Nga xâm lược Ukraine: Động thái mới của Putin – Biden và thế khó của Tập Cận Bình
- Tống Đường và Lạc Á
- •
Ngày 24/2 năm trước, Nga đã xâm lược Ukraine. Mặc dù Tổng thống Nga Putin luôn tuyên bố đó là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, trong khi Mỹ và NATO cũng cố gắng để phạm vi cuộc chiến không mở rộng, nhưng nó rõ ràng đã vượt qua ranh giới địa lý trở thành một chiến trường khác giữa Mỹ và Trung Quốc. Có thể nói cuộc chiến Nga-Ukraine trở thành điểm nút của xu hướng quyền lực chính trị toàn cầu, và hiện nay tình thế đang đặt ông Tập Cận Bình vào cảnh không dễ chịu.
Sau một năm cuộc chiến, cả Nga và Ukraine đều rơi vào tình thế không thể nhận thua, nhưng trong bối cảnh chiến tranh kéo dài và Nga ngày càng bất lực đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu lo lắng rằng Nga sẽ thất bại, cho nên đã phát động cái gọi là “kế hoạch hòa bình” và đồng thời cũng bắt đầu xem xét việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.
Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã vạch trần âm mưu của ĐCSTQ: Vừa ngụy trang “trung lập”, vừa ngấm ngầm hỗ trợ Nga về mọi mặt.
Có phân tích cho rằng chiến tranh Nga-Ukraine càng kéo dài càng bất lợi cho Nga và ĐCSTQ, một khi Nga thất bại trên chiến trường thì ĐCSTQ không chỉ mất đi một đồng minh chiến lược, mà còn ảnh hưởng nặng cho tham vọng toàn cầu của chính quyền Tập Cận Bình, đồng thời vị thế chính trị của ông Tập cũng lung lay.
Biden lạc quan, Putin không còn hào khí như trước
Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden gây chú ý khi có chuyến thăm bất ngờ tới thủ đô Kyiv của Ukraine. Trong bài phát biểu từ chuyến thăm Ba Lan ngày 21/2, ông Biden nói: “Một năm trước, cả thế giới đang chuẩn bị cho sự sụp đổ của Kyiv. Tôi vừa kết thúc chuyến thăm Kyiv và tôi có thể báo cáo rằng Kyiv rất mạnh… Kyiv vẫn đứng hiên ngang”.
Ông Biden cảnh báo ông Putin rằng “Ukraine sẽ không bao giờ là chiến lợi phẩm của Nga”, và “Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ khả năng tự vệ của Ukraine cùng với các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.
Trước đó cùng ngày, ông Putin đã công bố rộng rãi Thông điệp Liên bang, mặc dù tuyên bố rằng “không thể đánh bại Nga trên chiến trường”, nhưng ông Putin đã không còn vẻ hào khí oai hùng như trước.
Khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2 năm ngoái, Moscow đầy tự tin vào một chiến thắng tuyệt đối, qua đó thiết lập chế độ bù nhìn ở Kyiv và “phi quân sự hóa” Ukraine, nhưng kể từ khi từ bỏ việc chiếm Kyiv vào đầu tháng 4 năm ngoái thì Moscow đã dần thu hẹp mục tiêu. Hiện nay mục tiêu chính dường như là nắm giữ 4 vùng lãnh thổ đã chiếm đóng của Ukraine, tuy nhiên thậm chí điều đó cũng không dễ dàng đạt được.
Trong bài phát biểu về Tình trạng Liên bang, ông Putin cho biết phương Tây đã lên kế hoạch giải quyết vấn đề ở Nga một lần và mãi mãi, biến một cuộc xung đột cục bộ thành một cuộc đối đầu toàn cầu. Nước Nga hiện đang ở thời khắc khó khăn, cục diện thế giới do chiến tranh Nga-Ukraine đã trải qua những thay đổi không thể đảo ngược, cuộc chiến này có thể kéo dài mấy năm, quyết định tương lai của nước Nga, trở thành mối đe dọa đối với sự tồn tại của nước Nga.
Đáp lại, Tổng thống Mỹ Biden đã bác bỏ những tuyên bố của ông Putin trong một bài phát biểu ở Ba Lan hôm thứ Ba (21/2), nói rằng phương Tây không tìm cách kiểm soát Nga. Ông nói với người dân Nga: “Tối nay, tôi lại nói với người dân Nga. Mỹ và các nước châu Âu không tìm cách kiểm soát hay tiêu diệt nước Nga”.
