Nghiên cứu về não khỉ tại đại học Đan Mạch có liên kết với quân đội Trung Quốc
- Vy An
- •
Chiến lược theo đuổi công nghệ quân sự – dân sự trong lĩnh vực sinh học của Trung Quốc đã chạm đến các học viện phương Tây. Theo tờ Reuters, một giáo sư người Trung Quốc tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã cùng quân đội Trung Quốc tiến hành các nghiên cứu về di truyền học, tuy nhiên lại không tiết lộ mối liên hệ này.
Giáo sư Trương Quốc Tiệp cũng đồng thời làm việc cho tập đoàn nghiên cứu gen BGI Group. Tập đoàn khổng lồ này có trụ sở tại Thâm Quyến, vốn tài trợ cho hàng chục nhà nghiên cứu của Đại học Copenhagen. Trụ sở tại châu Âu của BGI Group cũng nằm trong khuôn viên trường đại học này.
Giáo sư Trương cùng một sinh viên mà ông đang hướng dẫn đã làm việc với phòng thí nghiệm của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) để nghiên cứu về bộ não của khỉ trên độ cao khắc nghiệt, nhằm phát triển các loại thuốc mới ngăn ngừa tổn thương não. Đây là ưu tiên mà PLA tài trợ cho quân đội Trung Quốc đang hoạt động trên biên giới cao nguyên.
Ông Trương đã đồng xuất bản công trình nghiên cứu trên với một thiếu tướng của PLA vào tháng 1/2020. Thời điểm bài báo được công bố, ông Niels Kroer – trưởng bộ môn sinh học của Đại học Copenhagen đã trả lời tờ Reuters trong một email rằng, trường đại học này “không biết việc bài báo cũng bao gồm các tác giả từ viện nghiên cứu quân sự của Trung Quốc.”
Giáo sư Trương xác nhận ông đã không thông báo với Đại học Copenhagen về sự cộng tác này, vì trường đại học không yêu cầu nhà nghiên cứu phải báo cáo tên đồng tác giả. BGI Group khẳng định việc nghiên cứu với phòng thí nghiệm PLA “không phải được thực hiện vì mục đích quân sự” và nghiên cứu não bộ là một lĩnh vực quan trọng khi tìm hiểu các loại bệnh của con người. Tuy nhiên, Học viện khoa học của chính phủ Trung Quốc lại tuyên bố nghiên cứu này có lợi cho hoạt động quốc phòng và dân sự trên cao nguyên Tây Tạng.
Trong những năm gần đây, việc kết hợp công nghệ quân sự và dân sự của Trung Quốc cũng như việc các trường đại học chuyển giao công nghệ nhạy cảm cho nước này đã dấy lên mối quan tâm ngày càng tăng tại Hoa Kỳ. Tháng 10 vừa qua, Washington đã đồng ý làm việc với Liên minh châu Âu về vấn đề trên trong khuôn khổ Hội nghị thương mại và công nghệ chung. Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong tháng này đã nêu lên mối lo ngại về việc Bắc Kinh sử dụng công nghệ sinh học để nâng cao hiệu suất của binh lính.
Bài nghiên cứu của Giáo sư Trương từ Đại học Copenhagen cho thấy việc Trung Quốc theo đuổi công nghệ sinh học với mục đích quân sự cũng đang trở thành một vấn đề lớn đối với các trường đại học tại châu Âu.
Ủy ban Châu Âu cho biết họ đang xây dựng các bộ nguyên tắc để “giải quyết vấn đề can thiệp từ nước ngoài” tại những cơ sở giáo dục bậc cao. Theo báo cáo từ năm 2020 của Leiden Asia Centre – một tổ chức độc lập liên kết với Đại học Leiden, Hà Lan, ít nhất 5 quốc gia ở Châu Âu lo ngại về rủi ro khi hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc. Một số trường đại học, bao gồm Đại học Copenhagen, từ lâu đã có mối quan hệ về khoa học chặt chẽ với nước này.
Đại học Copenhagen và hai tổ chức lớn khác của Đan Mạch đã tài trợ cho một số công trình của Giáo sư Trương. Họ nói rằng chỉ sau khi một trong các bên phát hiện ra việc quân đội Trung Quốc tài trợ cho bài nghiên cứu về não khỉ, họ mới nhận thức được sự can thiệp của Trung Quốc.
