Giáo sư lịch sử Alan Lickman nổi tiếng với khả năng dự đoán kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, trong vấn đề này, ông thường được ví như là Nostradamus – vị bác sĩ và nhà tiên tri người Pháp của thế kỷ 16. Ông Lickman đã dự đoán chính xác 9/10 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ liên tiếp trước đây, khiến ông được chú ý về khả năng kỳ lạ này.

Alan Lickman
Giáo sư lịch sử Alan Lickman. (Ảnh: Wikipedia)

Để dự đoán chính xác ai sẽ vào được Nhà Trắng, Lickman đã nghĩ ra cái mà ông gọi là “13 chiếc yếu tố mấu chốt để vào Nhà Trắng” – một cách tiếp cận “mang tính cách mạng” đối với dự báo bầu cử tổng thống Mỹ.

Các yếu tố chính bao gồm một nhóm vấn đề liên quan như hiệu quả kinh tế, sự ổn định xã hội và sức thu hút của tổng thống đương nhiệm…. Bằng cách phân tích cẩn thận dữ liệu lịch sử có từ thời Abraham Lincoln, ông Lickman đã tạo ra mô hình dự đoán vượt xa các phương pháp thông thường được sử dụng bởi những người thăm dò ý kiến ​​truyền thống.

Ông Lickman nói với Đài Truyền hình NTD: “Tôi không khẳng định chắc chắn, nhưng tôi có mô hình gồm 13 yếu tố chính cho Nhà Trắng, đã liên tiếp dự đoán chính xác kể từ năm 1984 qua 10 cuộc bầu cử. Cách thức là, nếu trong số 13 yếu tố chính có 6 yếu tố trở lên chống lại Nhà Trắng (người đương nhiệm) thì người thách thức sẽ thắng, còn nếu có ít hơn 6 yếu tố thì người đương nhiệm sẽ thắng. Có rất nhiều điều sai lầm khiến ông Joe Biden có thể thất bại trong cuộc bầu cử này…”. 

Tổng thống Biden được dự đoán sẽ một lần nữa đối mặt với thách thức từ cựu Tổng thống Donald Trump, người ngày càng có nhiều khả năng trở thành ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024. Trong cuộc bầu cử sơ bộ mà ông Biden có lợi thế đương nhiệm và tương đối không bị cạnh tranh, ông Lickman nhận thấy những khó khăn đáng kể mà ông Biden phải đối mặt.

13 yếu tố chính đối với Nhà Trắng là gì?

Bất chấp sự hoài nghi ban đầu từ cộng đồng dự báo, cách tiếp cận của ông Lickman đã chứng minh giá trị hết lần này đến lần khác. Từ việc Ronald Reagan tái đắc cử trong bối cảnh suy thoái đến việc Bill Clinton đánh bại George H.W. Bush, sử gia Lickman đã dự đoán chính xác gần như hầu hết các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Dưới đây là 13 yếu tố chính đối với Nhà Trắng của Lickman:

Xu thế quyền lực trong Hạ viện của đảng cầm quyền: Sau cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng cầm quyền nắm giữ nhiều ghế hơn trong Hạ viện so với cuộc bầu cử giữa kỳ trước đó.

Cuộc đua đề cử: Không có thách thức lớn nào đối với việc đề cử của đảng cầm quyền.

Người đương nhiệm: Tổng thống đương nhiệm đại diện đảng cầm quyền.

Yếu tố bên thứ ba: Không có ứng viên độc lập hoặc bên thứ ba gây ảnh hưởng đáng chú ý.

Ổn định kinh tế ngắn hạn: Nền kinh tế không phải đối mặt với suy thoái trong thời gian bầu cử.

Tăng trưởng kinh tế dài hạn: Tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người thực tế bằng hoặc vượt mức tăng trưởng bình quân của 2 khóa [tổng thống] trước đó.

Thay đổi chính sách: Chính phủ cầm quyền thực hiện những thay đổi quan trọng về chính sách quốc gia.

Ổn định xã hội: Không có tình trạng bất ổn xã hội kéo dài trong nhiệm kỳ của người đương nhiệm.

Không có bê bối: Không có vụ bê bối lớn nào trong chính phủ người đương nhiệm.

Sự cố ngoại giao/quân sự: Không có thất bại lớn nào trong các vấn đề ngoại giao hoặc quân sự dưới thời chính phủ người đương nhiệm.

Chiến thắng ngoại giao/quân sự: Chính phủ người đương nhiệm đạt được thành công đáng kể trong các vấn đề ngoại giao hoặc quân sự.

Người đương nhiệm có sức lôi cuốn: Ứng viên của đảng cầm quyền có sức lôi cuốn hoặc có vị thế như người anh hùng dân tộc.

Sức ảnh hưởng từ người thách thức: Ứng cử viên của đảng đối thủ thiếu sức lôi cuốn hoặc tư cách người hùng dân tộc.

Biden và Trump

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Reuters/Ipsos, cử tri Mỹ đánh giá ông Trump là người có lợi cho nền kinh tế hơn ông Biden. Trong cuộc thăm dò kéo dài 3 ngày cho thấy, 41% người tham gia ủng hộ các chính sách kinh tế của Trump, trong khi 34% ủng hộ chính sách của Biden. Những người còn lại bày tỏ sự không chắc chắn hoặc tin rằng không ứng viên nào có vị trí vượt trội hơn.

Tuy nhiên, Lickman cho biết các thăm dò dân ý giai đoạn đầu (cách xa thời điểm bầu cử) nên được xem xét một cách thận trọng.

“Các cuộc thăm dò sớm không có giá trị dự đoán. Đó là những bức ảnh chụp nhanh của một thời điểm. Nếu hiện nay bầu cử thì ứng viên đó có vị trí như vậy, nhưng hiện tại còn xa mới đến bầu cử nên thăm dò đó chưa có bất cứ giá trị thực tế gì. Các cuộc thăm dò sớm thường gây hiểu lầm”, Lickman nói với NTDTV.

Như chúng ta đã thấy vào năm 2016 khi tôi dự đoán Donald Trump sẽ giành chiến thắng, dự đoán đó trái ngược với các cuộc thăm dò. Hay vào năm 1988 khi George H.W. Bush vào tháng Năm và tháng Sáu của năm bầu cử vẫn còn đứng sau đối thủ Michael Dukakis cách biệt 17 điểm phần trăm, tuy nhiên cuối cùng đã thắng với cách biệt 25 điểm phần trăm. Đó là lý do tại sao tôi khuyên mọi người khi theo dõi các cuộc thăm dò, theo dõi các chuyên gia cũng cần tập trung vào bức tranh toàn cảnh được đo lường bằng các yếu tố chính cần quan tâm”, ông bổ sung.

Khả năng dự đoán của Lickman phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong cuộc bầu cử năm 2000 đầy biến động giữa Al Gore và George W. Bush. Ông đã dự đoán Gore giành chiến thắng, nhưng kết quả gây tranh cãi đã “phủ bóng đen” lên dự đoán của ông.