Nhà Trắng cũng cho rằng cuộc chiến Ukraine đang ở giai đoạn quan trọng, Kyiv thì hy vọng các loại vũ khí mới được hứa hẹn của phương Tây, bao gồm cả xe tăng mới, sẽ sớm đến Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn vào mùa xuân này.
Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà văn và nhà bình luận chính trị Trung Quốc sống tại Mỹ, nói với Epoch Times: “Ông Biden đã đến thăm Kyiv, sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga đã bước vào giai đoạn cuối cùng, trong trường hợp lý tưởng là vài tháng tới Nga có thể bị đánh bại”.
Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ Trung Quốc và là Tiến sĩ Chính trị tại Đại học Columbia, nói với Epoch Times: “Hiện nay Nga muốn ngừng bắn với điều kiện là các bên sẽ không tấn công lẫn nhau ở lãnh thổ hiện Nga đang chiếm đóng. Yêu cầu ngừng bắn đó đương nhiên là không thể chấp nhận được đối với Ukraine. Chuyến đi của Tổng thống Biden lần này, điều quan trọng nhất là Mỹ vẫn kiên quyết ủng hộ Ukraine giành lại phần đất đã mất”.
Nga đang thua trận
Cuộc chiến Nga-Ukraine đã kéo dài cả năm, trong cuộc đối đầu với vũ khí tiên tiến của phương Tây thì nhiều điểm yếu chí mạng của quân đội Nga bị phơi bày: Vũ khí Nga sản xuất tấn công thiếu chính xác, sức mạnh không quân không thể hỗ trợ bộ binh và hệ thống phòng không của Nga không thể bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở hậu phương, khả năng lãnh đạo của người chỉ huy rất kém.
Kể từ tháng 9 năm ngoái, Ukraine đã liên tiếp giành lại các vùng lãnh thổ Kharkov và Kherson do Nga chiếm đóng, quân đội Ukraine luôn chiếm ưu thế trên chiến trường, cả Ukraine và các đồng minh phương Tây đều tin ngày Ukraine đánh bật quân đội Nga không còn xa nữa.
Có 3 cách để chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine: Một là giành ưu thế tuyệt đối trong chiến tranh, hai là thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, ba là giải pháp chính trị. Ưu thế tuyệt đối trên chiến trường là giải pháp cơ bản, nhưng khó đạt được hơn; thỏa thuận ngừng bắn yêu cầu hai bên giữ nguyên hiện trạng chiến trường, không tấn công nhau nữa; giải pháp chính trị là bước tiếp theo nhưng thường có những điều kiện khiến tình hình không thể triệt để.
Nhưng cho đến nay, do thất bại trên chiến trường, vào khoảng lễ Giáng sinh năm ngoái ông Putin đã tuyên bố rằng Nga sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên về cuộc xung đột Ukraine, nhưng Chính phủ Ukraine và những người ủng hộ phương Tây cho rằng nguyên tắc quan trọng của đàm phán là quân Nga phải rút lui. Tình hình hiện tại là cả hai bên dường như đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa xuân để giành thế chủ động trong cuộc chiến.
Làn sóng viện trợ quân sự mới của Mỹ và châu Âu dành cho Ukraine nhằm hỗ trợ cuộc tấn công mùa xuân của nước này để giành lại những vùng đất đã mất. Đối với người Ukraine, tinh thần dân tộc đang dâng cao, Chính phủ Kyiv đã loại trừ khả năng nhượng lại bất kỳ vùng đất nào cho Nga để đổi lấy hòa bình. Mục tiêu đã nêu của Tổng thống Zelensky là chiếm lại tất cả các lãnh thổ của Ukraine, bao gồm Crimea mà Nga đã chiếm đóng từ năm 2014 và vùng Donbas.
Một cuộc thăm dò hồi đầu tháng 2 do nhóm nghiên cứu Rating Group thực hiện cho thấy khoảng 95% người Ukraine tin rằng họ sẽ thắng.
Nhà bình luận Vương Quân Đào (Wang Juntao) đã phân tích với Epoch Times:
“Từ cuộc chiến này có thể thấy rằng vũ khí của Nga hoàn toàn không thể cạnh tranh với vũ khí của Mỹ và phương Tây, Nga đã mua máy bay không người lái của Iran, có thể nói công nghệ của Nga đã lạc hậu”.