Phát hiện trên được đưa ra khi cơ quan tình báo Đan Mạch – PET, vào tháng 5, đã cảnh báo các trường đại học Đan Mạch về nguy cơ an ninh quốc gia khi vô tình tham dự vào nghiên cứu quân sự của nước ngoài. PET dẫn chứng một số hoạt động gián điệp và can thiệp của nước ngoài, cũng như việc một sinh viên trở thành đồng tác giả trong nghiên cứu về công nghệ 5G với một kỹ sư từ trường đại học quân sự Trung Quốc. PET từ chối bình luận về các trường hợp cụ thể.
Học viện Khoa học Trung Quốc, nơi Giáo sư Trương cũng có một phòng thí nghiệm về di truyền học, đưa ra kết luận từ bài nghiên cứu rằng, tổn thương não và tử vong do độ cao trên cao nguyên Tây Tạng gây ra đã cản trở nghiêm trọng “công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc”.
Bộ Giáo dục Đại học và Khoa học Đan Mạch từ chối bình luận về bài nghiên cứu, tuy nhiên cho biết các quy tắc kiểm soát trong quy trình xuất khẩu công nghệ có thể được áp dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự. Cơ quan Kinh doanh Đan Mạch (The Danish Business Authority) nói rằng hầu hết các loại công nghệ gen không nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu của nước này.
Bộ giáo dục cho hay họ đã tiến hành một cuộc đánh giá trên diện rộng về các rủi ro trong hợp tác nghiên cứu quốc tế, được thực hiện bởi lãnh đạo của các trường đại học hàng đầu, để đưa ra kết luận vào đầu năm tới.
Phó giám đốc nghiên cứu và đổi mới của Đại học Copenhagen – ông Kim Brinckmann trả lời tờ Reuters trong một email rằng, họ hy vọng việc xem xét “các giới hạn đối với chính sách an ninh và đạo đức” trong hợp tác sẽ mang đến những nguyên tắc mới cho các trường đại học, và tập trung nhiều hơn vào các rủi ro,
Ông Kim chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi có Giáo sư Trương … một trong những nhà nghiên cứu có hiệu suất rất cao.” Trường đại học này đã không trả lời câu hỏi về việc BGI Group tài trợ cho họ bao nhiêu tiền.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng kêu gọi các tổ chức Đan Mạch “từ bỏ định kiến về ý thức hệ, chấm dứt những cáo buộc và bôi nhọ vô căn cứ”, cũng như nhìn nhận các nghiên cứu của họ một cách hợp lý “để mang lại năng lượng tích cực trong việc phát triển quan hệ song phương và hợp tác thực tiễn.”
Động cơ thật sự đằng sau các công trình nghiên cứu
Giáo sư Trương và người đứng đầu phòng thí nghiệm PLA về nghiên cứu độ cao – Thiếu tướng Cao Ngọc Kỳ, đã thiết kế mô hình cho bài báo, đồng thời liệt kê những người sáng lập BGI gồm ông Uông Kiến và ông Dương Hoán Minh là đồng tác giả. Theo tờ Reuters đưa tin vào tháng 1, các nghiên cứu chung khác của BGI với Thiếu tướng Cao có sự tham gia của những binh sĩ ở Tây Tạng và Tân Cương.
Báo cáo trên được hai Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ trích dẫn lại và kêu gọi Mỹ trừng phạt BGI vì mối liên kết giữa tổ chức nghiên cứu này và quân đội Trung Quốc. Theo trang mạng quân sự Trung Quốc, nghiên cứu của Thiếu tá Cao đã trực tiếp cải thiện khả năng của quân đội tiên phong trên khu vực cao nguyên khi thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu.
Vào năm 2012, Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc đã đề ra kế hoạch 4 năm để quân đội có thể thích nghi với khu vực cao nguyên Tây Tạng vốn thiếu oxy. Theo kế hoạch này, BGI đã làm việc với phòng thí nghiệm của Thiếu tướng Cao để kiểm tra những người lính được cử đến Tây Tạng và xác định các gen liên quan đến chứng say độ cao của họ; các gen này vốn không ảnh hưởng đến người Tây Tạng. Kế hoạch nêu rõ, việc giảm thiểu chứng say độ cao đã giúp “quản lý khu vực biên giới, nơi tập trung các dân tộc thiểu số”, và có ý nghĩa kinh tế, chính trị sâu rộng.
