Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tìm cách thúc đẩy các nỗ lực làm trung gian cho thỏa thuận đình chiến ở Gaza trong chuyến công du chớp nhoáng đến Trung Đông. Tuy nhiên, ông đã rời khỏi khu vực này vào thứ Ba (20/8) khi mà thỏa thuận giữa Israel và Hamas vẫn còn khá mù mờ.

ngoai truong my blinken tham du le tang ong nguyen phu trong
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: Alexandros Michailidis/shutterstock)

Ông Blinken và các nhà trung gian từ Ai Cập và Qatar đã đặt hy vọng vào “đề xuất bắc cầu” của Hoa Kỳ nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Israel và Hamas trong cuộc chiến đã kéo dài 10 tháng, sau khi các cuộc đàm phán tuần trước đã tạm dừng mà không có đột phá.

Thỏa thuận “cần phải được thực hiện, và cần phải được thực hiện trong những ngày tới, và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đưa nó đến đích“, ông Blinken nói với các phóng viên tại Doha trước khi khởi hành về Washington.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden đi cùng Ngoại trưởng Blinken cho biết Hoa Kỳ hy vọng các cuộc đàm phán đình chiến sẽ tiếp tục trong tuần này.

Ông Blinken đã đến Ai Cập vào thứ Ba (20/8) để đàm phán với Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi và sau đó đến Qatar.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Benjamin Netanyahu vào thứ Hai (19/8), ông Blinken cho biết Israel đã chấp nhận “đề xuất bắc cầu” và thúc giục Hamas làm như vậy. Nhóm chiến binh Hồi giáo Palestine không từ chối thỏa thuận một cách thẳng thừng, nhưng cho biết bản đề xuất mới đảo ngược các điều khoản đã được các bên thống nhất trước đó.

Tại Qatar khi được hỏi về các điều khoản rút quân của Israel trong khuôn khổ đình chiến và về một báo cáo của tờ Axios trích dẫn lời ông Netanyahu nói rằng ông có thể đã thuyết phục được ông Blinken rằng Israel nên giữ quân ở Hành lang Philadelphi giữa Ai Cập và Gaza, Ngoại trưởng Blinken đáp: “Hoa Kỳ không chấp nhận bất kỳ sự chiếm đóng lâu dài nào của Israel đối với Gaza. Cụ thể hơn, thỏa thuận nêu rất rõ về lịch trình và địa điểm rút quân (Lực lượng Phòng vệ Israel) khỏi Gaza, và Israel đã đồng ý với điều đó. Vậy nên, đó là tất cả những gì tôi biết. Đó là những gì tôi rất rõ ràng“.

Ông Blinken không bình luận trực tiếp về báo cáo của Axios, một bài đăng trên trang mạng xã hội X (tên mới của Twitter). Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Cả Hamas và Ai Cập đều phản đối Israel duy trì quân đội tại Hành lang Philadelphi, nhưng ông Netanyahu vẫn khăng khăng rằng họ cần quân đội để ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí vào Gaza.

Các nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết Hoa Kỳ đã đề xuất hiện diện quốc tế tại khu vực Hành lang Philadelphi. Đây là đề xuất có thể được Cairo chấp nhận nếu giới hạn thời gian hiện diện này tối đa sáu tháng.

Lệnh ngừng bắn ở Gaza phải là khởi đầu cho sự công nhận rộng rãi hơn của quốc tế đối với nhà nước Palestine và việc thực hiện giải pháp hai nhà nước, vì đây là sự bảo đảm cơ bản cho sự ổn định trong khu vực“, Tổng thống Ai Cập El-Sisi cho biết sau khi gặp ông Blinken.

‘CƠ HỘI CUỐI CÙNG’

Điều quan trọng trong các cuộc đàm phán là số phận của vùng lãnh thổ Gaza nhỏ bé và đông đúc đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề trong suốt 10 tháng qua. Theo giới chức y tế Palestine, số người chết tại Gaza đã hơn 40.000 kể từ tháng 10/2023.

Ông Blinken đã gọi nỗ lực mới nhất để đạt được thỏa thuận là “cơ hội có lẽ là tốt nhất, cơ hội có thể là cuối cùng“, và cho biết cuộc gặp của ông với ông Netanyahu là mang tính xây dựng. Ông cho biết Hamas có nghĩa vụ phải chấp nhận đề xuất bắc cầu.

Khi được hỏi về bình luận của ông Blinken, quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri nói với Reuters: “Ông Blinken khăng khăng không từ bỏ những tuyên bố sai sự thật, và đó là một trong những lý do khiến các nỗ lực đạt được thỏa thuận không thành công“.

Các quan chức từ Hoa Kỳ, Hamas, Israel, Ai Cập và Qatar chưa nêu rõ nội dung trong đề xuất bắc cầu hoặc đề xuất này khác với các phiên bản trước như thế nào.

Hamas cáo buộc Israel cản trở thỏa thuận bằng các yêu cầu mới và cho biết nhóm này vẫn cam kết thực hiện các điều khoản đã thỏa thuận với các bên trung gian vào tháng Bảy dựa trên đề xuất do Hoa Kỳ đưa ra vào tháng Năm. Ông Netanyahu phủ nhận việc cản trở thỏa thuận.

Nhiều tháng đàm phán liên tục xoay quanh cùng một vấn đề. Israel nói rằng cuộc chiến chỉ có thể kết thúc bằng việc tiêu diệt cánh quân sự và chính trị Hamas, trong khi Hamas nói họ sẽ chỉ chấp nhận lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, chứ không phải tạm thời.

Ngoại trưởng Blinken cho biết ngay cả khi Hamas đồng ý với đề xuất bắc cầu ngay lập tức, thì vẫn phải có thêm các cuộc thảo luận để thống nhất các chi tiết về việc thực hiện thỏa thuận.