Người Hoa kêu gọi ĐCSTQ thả người giăng biểu ngữ yêu cầu “bãi chức Tập Cận Bình”
- Trình Tĩnh, Lạc Á
- •
Ngày 13/10 đánh dấu kỷ niệm 2 năm ngày ông Bành Lập Phát giăng biểu ngữ chỉ trích lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh. Người Hoa ở hải ngoại đã phát động hoạt động kháng nghị “Toàn cầu ủng hộ việc tìm kiếm Bành Lập Phát, yêu cầu ĐCSTQ thả người”. Các nhà phân tích tin rằng sức hút của Bành Lập Phát sẽ vượt thời đại, vượt qua sự khủng bố bạo lực của ĐCSTQ, khiến mọi người thức tỉnh và phản kháng.
Toàn cầu lên tiếng ủng hộ tìm kiếm Bành Lập Phát, kêu gọi “ĐCSTQ thả người!”
Hôm thứ Bảy (12/10), người Hoa ở Los Angeles (tiểu bang California) đã tổ chức hoạt động flash mob tại 3 địa điểm, các thành viên của Đảng Dân chủ Trung Quốc tại Mỹ ủng hộ ông Bành Lập Phát, lên án hành động tàn bạo của ĐCSTQ và “kêu gọi thả Bành Lập Phát và chấm dứt bức hại!”
Ông Giới Lập Kiến, Phó chủ tịch thường vụ kiêm Giám đốc điều hành của Đảng Dân chủ Trung Quốc, người tổ chức sự kiện, nói với tờ Epoch Times: “Sự kiện vào thứ Bảy này là một sự kiện flash mob. Sẽ có một cuộc flash mob ở khu người Hoa, trên cầu vượt, và tại khu Tòa thị chính Los Angeles.”
Ông Giới Lập Kiến cho biết, năm nay không chỉ ở Mỹ và New Zealand, mà còn ở Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hà Lan và thậm chí cả những nơi xa xôi như Iceland, các nhóm sinh viên quốc tế địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động liên quan, cho thấy hành động của ông Bành Lập Phát đã thức tỉnh nhiều bạn trẻ.
Chu Phong, một người tham gia sự kiện ở Iceland, cho biết: “Hôm nay, chúng tôi kêu gọi thế giới hợp lực và lên tiếng mạnh mẽ: Thả Bành Lập Phát! Thả dũng sĩ cầu Tứ Thông! Chấm dứt bức hại, bảo đảm nhân quyền!”
“Chúng tôi tin chắc rằng công lý mặc dù đến muộn, nhưng sẽ không bao giờ vắng mặt! Chúng tôi sẽ đứng đây cho đến khi Bành Lập Phát được tự do, và cho đến khi tất cả tù nhân lương tâm ở Trung Quốc lấy lại được tự do!”
Ông Bành Lập Phát (tên trên mạng là Bành Tái Chu), 50 tuổi, quê ở huyện Thái Lai, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Vào ngày 13/10 cách đây 2 năm, ông đã treo 2 biểu ngữ kháng nghị trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh.
Khi đó, ông mặc đồ như một công nhân xây dựng để treo biểu ngữ trên cầu, đốt các vật dụng tạo khói nhằm thu hút sự chú ý của người đi đường và xe cộ ngang qua, đồng thời dùng loa phát nội dung các yêu cầu trên biểu ngữ. Sau đó ông bị cảnh sát bắt đi, kể từ đó không có tin tức gì về ông.
Nội dung hai biểu ngữ của ông Bành viết:
“Không cần axit nucleic, cần lương thực; không cần phong tỏa, cần tự do; không cần dối trá, cần tôn nghiêm; không cần Cách mạng Văn hóa, cần cải cách; không cần lãnh tụ, cần bầu cử; không làm nô lệ, làm công dân.”; “Bãi khóa, bãi công, bãi chức quốc tặc Tập Cận Bình.”
Gửi thư phản đối tới Lãnh sự quán Trung Quốc
Ông Giới Lập Kiến tiết lộ rằng tại sự kiện ngày 13/10, các khách mời từ tổ chức nhân quyền quốc tế và các tổ chức khác sẽ phát biểu.
Người kháng nghị sẽ diễn lại hành động giăng biểu ngữ và đốt khói của ông Bành Lập Phát, đồng thời dùng hình thức diễn kịch để tái hiện tình huống ông Bành bị cảnh sát bắt giữ. Họ cũng sẽ gửi thư phản đối đến Lãnh sự quán Trung Quốc, tìm cách giải cứu ông Bành, hy vọng ĐCSTQ sẽ cho thế giới câu trả lời về tình trạng của ông.
“Chúng tôi sẽ chiếu một cái lồng, trong đó ông Bành Lập Phát sẽ bị còng tay, xiềng xích và tra tấn; bởi vì có thể những gì bản thân ông phải chịu đựng còn tàn khốc hơn thế này gấp chục, trăm lần và không thể diễn xuất ra được.”
Ngoài ra, mỗi một người tham gia kháng nghị cũng sẽ gửi một tấm bưu thiếp đến đến ông Bành, địa chỉ nhận thư là một trại giam ở Bắc Kinh. Mặc dù thực chất không ai biết ông Bành Lập Phát hiện đang ở đâu, nhưng họ hy vọng có thể bảo vệ sự an toàn của ông thông qua sự chú ý của quốc tế.
