Ngày Thứ Bảy đẫm máu nhất: Lực lượng an ninh Myanmar giết hại hơn 110 người
- Lê Xuân
- •
Lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết hơn 110 người, bao gồm cả một số trẻ em trên khắp Myanmar vào ngày thứ Bảy (27/3). Đây được cho là ngày biểu tình đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng trước, hãng tin Reuters dẫn các bản tin và nhân chứng cho biết.
Cuộc trấn áp chết chóc diễn ra vào Ngày Lực lượng Vũ trang. Thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội, cho biết trong cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang rằng quân đội sẽ bảo vệ người dân và nền dân chủ.
Trước đó một ngày, hôm thứ Sáu, truyền hình nhà nước đã cảnh báo rằng người biểu tình có thể bị bắn “vào đầu và lưng”. Mặc dù vậy, người biểu tình đã tràn ra khắp các đường phố ở Yangon, Mandalay và các thị trấn khác để phản đối chính quyền quân sự.
Cổng thông tin Myanmar Now hồi chiều 27/3 cho biết 91 người đã bị lực lượng an ninh giết hại trên khắp đất nước.
Theo cập nhật mới nhất của tờ Nikkei Asia vào đêm 27/3, đã có 114 người thiệt mạng.
Ít nhất 29 người, trong đó có một bé gái 13 tuổi, đã thiệt mạng ở Mandalay; và ít nhất 24 người thiệt mạng ở Yangon, Myanmar Now cho biết. Một đứa trẻ 13 tuổi khác nằm trong số những người thiệt mạng ở Sagaing.
Các bản tin khác cho biết đã có người chết ở Sagaing, Lashio, Bago, và những nơi khác. Một em bé 1 tuổi bị đạn cao su bắn vào mắt.
Thu Ya Zaw ở thị trấn trung tâm Myingyan, nơi ít nhất hai người biểu tình thiệt mạng, cho biết: “Họ đang giết chúng tôi như chim hay gà, ngay cả khi chúng tôi ở trong nhà của mình”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối bất kể giá nào… Chúng tôi phải chiến đấu cho đến khi chính quyền sụp đổ.”
Những người thiệt mạng hôm thứ Bảy sẽ đưa số dân thường được báo cáo thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính lên hơn 400 người.
Hàng loạt các nước phương Tây đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ sự đàn áp đẫm máu của quân đội. Đại sứ Anh Dan Chugg cho biết lực lượng an ninh đã “tự làm mất lòng mình” và đặc phái viên Hoa Kỳ gọi vụ bạo lực là “kinh hoàng.”
Đại sứ Hoa Kỳ Thomas Vajda nói trên mạng xã hội: “Cuộc đổ máu này thật kinh hoàng”, nói thêm “Người dân Myanmar đã nói rõ ràng rằng: họ không muốn sống dưới sự thống trị của quân đội”.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết vụ giết hại dân thường và trẻ em không có vũ khí đã đánh dấu mức độ tồi tệ nhất của cuộc đảo chính, trong khi phái đoàn EU củai Myanmar cho biết hôm thứ Bảy sẽ “mãi mãi được khắc ghi là một ngày của khủng bố và nhục nhã.”
Các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ và châu Âu trong tuần này đã làm tăng áp lực lên chính quyền quân sự, nhưng các nhà quan sát cho rằng việc này dường như sẽ không làm các lãnh đạo quân đội dừng bước, bởi không phải nước nào cũng đưa ra các biện pháp căng thẳng như vậy.
Tám quốc gia, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam, Lào và Thái Lan, đã cử đại diện đến tham dự lễ duyệt binh vào Ngày Lực lượng Vũ trang tại Myanmar. Đặc biệt, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã tham dự lễ duyệt binh ở Naypyitaw, gặp gỡ các nhà lãnh đạo quân đội cấp cao một ngày trước đó.
“Nga là một người bạn thực sự,” Thống tướng Min Aung Hlaing nói.
Sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc có vai trò quan trọng đối với quân đội Myanmar, vì hai nước này là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và có thể ngăn chặn các hành động của Liên Hợp quốc.
Một số hình ảnh về tang lễ những người biểu tình thiệt mạng:
Lê Xuân (theo Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa người biểu tình Myanmar bị bắn chết Dòng sự kiện ngày đẫm máu nhất Myanmar