Tuy nhiên BGI đã trả lời tờ Reuters rằng, việc nghiên cứu với các trường đại học là nhằm tìm hiểu nguy cơ về sức khỏe của tất cả những người đi du lịch và làm việc ở khu vực trên cao.
Người phát ngôn của BGI cho biết: “Dự án sử dụng công nghệ của BGI đã nghiên cứu những thay đổi về sinh lý bệnh học và hệ gen của cơ thể người tại những khu vực rất cao”, và nói thêm: “Ở Trung Quốc, nhiều cơ sở quân sự … thực hiện cả nghiên cứu dân sự và quân sự.”
Năm 2018, Thiếu tướng Cao đã xuất bản một công trình khoa học, trong đó viết rằng, chứng bệnh liên quan đến độ cao “là nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả chiến đấu và tổn hại đến sức khỏe của binh lính trên ‘[những khu vực] cao, ảnh hưởng đến kết quả chiến tranh trên cao nguyên”, đồng thời lưu ý rằng trong trường hợp khẩn cấp khi cần triển khai binh lính nhanh thì có thể dùng đến ma túy.
Quân đội Trung Quốc gần đây đã tăng cường tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng sau các cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ.
Mối liên hệ mật thiết
Đại học Copenhagen là nơi có một trong những viện di truyền học lâu đời nhất ở Châu Âu, và nó cũng là đối tác nghiên cứu quốc tế lớn nhất của BGI theo số lượng các bài báo khoa học.
Mối liên hệ trên đang ngày càng mật thiết hơn. Hai cựu giám đốc điều hành của BGI, chủ tịch BGI, và người sáng lập chương trình nhân bản động vật của tổ chức này trước đây đã học hoặc làm việc tại Copenhagen. Trường đại học Copenhagen có hơn hai chục nhà nghiên cứu lấy bằng tiến sĩ về khoa học và sức khỏe do BGI tài trợ.
Trưởng bộ môn sinh học Kroer nói với tờ Reuters, trường đại học này không hay biết về “những tuyên bố rằng BGI có mối liên hệ với PLA.” Theo Đại học Copenhagen, ngoài mức tiền lương giáo sư của ông Trương, không có khoản tiền nào khác từ Đan Mạch được chi cho việc nghiên cứu, vì các nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật cho rằng những nghiên cứu này khiến các con vật phải chịu đau đớn.
Cũng theo đại học Copenhagen, vị sinh viên mà Giáo sư Trương hướng dẫn đã từng được BGI tuyển dụng và làm việc tại Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu của ông Trương không tham gia vào các thí nghiệm trên động vật được thực hiện ở Trung Quốc, tuy nhiên họ đã phân tích dữ liệu bộ gen được tạo ra từ các thí nghiệm đó.
Lundbeck Foundation, tổ chức chuyên tài trợ cho các nghiên cứu về não bộ của Đan Mạch, cũng được liệt kê vào danh sách các nhà tài trợ cho nghiên cứu về não khỉ của Giáo sư Trương. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy. Lundbeck cho biết họ “không hỗ trợ lĩnh vực nghiên cứu của ông ấy (Giáo sư Trương), chúng tôi cũng không hay biết gì về việc đó.” Theo Lundbeck, Giáo sư Trương đã nói với họ rằng ông đang nghiên cứu về di truyền học và kiến, cũng như quá trình não bộ hoạt động ở con người. Vào năm nay, Lundbeck đã yêu cầu Giáo sư Trương xóa tên tổ chức này ra khỏi công trình khoa học của ông.
