Nga: Vụ Makiivka làm 89 quân thiệt mạng là vì dùng điện thoại
- Thiên Đức
- •
Hôm thứ Tư (4/1), Nga cập nhật vụ trại lính bị đập thành phế liệu ở Makiivka bởi 4 quả tên lửa từ bệ phóng HIMARS đã làm thiệt mạng 89 binh lính, và cho biết thêm lý do là vì dùng điện thoại di động, theo Reuters đưa tin.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết vào hôm thứ Tư rằng: “Nguyên nhân chính cho những gì đã xảy ra rõ ràng là do bật và sử dụng nhiều điện thoại di động của nhân viên- trái với lệnh cấm- trong phạm vi tầm bắn của vũ khí quân địch.”
“Điều này này cho phép quân địch theo dõi và xác định tọa độ vị trí các binh sĩ để tấn công bằng tên lửa.”
Trước đó, Nga đưa con số tử vong là 63, và cũng đã giải thích nguyên nhân bị tổn thất nặng nề ở khu quân sự này là do nơi ở của binh lính là sát bãi chứa đạn dược. Trại lính này trước đây là một trường học ở Makiivka, thành phố song sinh với thủ phủ của Donetsk nay đã bị Nga chiếm đóng.
Bộ Quốc phòng cho biết 4 tên lửa từ bệ phóng HIMARS do Mỹ sản xuất đã bắn trúng tòa nhà vào ngay sau nửa đêm giao thừa, đồng thời miêu tả rằng “từ vụ nổ đầu đạn của tên lửa HIMARS, trần của tòa nhà sụp đổ.”
Bộ Quốc phòng cũng gợi ý rằng để trả đũa, Nga đã thực hiện một cuộc không kích vào “trung tâm chứa thiết bị” gần ga đường sắt Druzhkivka ở Donetsk, với số liệu cập nhật mới là giết chết 200 nhân viên Ukraine, đồng thời phá hủy 4 bệ phóng HIMARS và hơn 800 tên lửa. Con số báo cáo trước đó là 120 nhân viên và 2 bệ phóng và 800 tên lửa.
Hệ thống HIMARS
Hệ thống Tên lửa Cơ động cao M142 (HIMARS) là một hệ thống phóng tên lửa hạng nhẹ được phát triển từ những năm thập kỷ 1990 dành cho Lục quân Hoa Kỳ và đồng minh, được gắn vào khung của xe tải M1140.
HIMARS được dùng cho tấn công chính xác mục tiêu, như đánh vào sở chỉ huy hay kho đạn. Khác với loại công kích diện rộng như BM-21, BM-27 của Nga.
Video: Hệ thống M142 HIMARS phóng tên lửa cơ động cao hạng nhẹ của Mỹ
HIMARS có một bệ phóng cho 6 tên lửa M30/31 GMLRS, hoặc 2 tên lửa đạn đạo PrSM, hoăc một tên lửa đạn đạo ATACMS, hoặc tên lửa M28. Loại tên lửa thường được dùng là loại M30/31 GMLRS, đây là tên lửa có điều khiển định vị GPS nên đạt độ chính xác cao (độ lệch chỉ 10 mét với tầm bắn 80 km). Giá thành của tên lửa này lên tới 125.000 USD/quả (thời giá 2020), đắt gấp vài chục lần so với tên lửa thông thường.
Video: Tại sao S400 của Nga không chặn đánh được HIMARS của Mỹ trong chiến tranh Ukraine?
HIMARS ra đời do yêu cầu được đặt ra năm 1982, khi Sư đoàn Bộ binh Số 9 của Hoa Kỳ năm đó cần loại bệ phóng hạng nhẹ dùng cho phản công, và các vũ khí thời đó chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu cho mục đích quân sự này.
Trong chiến tranh Ukraine, HIMARS bắt đầu tham gia từ ngày 25/6/2022. Trước đó Hoa Kỳ đã tuyên bố gửi cho Kyiv 4 bệ phóng với cùng với các tên lửa M31 GMLRS (91 kg/quả, tầm bắn 92 km).
Cho đến đầu tháng 8/2022, tổng cộng 16 bệ phóng HIMARS đã được đưa vào Ukraine.
Video: HIMARS dùng trong chiến tranh ở Ukraine
Ngày 8/9/2022, Tướng Hoa Kỳ Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói với các phóng viên: “Chúng tôi đang thấy những lợi ích thực sự và có thể đo lường được từ Ukraine trong việc sử dụng các hệ thống này. Ví dụ, người Ukraine đã tấn công hơn 400 mục tiêu bằng HIMARS và chúng có sức phá hoại rất mạnh mẽ.”
Ngày 28/9/2022, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ gửi thêm 18 chiếc nữa.
Hoa Kỳ từng nhiều lần bày tỏ quan điểm cung cấp vũ khí cho Ukraine là cho mục đích tự vệ, không cung cấp những vũ khí tầm xa mà có thể dẫn đến leo thang chiến tranh.
Từ khóa Nga xâm lược Ukraine chiến tranh Ukraine - Nga HIMARS Makiivka