Ngoại trưởng Hungary: Đàm phán càng muộn, kết quả của Ukraine càng tệ
- Anh Nguyễn
- •
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cảnh báo Ukraine sẽ không thể củng cố vị thế đàm phán của mình trên chiến trường như một số nhà lãnh đạo phương Tây nghĩ, và các cuộc đàm phán hòa bình càng bị trì hoãn lâu thì kết quả sẽ càng tồi tệ đối với Kiev.
Phát biểu với Đài phát thanh Kossuth hôm Chủ nhật (3/3), ông Szijjarto nói rằng ông đã “nghe trong nhiều tháng” về việc quân đội Ukraine đang giành được vị thế ở mặt trận, “từ đó họ có một vị trí tốt hơn để bắt đầu đàm phán”.
Ông tiếp tục: “Trong những tuần gần đây, rõ ràng kịch bản này đã thất bại, lợi thế đang nghiêng về phía Nga”, đồng thời cảnh báo rằng “lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán bắt đầu càng muộn thì điều đó sẽ càng tồi tệ hơn đối với Ukraine”.
Ngay từ đầu cuộc xung đột, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington sẽ tiếp tục trang bị vũ khí cho Kiev nhằm “tăng cường sức mạnh để đạt được công bằng trên bàn đàm phán”. Các nhà ngoại giao EU cũng đưa ra những lời hứa tương tự, thường kèm theo những đảm bảo rằng chỉ Ukraine mới có thể quyết định thời điểm tham gia đàm phán với Nga.
Hungary đã đi một con đường khác, với việc ông Szijjarto và Thủ tướng Viktor Orban kêu gọi ngừng bắn và đàm phán từ năm 2022. “Hầu như không ai” tin rằng Ukraine sẽ thắng, thủ tướng Orban nói với các thành viên trong đảng Fidesz của ông vào tháng trước.
Vài tuần trước khi Ukraine mất thành trì chủ chốt Donbass, nhà lãnh đạo Hungary tuyên bố rằng “thời gian đang đứng về phía Nga, và chiến tranh càng kéo dài thì càng có nhiều người chết; cán cân quyền lực sẽ không thay đổi sự ưu ái sang phía Ukraine.”
Theo số liệu mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã mất hơn 400.000 quân nhân (do thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích) kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022.
Quân đội Ukraine cũng đang phải đối mặt với việc số lượng lính nghĩa vụ tiềm năng đang giảm dần, và sự thiếu hụt vũ khí và đạn dược từ phương Tây.
Các phương tiện truyền thông và chính trị gia phương Tây đã cảnh báo rằng hai vấn đề này có thể sớm dẫn đến sự sụp đổ trên toàn mặt trận.
“Chúng tôi cũng đã nói rõ rằng cuộc chiến này càng kéo dài thì chúng ta càng tiến gần đến mối nguy hiểm kinh hoàng mang tên Chiến tranh thế giới thứ ba”, ông Szijjarto nói với Radio Kossuth.
Nhà ngoại giao Hungary đã lên án nhận xét gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người cách đây không lâu nói rằng “không thể loại trừ” việc triển khai quân NATO tới Ukraine.
Nhiều nhà lãnh đạo NATO và tổng thư ký của liên minh nhanh chóng tuyên bố rằng sẽ không triển khai hoạt động như vậy, tuy nhiên ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia vùng Baltic, những nước luôn kêu gọi sự can thiệp nhiều hơn của phương Tây.
Người đứng đầu khối NATO Jens Stoltenberg giải thích: “Chúng tôi ở NATO đã đưa ra quyết định khoảng hai năm trước… [nói rõ] rằng NATO không phải là bên tham chiến và mọi thứ phải được thực hiện để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga”.
Ông tiếp tục: “Những chính trị gia phương Tây nào nói về việc cần thiết gửi quân trên bộ chắc chắn đang vi phạm quyết định chung này của NATO… Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng: chúng tôi sẽ không gửi vũ khí hay binh lính.”
Moscow đã chỉ ra rằng họ vẫn để ngỏ khả năng đàm phán hòa bình nhưng chưa nhận được đề xuất “nghiêm túc” nào từ Kiev hay phương Tây. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào tháng Hai rằng bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào cũng sẽ phải tính đến “thực tế” rằng Ukraine không còn sở hữu Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye.
Từ khóa xung đột Nga - Ukraine Dòng sự kiện đàm phán Nga - Ukraine Peter Szijjarto