Giao). Họ bị kết án vì đăng tải các bài viết và hình ảnh online, đồng thời cung cấp cho truyền thông nước ngoài tư liệu phơi bày sự nghiêm trọng của dịch COVID-19 tại Trung Quốc vào năm 2020.
Đặc biệt, bà Hứa Na là nghệ sĩ có danh tiếng tại Trung Quốc Đại Lục, từng bị giam giữ vì tập Pháp Luân Công. Bà Hứa đã trải qua nhiều hình thức tra tấn trong 2 lần bị bắt giam vào năm 2001 và 2008 (Xem thêm: Nữ nghệ sĩ Bắc Kinh bị tra tấn trong tù: “Tôi thà bị giam bởi phát-xít”).
Hơn nữa bà Hứa Na là một trường hợp gợi lại ký ức Olympic Bắc Kinh 2008 vì chồng bà là ông Vu Trụ bị chết 11 ngày sau khi bị giam tại trung tâm giam giữ ngay trước Olympic Bắc Kinh 2008. Trường hợp của ông Vu được cho là nằm trong chiến dịch đàn áp nhân quyền trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008, và đã được các kênh truyền thông phương Tây như New York Times và Associated Press cùng các tổ chức nhân quyền như Amnesty International và Freedom House đưa tin rộng rãi. Ông Vu cũng được nhắc tới trong báo cáo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ năm 2009. (Xem thêm trong bài: Tưởng niệm nhạc sĩ bị ĐCSTQ tra tấn và giết hại nhân danh Thế vận hội)
Ngày 21/1, tờ Epoch Times đưa tin Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thông qua một email, đã kêu gọi ĐCSTQ “ngay lập tức chấm dứt hành vi ngược đãi và hành hạ tàn bạo người tập Pháp Luân Công, trả tự do cho những người bị cầm tù vì đức tin của họ, và cho biết tung tích những người tập mất tích.”
Email tiếp tục: “Kể từ năm 1999, ĐCSTQ đã tìm cách tiêu diệt Pháp Luân Công, môn tập bắt nguồn từ Trung Quốc, và những người tập ôn hòa cùng những người bảo vệ nhân quyền đã đấu tranh cho quyền thực hành tín ngưỡng của họ.”
Email viết: “Có nhiều bằng chứng cho thấy, đến nay, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn tiếp tục đàn áp và ngược đãi cộng đồng này”, và cho biết thêm rằng hàng ngàn người tập Pháp Luân Công phải đối mặt với việc giam giữ, sách nhiễu và được báo cáo là vẫn phải chịu tra tấn và ngược đãi chỉ vì thực hành tín ngưỡng của họ. Nhiều người tập đã bị giam giữ trong một thời gian dài mà không được xét xử hoặc giải quyết. Họ bị tước quyền thuê luật sư hợp pháp, và thường bị kết án dựa trên những bằng chứng ngụy tạo.
Ông Garnett Genuis, một nghị sĩ Canada, cho biết những biện pháp cực đoan mà ĐCSTQ thực hiện đối với trường hợp kết án 11 người tập Pháp Luân Công giống như các vụ đàn áp về ngôn luận trong nước trước đây của chính quyền này. Ông cho rằng ĐCSTQ rất chú trọng hình ảnh của mình và thường kiểm duyệt hoặc ngăn chặn việc rò rỉ thông tin và trước các sự kiện quốc tế lớn.
Ông Genius nhấn mạnh rằng các nước phương Tây cần phải thúc đẩy quyền tự do ngôn luận ở Trung Quốc, đặc biệt là với những người tập Pháp Luân Công bị giam giữ vì đức tin của họ.
Luật sư nhân quyền ở Canada, David Matas, nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa những bản án nặng và Olympic Bắc Kinh sắp tới: ĐCSTQ muốn đe dọa những người dám đưa ra ý kiến khác với những gì chính quyền cho phép.
Theo ông, việc ĐCSTQ tăng cường bức hại trước và trong thời gian diễn ra Olympic đã trở thành một quy trình nhằm ngăn cản những người bất đồng chính kiến vạch trần sự tàn bạo của chế độ trong các sự kiện nhận được sự quan tâm của quốc tế.
Ông Matas cho rằng những bản án như vậy hoàn toàn mang tính chính trị.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, Rick Scott, nhận xét trong buổi phỏng vấn với tờ Epoch Times: “Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo một cách không ngừng nghỉ.” “Cuộc tấn công nhắm vào những người tập Pháp Luân Công đang cố gắng cung cấp thông tin về đại dịch là bằng chứng mới nhất về sự thô bạo của chế độ, và càng là lý do để cắt đứt quan hệ và chấm dứt việc ủng hộ chính quyền tà ác này.”
Ông Johnnie Moore, cựu ủy viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết sự phán quyết này đánh dấu “thời điểm đòi hỏi sự minh bạch về đạo đức”.
“Chúng ta cần phải nói rõ điều gì đang xảy ra ở đây: ĐCSTQ đang vây bắt mọi người ngay trước thềm Olympic”, ông Johnnie Moore giải thích, “Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cũng như các đồng minh của Hoa Kỳ, cần phải vạch ra ranh giới với Trung Quốc.”
Tháng Một vừa qua, theo thông tin công bố từ Minghui.org, một cổng thông tin của Pháp Luân Công ở hải ngoại thường xuyên đăng tải bằng chứng trực tiếp từ nguồn tin sơ cấp (nhân chứng trực tiếp) tại Đại lục về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, trong năm 2021, với số liệu thống kê không đầy đủ, tổng cộng có 14.290 người tập Pháp Luân Công đã bị bức hại tại Trung Quốc Đại lục. Số liệu từ Minghui đã được nhiều tổ chức nhân quyền công nhận, trong đó đáng chú ý là được trích dẫn trong các phát biểu và các báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Dựa trên thông tin do đăng tải trên Minghui.org do phóng viên Anh Tử cung cấp
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
- 22 năm bị đàn áp: Những cống hiến ít biết của Pháp Luân Công cho nhân quyền và tự do
- Chuyện đời của á quân Olympic rước đuốc nhân quyền phản đối Olympic Bắc Kinh 2008
Mời xem video:
Từ khóa Olympic Bắc Kinh đàn áp Pháp Luân Công Olympic Bắc Kinh 2022