Để thoát khỏi sự đàn áp của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngày càng nhiều doanh nhân Trung Quốc giàu có tìm đến Singapore, nơi được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Châu Á”. Nhưng không phải tất cả mọi người ở Singapore đều chào đón dòng doanh nhân nước ngoài giàu có này, một số người dân địa phương thậm chí còn than thở về điều này.

shutterstock 576117340
Khu Phố Tàu của Singapore năm 2016. (Ảnh: Pataporn Kuanui / Shutterstock)

Theo luật, hầu hết nhà ở tại Singapore được dành riêng cho người Singapore, những người mua nước ngoài sẽ bị loại khỏi phần lớn thị trường nhà ở. Nhưng người dân địa phương vẫn cảm thấy tác động mạnh mẽ từ nhiều phương diện khác.

Giám đốc bán hàng Emma Chiu nói với hãng truyền thông Al Jazeera (Bán đảo Ả Rập): “Tôi đã nghe chuyện về những người Đại Lục mới đến tiêu tiền một cách điên cuồng. Cá nhân tôi thấy rằng khi đi mua sắm vào những ngày này, mọi thứ đều đắt hơn nhiều so với trước đây, hoặc đã được bán hết. Tôi nghĩ điều đó có liên quan đến tất cả dòng tiền nước ngoài chảy qua thành phố này.”

Chiu cho biết, cô và bạn bè thường nói về việc nhìn thấy tất cả những người Trung Quốc Đại Lục này tiêu tiền một cách điên cuồng. Họ lái những chiếc xe hơi đắt tiền, mặc tất cả những nhãn hiệu thời trang mới nhất, ăn ở tất cả các nhà hàng sang trọng.

“Đối với tôi, có vẻ như một số người Trung Quốc tiêu tiền hơi phô trương, nhưng tôi đoán đó là một phần những điều khiến họ vui vẻ.”

“Tôi chỉ muốn Singapore trở thành nơi dành cho tất cả những ai gọi thành phố này là nhà, chứ không chỉ dành cho giới siêu giàu,” Chiu nói thêm.

Giáo viên Sean Feng cho biết, giá thực phẩm tăng mạnh đã khiến anh và gia đình gặp khó khăn trong việc kiếm sống.

Feng nói với Al Jazeera: “Hiện nay rất nhiều nhu yếu phẩm hàng ngày đắt hơn rất nhiều. Tôi biết rằng trong vài năm qua, lạm phát ở khắp mọi nơi đều rất tồi tệ. Nhưng khi có rất nhiều người giàu định cư ở đây, chắc chắn sẽ là điều tệ hơn đối với chúng tôi.”

Theo Cục Thống kê Singapore, tỷ lệ lạm phát lương thực trong tháng 1 và tháng 2 đã vượt quá 8%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ lạm phát chung.

Tỷ lệ lạm phát cơ bản của Singapore (tỷ lệ lạm phát thực tế không bao gồm biến động giá lương thực và năng lượng) là 5,5% trong tháng 2, cao nhất ở Đông Nam Á, và cao hơn gấp đôi so với các nền kinh tế châu Á tiên tiến khác như Hồng Kông, Nhật Bản và Đài Loan.

Singapore đã cùng với New York trở thành thành phố có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất, The Economist đưa tin vào tháng 12/2022.

Tại hòn đảo du lịch Sentosa, ngoài khơi bờ biển phía nam Singapore, dòng tiền nước ngoài đổ vào đã khiến ​​phí hội viên nước ngoài tại Câu lạc bộ Gôn Sentosa tăng lên 880.000 đô la Singapore (660.000 USD), gấp đôi so với năm 2019.

Giám đốc điều hành tại một ngân hàng quốc tế lớn yêu cầu giấu tên cho biết: “So với vài năm trước, bạn cũng nhận thấy có nhiều người Trung Quốc hơn trong cảnh quan của thành phố này. Đi đến đâu cũng nghe thấy có người nói tiếng Trung Quốc và giọng Hồng Kông.”

Kể từ khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình lên nắm quyền, Chính phủ Trung Quốc đã đi theo hướng ngày càng độc đoán chuyên quyền và chủ nghĩa dân tộc, với hơn 100 quan chức cấp cao, cùng hàng chục ngàn quan chức cấp thấp và doanh nhân bị truy tố vì “phạm tội”.

Gần đây, trong bối cảnh cơ quan quản lý đàn áp khu vực tư nhân, nhiều doanh nhân giàu có đã rời khỏi Trung Quốc cùng với số tiền của mình.

Bà Sara Hsu, một chuyên gia về công nghệ tài chính và ngân hàng ngầm của Trung Quốc tại Đại học Tennessee, Hoa Kỳ đã trao đổi với Al Jazeera, rằng nói một cách đơn giản, Trung Quốc đang trở thành một “quốc gia đầu tư kém hấp dẫn”, khiến các nhà đầu tư Trung Quốc tìm kiếm “cơ hội tốt hơn ở nước ngoài”.

Theo một báo cáo của Tân Hoa Xã, kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, trong khi tham gia cuộc họp nhóm chung của ĐCSTQ hôm thứ Hai (6/3), ông Tập Cận Bình đã yêu cầu các công ty tư nhân và doanh nhân phải “yêu nước”, “giàu mà có trách nhiệm, giàu mà có nghĩa, giàu mà có tình yêu thương”, nhằm nâng cao thịnh vượng trước rồi làm giàu sau.

Cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đều phải gánh vác trách nhiệm xã hội trong việc thúc đẩy “Thịnh vượng chung”. Điều này đã làm dấy lên đồn đoán rằng ông Tập có thể sẽ tăng mức áp thuế đối với các công ty tư nhân.

Bà Sara Hsu cho biết, mặc dù việc chuyển một lượng lớn tiền ra khỏi Trung Quốc là một thách thức, nhưng nhiều người đã tìm ra cách. Người mua Trung Quốc Đại Lục chiếm gần 1/4 trong số 425 căn nhà cao cấp được bán trong thành phố vào năm 2022, nhiều hơn gấp đôi so với công dân Hoa Kỳ.

Singapore vận hành một chương trình nhà đầu tư toàn cầu, cho phép các cá nhân có được quyền thường trú nhân cho bản thân và gia đình, nếu họ đầu tư một số tiền nhất định vào quốc gia này. Đối với những người nước ngoài giàu có đang tìm kiếm sự an toàn cho bản thân, gia đình và tài sản của họ, Singapore là mảnh đất cực kỳ hấp dẫn.

Nhưng các chuyên gia cho rằng dòng tài sản và người từ Trung Quốc sang Singapore có thể không kéo dài.

Ông Jiang Yang, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, lưu ý rằng nếu tình trạng tháo chạy vốn vẫn tiếp diễn, chính quyền ĐCSTQ có thể sẽ tìm cách thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát vốn. Chính phủ Trung Quốc sẽ bóp nghẹt xu hướng này, bởi vì họ cần những cá thể tư nhân ấy giữ cho thị trường của họ tồn tại.

Bình Minh (t/h)