“Trong ngắn hạn, cuộc đọ sức quân sự giữa Nga và Ukraine vào mùa xuân là rất quan trọng. Nga đã hoàn thành đợt tổng động viên để đưa thêm số lượng lớn quân nhân vào Ukraine nhằm phát động một cuộc tấn công. Ukraine hiện đã thu được vũ khí mới từ phương Tây và cũng đang chuẩn bị cuộc phản công, đợt tỷ thí quân sự này sẽ quyết định thắng bại cuộc chiến này sẽ khốc liệt hơn”.
“Vì hiện tại Nga muốn ngừng bắn, nếu tình hình của Ukraine không tốt thì Ukraine có thể chấp nhận, nhưng nếu tình hình của Ukraine tốt thì tôi nghĩ họ có thể bước vào giai đoạn mới”.
ĐCSTQ tung ra kiến nghị hòa bình vì lo ngại sụp đổ của Putin
Với thất bại của Nga trên chiến trường, ĐCSTQ không thể không lo ngại vì họ có chung lợi ích với Nga trong vấn đề chống lại Mỹ.
Tuy quan hệ Nga-Trung chủ yếu được thúc đẩy bởi điểm chung là đối đầu với Mỹ, nhưng cũng có phần xuất phát từ mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin. Trong thập niên cầm quyền của ông Tập đã gặp ông Putin 38 lần, nhiều gấp hơn 2 lần số lần ông Tập gặp các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Các kiểu hành vi của hai nhà lãnh đạo ĐCSTQ và Nga cũng rất giống nhau, mô phỏng nhau: Họ đều nhằm củng cố quyền lực cá nhân trong nước để cầm quyền suốt đời; đối ngoại hung hăng và chống Mỹ; những động thái xây đảo ở Biển Đông và đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông của Tập Cận Bình y hệt như ông Putin đàn áp người bất đồng chính kiến trong nước.
Evan Medeiros, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, nói rằng ĐCSTQ có mục tiêu trong cuộc chiến Nga-Ukraine là “ngăn Putin mất quyền lực”, vì việc ông Putin mất quyền lực là “nguy cơ lớn” đối với sự tồn vong của Trung Quốc (ĐCSTQ) và ông Tập Cận Bình.
Một số nhà phân tích thì tin rằng Bắc Kinh muốn kéo dài chiến tranh Nga – Ukraine nhằm làm tiêu hao nguồn lực của Mỹ, có thể khiến giữa Mỹ và châu Âu xảy ra mâu thuẫn, cũng để châm ngòi cho xu thế bất đồng chính trị ở Washington và làm suy yếu năng lực của ông Biden trong các mục tiêu chính sách đối ngoại trên toàn cầu.
Nhưng mặt khác của vấn đề là một khi ông Putin mất quyền lực thì một Chính phủ Nga thiên về phương Tây có thể hình thành khiến ông Tập Cận Bình phải đơn độc đấu với phương Tây, hệ quả có thể làm kế hoạch chống Mỹ cùng ý định viết lại quy tắc trật tự quốc tế của ĐCSTQ sẽ khó khăn gấp bội và bản thân ông Tập cũng bị các đối thủ chính trị trong nước tấn công.
Hai hành động gần đây của ĐCSTQ phản ánh thực trạng bất an của họ: Một là vội vàng đưa ra “kế hoạch hòa bình”, Tập Cận Bình dự định đọc “bài phát biểu hòa bình” tại Liên Hiệp Quốc và đề xuất “kế hoạch hòa bình”; hai là Ngoại trưởng Mỹ Blinken tuyên bố ĐCSTQ có thể cung cấp cho Nga vũ khí sát thương.
Cắc cớ là năm ngoái khi Nga bắt đầu chiến tranh xâm lược Ukraine thì cả phương Tây và Ukraine đều hy vọng ông Tập Cận Bình dùng quan hệ cá nhân với ông Putin để ngăn Nga gây chiến nhưng điều này đã bị phớt lờ, lúc này ông Tập lại có “kế hoạch hòa bình” cho thấy ĐCSTQ đã dự đoán rằng Nga sẽ thất bại trên chiến trường.
Tuyên bố của ông Blinken về việc ĐCSTQ có thể cung cấp vũ khí sát thương cho Nga cũng phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của ĐCSTQ: Việc phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ làm suy yếu nghiêm trọng nước Nga.