Quỹ Carlsberg, tổ chức kiểm soát các nhà sản xuất bia lớn thứ ba thế giới, trước đó đã trao cho Giáo sư Trương khoản tài trợ trị giá 4 triệu DKK (khoảng 14 tỷ VND) vào năm 2016, cũng nói với tờ Reuters rằng họ đã được liệt kê không đúng sự thật vào danh sách các nhà tài trợ cho dự án của ông Trương. Bài báo khoa học có tên của Quỹ Carlsberg được xuất bản trên tạp chí Zoological Research (Nghiên cứu Động vật học) của Trung Quốc; tạp chí này đã từ chối đưa ra bình luận.
Giáo sư Trương là thành viên trong ban biên tập của tạp chí Zoological Research. Ông nói với Reuters rằng việc liệt kê hai tổ chức của Đan Mạch vào danh sách tài trợ là do nhầm lẫn. Ông viết thêm trong email: “Chúng tôi đã không chi bất kỳ khoản tiền nào từ các nguồn tài trợ mà tôi nhận được từ hai quỹ này cho dự án.” Tạp chí Zoological Research đã công bố một bản đính chính loại bỏ tên của hai tổ chức trên vào tháng 3/2021.
Lundbeck Foundation từ chối bình luận về tác động của sự việc này. Carlsberg cho biết các thí nghiệm trên động vật được thực hiện ở nước ngoài phải tuân thủ theo quy định của Đan Mạch, tuy nhiên không đưa ra ý kiến về khía cạnh tham gia của quân đội Trung Quốc.
Tranh luận nội bộ
Vào tháng 6/2020, trong khuôn khổ điều chỉnh chiến lược hợp tác tổng thể, Đại học Copenhagen quyết định đóng cửa một tổ chức nghiên cứu mà họ đã vận hành với Đại học Phục Đán của Thượng Hải từ năm 2013.
Các tài liệu do kênh Reuters thu thập được theo quy tắc tự do thông tin cho thấy, quyết định trên đã thúc đẩy một cuộc tranh luận về vấn đề Trung Quốc trong nội bộ Đại học Copenhagen. Trường đại học này đã tổ chức một cuộc họp vào tháng 8/2020 để thảo luận về việc chấm dứt liên kết với Đại học Phục Đán và xem xét lại sự hợp tác của mình với Trung Quốc.
Giáo sư Jorgen Delman chuyên nghiên cứu về Trung Quốc sau đó đã viết cho người đứng đầu Đại học Copenhagen rằng, ông khuyến nghị nên có sự sàng lọc tốt hơn đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc và nên tham vấn với cơ quan tình báo Đan Mạch để xác định các “rủi ro và lĩnh vực cấm”. Ông viết: “Trung Quốc đã tham gia vào một nghiên cứu kết hợp chiến lược quân sự – dân sự khiến người ngoài khó phân biệt được.”
Bà Đỗ Ngọc Đào, nhận bằng tiến sĩ vào năm 2007, cùng một nhóm nhà khoa học từ các trường đại học Đan Mạch đã tạo ra những con lợn đầu tiên trên thế giới dựa trên công nghệ gọi là nhân bản thủ công. Công nghệ của bà Đỗ đã được chuyển giao cho BGI. Bà Đỗ được chính phủ Trung Quốc ca ngợi vì đã đưa công nghệ này sang Trung Quốc, nhằm nhân bản những con lợn biến đổi gen để nghiên cứu các bệnh liên quan đến thần kinh ở người.
Chương trình khoa học quốc gia của Trung Quốc cho biết lợn nhân bản là bước đệm cho “Chimeras”, một lĩnh vực gây tranh cãi mà Trung Quốc muốn dẫn đầu thế giới (Chimeras trong tiếng Hy Lạp chỉ về một nữ quái vật phun lửa với đầu sư tử, thân dê và đuôi rắn). Dự án “Chimeras” nhằm tạo ra những sinh vật được kết hợp bởi tế bào của hai loài trở lên, có khả năng phát triển các cơ quan nội tạng để cấy ghép cho con người.
Bà Đỗ hiện là Phó chủ tịch của tập đoàn BGI Genomics Ltd và đã đạt được sự thăng tiến trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành đại biểu của đại hội toàn quốc vào năm 2017. Bà Đỗ đã không trả lời yêu cầu bình luận của tờ Reuters.
Vy An (Theo Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa quân đội Trung Quốc Đại học Copenhagen nghiên cứu não khỉ công nghệ quân sự - dân sự