Người Nga vững tin rằng Kiev không thể tấn công vào lãnh thổ Nga mà không có Mỹ và NATO đứng sau, trái với nhiều tuyên bố từ phía Mỹ và NATO. Trong khi đó, giới quan sát đang nhìn xem khái niệm “lằn ranh đỏ” của Nga sẽ thế nào khi quân Ukraine và truyền thông phương Tây liên tiếp ca ngợi chiến thắng trên vùng Kursk.

240816putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hội nghị Nghị viện quốc tế Nga, 20/3/2023 (nguồn ảnh Wikipedia)

“Lằn ranh đỏ” —điện Kremlin sẽ chịu nhịn đến đâu trước khi tung biện pháp mạnh, thậm chí có thể tung ra lá bài tẩy là vũ khí hạt nhân— dường như đang bị đặt câu hỏi khi chiến dịch Kursk diễn ra đã hơn 1 tuần.

Theo hãng tin RT, người Nga không tin rằng không có Mỹ và NATO đứng sau chiến dịch này, trích dẫn lời của ông cố vấn Nikolai Patrushev nói hôm Thứ Sáu 16/8 trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Izvestia: “Tuyên bố của lãnh đạo Mỹ về việc không can dự vào các hành động của Kiev ở Kursk Oblast là không đúng với thực tế… Nếu không có sự tham gia và hỗ trợ trực tiếp của họ, Kiev sẽ không mạo hiểm tiến vào lãnh thổ Nga.”

Theo ông, chính phương Tây đã đặt “chính quyền tội phạm hàng đầu lên nắm quyền ở Ukraine”“các nước NATO đã cung cấp cho Kiev vũ khí, huấn luyện viên quân sự và liên tục cung cấp thông tin tình báo cho Kiev, đồng thời kiểm soát hành động của nhóm những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới.”

“Hoạt động ở Vùng Kursk cũng được lên kế hoạch với sự tham gia của NATO và các lực lượng đặc biệt của phương Tây,” ông Patrushev khẳng định.

240816patrushev
Thư ký Hội đồng Bảo an Nikolay Patrushev (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obamas (phải), tháng 5/2013 (nguồn: Wikipedia)

Nikolai Platonovich Patrushev từng giữ chức Thư ký Hội đồng Bảo an LHQ. Ông được xem là một chính khách cao cấp có quan hệ rất gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và hiện nay đang giữ chức cố vấn cho tổng thống. Ông cũng là một trong những nhân vật đóng góp cho các quyết sách của Nga trong chiến tranh Ukraine, nhất là thời điểm Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình.

RT viết rằng giới chức phương Tây vẫn luôn lừa dối công chúng, và chỉ ra các trường hợp quan chức Mỹ và NATO phủ nhận hoặc né tránh việc khẳng định rằng họ trực tiếp tham gia sâu vào chiến tranh Ukraine nói chung, và chiến dịch Kursk nói riêng. Mặc dù họ liên tục lên tiếng ủng hộ chiến dịch Kursk khi quân quân Ukraine đột kích vào lãnh thổ Nga trong những ngày qua.

Trước đó, RT từng có bài trích dẫn lời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, để chỉ ra rằng tuy chính ông Biden cùng đồng sự nhiều lần phủ định sự tham gia của mình vào chiến dịch Kursk, nhưng ông đã lỡ lời và gián tiếp khẳng định sự tham gia của ông là có thật.

“Tôi vẫn thường xuyên nói chuyện với nhân viên,” Tổng thống Mỹ trả lời chất vấn về chiến sự Ukraine ngay khi ông trở về vào hôm 13/8 từ chuyến nghỉ cá nhân. “Có thể là 4 hoặc 5 giờ một lần trong 6 hoặc 8 ngày qua, và [tôi thấy tình hình Kursk] đó đang tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự đối với [Tổng thống Nga Vladimir] Putin… Và chúng tôi đã liên lạc trực tiếp, liên lạc thường xuyên với người Ukraine. Đó là tất cả những gì tôi sẽ nói về nó khi nó hoạt động.”

Leo thang chiến tranh đang kích thích con gấu Nga, cùng cái gọi là “lằn ranh đỏ” của ông Putin. Vấn đề này được nhắc tới rất nhiều lần. Từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khi phương Tây hối thúc đưa vũ khí hạng nặng như xe tăng và các loại xe thiết giáp vào chiến trường Ukraine. Rồi sau đó là vũ khí tầm xa. Tiếp đó là máy bay phản lực F-16. Lại tiếp nữa là các đợt tấn công vào trong lãnh thổ Nga nhưng bấy giờ phương Tây và Ukraine gọi đó là do các nhóm người Nga chống chính phủ gây ra.

Lần này, thì đích thân quân Ukraine tràn qua biên giới, cùng các vũ khí và đạn dược do phương Tây cung cấp, công nhiên tấn công và tuyên bố chiếm đóng lãnh thổ nước Nga.

Tờ Newsweek của Mỹ đăng bài với tiêu đề Mỹ đã đánh giá quá cao ‘lằn ranh đỏ’ của Putin hôm 13/8, trong đó dẫn lời cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, John J. Sullivan, người phàn nàn rằng Mỹ đã quá e ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin khi tỏ ra không dám quyết đoán mạnh tay ủng hộ chính quyền Kiev trong thời gian trước. Theo ông, tình hình hiện nay ở Kursk cho thấy rằng Mỹ kỳ thực đã không cần thiết phải e ngại ông Putin đến như vậy.

“Hoa Kỳ đã thất bại trong việc cung cấp những gì người Ukraine cần để thêm vào sự kháng cự anh dũng của họ,” ông Sullivan nói với Newsweek. “Dù là [lần] xe tăng M1A1, [máy bay] F-16, và tên lửa thì đều là trì hoãn, trì hoãn, trì hoãn.”

Theo ông, thì hãy nhìn những gì mà Nga phản ứng khi Nga bị tấn công vào Kursk, và đưa ra kết luận rằng ông Putin không đáng sợ như vậy.

“Tôi luôn nghĩ rằng việc ông [Putin] sử dụng vũ khí hạt nhân là điều cực kỳ khó xảy ra,” ông bình luận, và sau đó nói, “ông ta không muốn một cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ — không ai có đầu óc tỉnh táo muốn làm điều đó và ông ta không bị điên.”

Cho đến nay, phe Nga tuyên bố 12 công dân đã bị giết chết, 121 người bị thương, và trên 120.000 người dân đã phải sơ tán, theo RT báo cáo hôm 16/8. Tuy nhiên điện Kremlin vẫn chưa có thông điệp mạnh mẽ nào. Tổng thống Putin và quan chức Nga đã nhiều lần nói rằng, việc Ukraine đột kích vào Kursk Oblast đã phá hỏng cơ hội đàm phán hòa bình.

“Chúng ta có thể đàm phán kiểu gì với những kẻ đang tấn công bừa bãi vào dân thường, cơ sở dân sự hoặc cố gắng đe dọa các cơ sở năng lượng hạt nhân?”, ông Putin nói trong cuộc họp đầu tuần này.

Nhật Tân (t/h)