Nhà nghiên cứu Timothy Ash tại tổ chức tư vấn Chatham House nói với Daily Telegraph: “Những tuần gần đây cuối cùng Bắc Kinh đã hiểu rõ hơn rằng Nga đang thua cuộc chiến, thực tế còn có thể phải chịu thất bại thảm hại”; “Điều đáng lo ngại hiện nay là cuộc chiến này có thể dẫn đến thay đổi chế độ với khả năng một chính phủ thân phương Tây xuất hiện ở Moscow, đó vốn là cơn ác mộng của ĐCSTQ”.
Nói với Reuters, thành viên cao cấp tại Trung tâm Stimson ở Washington là Tôn Vận (Sun Yun) cho hay: “Với thất bại của Nga trên chiến trường, có thể ĐCSTQ thấy cơ hội đàm phán đã đến. Biểu hiện từ động thái của ông Vương Nghị và phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy xu hướng này”.
Ủng hộ Nga khiến ĐCSTQ thêm bị cô lập
Mặc dù về ngôn luận thể hiện ủng hộ Nga nhưng không có bằng chứng công khai nào cho thấy chính quyền ĐCSTQ cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, dù vậy lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến Nga-Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ của phương Tây đối với ĐCSTQ.
Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cảnh báo rằng nếu ĐCSTQ cung cấp vũ khí cho Nga thì EU sẽ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, điều này sẽ gây thay đổi lớn trong quan hệ EU-Trung Quốc.
Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell tiết lộ, ông đã nói rõ khi gặp ông Vương Nghị rằng nếu Bắc Kinh thực sự cung cấp vũ khí sát thương cho Nga thì “đối với chúng tôi, đó sẽ là lằn ranh đỏ”.
Sau 30 năm toàn cầu hóa giúp nền kinh tế Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với phương Tây, việc tiếp tục leo thang các biện pháp trừng phạt kinh tế dù không khác gì tự hại nhau nhưng hậu quả mỗi bên phải chịu là không tương đương. Ông George Magnus thuộc Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford nói với Daily Telegraph: “Nếu người Trung Quốc khiến Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chống lại họ thì họ sẽ chịu hậu quả nặng nề, tôi không tin họ lại ngu ngốc như vậy”.
Giáo sư Minxin Pei tại Đại học Claremont McKenna ở Mỹ gần đây đã viết rằng nếu cuộc chiến xâm lược Ukraine của ông Putin khó cho thấy có được thành quả gì, thì cái giá mà Trung Quốc (ĐCSTQ) phải trả cho lập trường thân Nga của họ là rất lớn:
“Ở cấp độ chiến lược, quan hệ đối tác Trung-Nga đã gây ra thiệt hại không thể bù đắp cho tổn thất từ quan hệ Trung-Âu. Trước chiến tranh, Trung Quốc có khả năng khiến các nước lớn châu Âu phải lặng lẽ trong cuộc cạnh tranh leo thang của Trung Quốc với Mỹ. Nhưng một khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, châu Âu hiểu rõ hơn vấn đề Trung Quốc đồng lõa với hành vi xâm lược của Nga.”
“Sự thay đổi lập trường của châu Âu đối với Trung Quốc và viễn cảnh chiến tranh giữa Trung Quốc và Đài Loan chắc chắn sẽ tác động mạnh đối với thương mại toàn cầu, thúc đẩy xu thế phương Tây – Trung Quốc ‘chia tách kinh tế’ trở nên mạnh mẽ, theo đó các CEO không cần đến cổ vũ từ những quan chức diều hâu chống ĐCSTQ ở Washington thì cũng chủ động giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.”
Cùng quan điểm, nhà bình luận Trần Phá Không cho rằng ĐCSTQ đã sớm mất thị trường châu Âu, trước đây đã xa rời châu Âu về chính trị và hệ giá trị, bây giờ đã xa rời châu Âu về kinh tế, thậm chí ĐCSTQ còn bị cô lập trên trường quốc tế.
Trước tình hình đó, các nhà ngoại giao cấp cao của ĐCSTQ trong đó có ông Vương Nghị biện minh rằng Trung Quốc không được cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, đồng thời ông Tập Cận Bình thì đề xuất kế hoạch hòa bình cho Nga và Ukraine. Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cũng kêu gọi thế giới ngừng tuyên bố “Hôm nay là Ukraine, ngày mai là Đài Loan”.
