Theo Bloomberg đưa tin, NATO đang gửi thêm tàu ​​chiến đến Tây Thái Bình Dương để tăng cường ảnh hưởng quân sự, điều này chắc chắn sẽ khiến ĐCSTQ lo lắng.

Cavour
Tàu sân bay Cavour của Ý (Ảnh: Gaetano56/ Wikipedia)

Sự bổ sung mới nhất là tàu sân bay Cavour của Ý, đánh dấu lần đầu tiên Ý triển khai tàu sân bay duy nhất có khả năng phóng và thu hồi máy bay chiến đấu F-35 tới Thái Bình Dương. 

Tàu Cavour và một tàu khu trục của Ý gần đây đã tổ chức cuộc tập trận chung với tàu USS Abraham Lincoln gần Guam. Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và máy bay Harrier AV-8B cất cánh từ Cavour tiến hành tập bắn hạ mục tiêu trên không.

Chuẩn Đô đốc Giancarlo Ciappina, chỉ huy nhóm tấn công tàu sân bay Cavour cho biết: “Đây là minh chứng đầu tiên về khả năng triển khai sức mạnh của chúng tôi ở bất cứ đâu”.

Tàu sân bay HMS Prince of Wales của Anh và nhóm tấn công của tàu này sẽ đến Thái Bình Dương vào năm tới. Pháp cho biết sẽ cử nhóm tấn công tàu sân bay Charles de Gaulle tới khu vực này. Nhóm tấn công là một nhóm tác chiến hải quân nhỏ được xây dựng xung quanh một tàu sân bay và thường bao gồm các tàu khu trục, tàu tuần dương và các tàu khác cũng như máy bay chiến đấu và máy bay quân dụng khác.

Các thành viên NATO khác như Đức và Hà Lan cũng có kế hoạch đưa tàu chiến tới Thái Bình Dương.

Bloomberg phân tích trong báo cáo hôm thứ Sáu (ngày 16/8) rằng sự xuất hiện của Hải quân châu Âu là để chuẩn bị tăng cường sức mạnh cho quân đội Mỹ trong thời kỳ khủng hoảng, như cung cấp thêm nền tảng cho máy bay quân sự Mỹ, tăng cường khả năng săn tàu ngầm và tham gia nhiệm vụ phân phối tiếp tế, v.v.

Lực lượng NATO sử dụng các thiết bị và chiến thuật được tiêu chuẩn hóa để họ có thể phối hợp chặt chẽ với nhau—được gọi theo cách nói quân sự là “khả năng tương tác”. Các quan chức cấp cao của NATO cho biết, tại khu vực Thái Bình Dương, mục tiêu chiến lược là tiến thêm một bước nữa và có thể tự do trao đổi thông tin với các nhóm tác chiến hải quân của Mỹ hoặc các đồng minh khác.

NATO luôn cảnh giác với ĐCSTQ. Năm nay, NATO thậm chí còn thẳng thừng tuyên bố rằng Bắc Kinh là kẻ đồng lõa trong việc Nga xâm lược Ukraine. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc. Vào năm 2022, NATO lần đầu tiên xác định ĐCSTQ là kẻ thách thức “các lợi ích, an ninh và giá trị quan” của NATO.

Ngoài NATO, các đồng minh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ cũng đang giúp duy trì an ninh và thương mại tự do trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản. Nhật Bản có hơn 100 tàu chiến thường xuyên tuần tra cùng Hải quân Mỹ. Nhật Bản cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Ngoài ra, vào đầu tháng 4, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Philippines đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên với ông Biden tại Nhà Trắng, tuyên bố tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm huấn luyện và tập trận chung giữa 3 nước và các đối tác khác.

Vào tháng 4, Đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, nói với tờ New York Times rằng một mạng lưới quan hệ đối tác và thỏa thuận an ninh ngày càng mở rộng, trải dài hàng ngàn dặm trên khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, là kết quả trực tiếp của “chương trình nghị sự chủ phục hồi lãnh thổ, chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa bành trướng” của ĐCSTQ trong khu vực, cách làm của ĐCSTQ đã đe dọa trực tiếp đến các nước láng giềng.

Ông nói: “Tôi thực sự nghĩ rằng Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của chúng ta đang chơi một quân bài mạnh hơn và chúng ta sẽ chiếm ưu thế trong bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra ở Tây Thái Bình Dương”.

Trí Đạt (theo Bloomberg)