Thất bại của Nga sẽ là tin xấu cho ĐCSTQ
Bậc thầy chính trị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Dugin của Nga khẳng định Trung Quốc (ĐCSTQ) mới là kẻ thù lớn nhất của Nga. Nhà bình luận Vương Quân Đào (Wang Juntao) nói rằng liên minh Nga-Trung không đáng tin cậy:
“Tôi cảm thấy Nga cũng không thật tâm gì với Trung Quốc (ĐCSTQ), bây giờ Tập Cận Bình muốn lôi kéo Nga chủ yếu là để chơi quân bài với phương Tây, nhưng loại liên minh này khó có thể là một liên minh thực chất. Sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn thành lập liên minh với Nga, chẳng hạn khi đại sứ quán Nam Tư bị đánh bom trong thời chiến tranh Kosovo, Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn đứng về phía Nga, nhưng Nga đã bán đứng ĐCSTQ trong chớp mắt để đạt được thỏa thuận với phương Tây”.
“Nga đã không có vị thế gì ở châu Âu, bây giờ thậm chí không thể duy trì vai trò lãnh đạo trước đây như thời Liên Xô, nó thực sự đang suy tàn.”
“Khi nước Nga bắt đầu phục hưng, thời Pyotr I thì phương Tây là hình mẫu của Nga, họ hoàn toàn coi thường Trung Quốc (ĐCSTQ) và họ muốn gia nhập thế giới phương Tây, chỉ cần phương Tây có thể xử lý vấn đề khiến áp lực lên Nga được hóa giải thì chắc chắn Nga sẽ ngả về phương Tây.”
“Nếu Tập Cận Bình và Vương Nghị muốn thành lập một liên minh với Nga, đó có thể là liên minh đáng ngờ. Nếu Nga thắng trong cuộc chiến xâm lược Ukraine thì tất nhiên họ sẽ đứng về phía Nga, nhưng nếu Nga thất bại thì cũng sẽ bay theo chiều gió.”
Có thể nói, nếu một nước Nga chống Mỹ do ông Putin lãnh đạo sụp đổ thì đó sẽ là một tin xấu cho ĐCSTQ. Nga có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và có quyền phủ quyết, có công nghệ vũ khí và quân sự mạnh, sở trường sử dụng không gian mạng để lật đổ, cũng như kinh nghiệm và ảnh hưởng ngoại giao. Một loạt chính sách đối ngoại chống Mỹ do ông Tập Cận Bình xây dựng được hậu thuẫn từ Nga, nếu Nga và ông Putin thất bại thì tham vọng thay đổi trật tự quốc tế toàn cầu của ĐCSTQ chắc chắn sẽ hứng chịu bước thụt lùi lớn.
Việc ông Tập Cận Bình gắn bó chặt chẽ với ông Putin đã gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc và phá hoại cái gọi là “nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ” trong chính sách ngoại giao 75 năm của ĐCSTQ. Nếu Nga thất bại trong xâm lược Ukraine thì ông Tập Cận Bình sẽ phải gánh chịu hậu quả chính trị.
Nhà bình luận Trần Phá Không nói, “Ông ấy (Tập Cận Bình) sợ Nga thất bại, nghĩ rằng nếu Nga thất bại thì ĐCSTQ sẽ thất bại; nếu ông Putin thất bại thì ông Tập Cận Bình sẽ thất bại”.
Tương tự, cựu nhà ngoại giao Anh tại Bắc Kinh là Roger Garside nói với tờ Daily Telegraph:
“Tôi không nghĩ ông ấy (Tập Cận Bình) sẽ sống sót sau khi kết thúc tình anh em với Putin, sẽ có một cuộc khủng hoảng lãnh đạo trong ĐCSTQ, các đối thủ sẽ xem đây là một cơ hội để hạ bệ ông ta.”
“Quyền lực của ông ấy (Tập Cận Bình) đã bị suy yếu nghiêm trọng, có thể thấy trong việc ông ấy buộc phải từ bỏ chính sách ‘Zero COVID’ sau đại hội ĐCSTQ, ông ấy gánh không nổi chính sách mang tính cột mốc đó bị hủy bỏ.”
“Những người phản đối cho rằng ông ấy (Tập Cận Bình) đã chiến đấu một cách không cần thiết với phương Tây gây kích động các biện pháp trừng phạt công nghệ cao trước khi công nghệ của Trung Quốc bắt kịp phương Tây. Họ cho rằng ông ấy đã từ bỏ mô hình thị trường của ông Đặng Tiểu Bình gây hủy hoại kỳ tích tăng trưởng của Trung Quốc. Quan trọng nhất, họ cho rằng ông Tập Cận Bình đã đánh giá sai cán cân quyền lực toàn cầu, ông ấy đã phạm sai lầm.”
Từ khóa Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine quan hệ Trung Quốc - Nga Dòng sự kiện