Ông Giới Lập Kiến nói: “Đã hơn 2 năm trôi qua, chúng tôi liên tục kêu gọi, liên tục đòi người từ ĐCSTQ, hy vọng ĐCSTQ có thể cho chúng tôi câu trả lời rằng ông Bành Lập Pháp ở đâu và gia đình ông ấy ở đâu, cần cho thế giới một câu trả lời.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) có trụ sở tại New York cũng đưa ra tuyên bố vào thứ Sáu (ngày 11/10), kêu gọi chính quyền ĐCSTQ ngay lập tức thả ông Bành Lập Phát.
Bà Maya Wang, Phó giám đốc chương trình Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, tuyên bố: Việc ĐCSTQ bắt giữ ông Bành Lập Phát ngược lại đã truyền cảm hứng cho sự ủng hộ rộng rãi đối với một Trung Quốc tự do và dân chủ. Hai năm sau khi ông Bành bị cưỡng bức biến mất, thông điệp của ông vẫn còn vang vọng. Cộng đồng quốc tế và các chính phủ nên chú ý đến vụ án này nhân dịp kỷ niệm 2 năm ngày ông Bành mất tích, đồng thời thúc giục ĐCSTQ trả tự do cho ông ngay lập tức và vô điều kiện.
Bành Lập Phát còn sống không? “Cầu Tứ Thông” được giám sát chặt chẽ
Vào tháng 10/2023, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) được biết qua nhiều kênh tin tức đáng tin cậy ở Trung Quốc rằng ông vẫn còn sống, nhưng gia đình ông không nhận được bất kỳ giấy tờ pháp lý nào, và không thể thuê luật sư cho ông. Ngoài ra, vợ và 2 con gái của ông, thậm chí người thân của nội ngoại hai bên cũng đều bị giám sát chặt chẽ dưới danh nghĩa “bảo vệ”.
Nhiều nhà hoạt động dân chủ ở nước ngoài và các nhân vật của công chúng nói với VOA rằng không có tin tức đáng tin cậy nào kể từ đó.
Ông Giới Lập Kiến cho biết, vào đầu năm nay, 5 hoặc 6 tình nguyện viên đã cố gắng đến quê nhà của ông Bành Lập Phát ở Đông Bắc Trung Quốc để hỏi tung tích của ông. Tuy nhiên, họ đã bị cảnh sát và dân quân chặn lại khi đến cổng làng, sau đó họ mất liên lạc với thế giới bên ngoài và tài khoản WeChat của họ không có phản hồi.
Bà Thịnh Tuyết, tổng biên tập tờ Mùa xuân Trung Quốc ở Toronto, Canada, cho biết trong một video rằng 2 năm trước, ông Bành Lập Phát dùng trí tuệ phi thường, niềm tin vững chắc và lòng dũng cảm quyết đoán để giăng biểu ngữ trên cầu Tứ Thông, đặc biệt kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức, tất nhiên là ông ấy đã biến mất từ đó.
“Theo những gì chúng tôi được biết, gia đình và người thân của ông ấy hiện đang bị ĐCSTQ kiểm soát và mất tự do, nên chúng tôi rất khó nắm được tình hình cụ thể của ông ấy.”
Dù đã 2 năm trôi qua nhưng cầu Tứ Thông vẫn được giám sát chặt chẽ. Trên bản đồ Baidu và Amap của Trung Quốc, “Cầu Tứ Thông” vẫn không thể tìm kiếm được, và các bài viết về “Cầu Tứ Thông” trên Weibo cũng chỉ thấy được đến năm 2020.
Ông Giới Lạp Kiến nói rằng điều mà ĐCSTQ sợ nhất là sẽ có nhiều người kế thừa tinh thần của ông Bành Lập Phát, nhiều người sẽ bắt chước theo, các dũng sĩ Cầu Tứ Thông sẽ truyền bá tinh thần phản kháng độc tài, chống lại sự chuyên chế của ĐCSTQ trên khắp thế giới. Đây là điều mà ĐCSTQ sợ nhất.
Hàng trăm người đã làm theo hành động dũng cảm của ông Bành Lập Phát và khai sinh ra Phong trào Giấy trắng
Khi đó, ĐCSTQ đã bí mật giam giữ ông Bành Lập Pháp và chặn mọi thông tin liên quan, nhưng điều đó không thể ngăn cản được ảnh hưởng to lớn của ông đối với người Hoa trong và ngoài Trung Quốc.
Cựu lãnh đạo phong trào sinh viên Lục Tứ (sự kiện Thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989), ông Chu Phong Tỏa, tiết lộ với VOA rằng vào tháng 7 năm nay, sau khi ra nước ngoài, cô Quách Nghệ (Guo Yi), (người từng bị bắt vào tháng 10/2022 vì dán áp phích và viết khẩu hiệu ủng hộ ông Bành Lập Pháp trong nhà vệ sinh công cộng), đã tiết lộ về những gì cô nghe thấy:
“Cho đến thời điểm này, thế giới bên ngoài mới biết rằng khi đó chỉ riêng những người dùng cách tương tự thế này để hô ứng với ông Bành Lập Phát và bị bắt, có thể lên đến hơn 100 người.”
Tình cờ đó là đêm trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, sự kiện cầu Tứ Thông đã có tác động rất lớn. Một số người đã phát động “Phong trào Áp phích” và “Cách mạng nhà vệ sinh”, đồng thời thúc đẩy “Phong trào Giấy trắng” nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc. Người kháng nghị trên đường phố đã hét lên những yêu cầu mà ông Bành Lập Phát đưa ra, hô lên “Tập Cận Bình hạ đài, ĐCSTQ hạ đài!”
“Phong trào Giấy trắng” cũng đã mở rộng ra nước ngoài. Người dân ở các đô thị quốc tế như New York, Washington, Toronto, v.v, đã hưởng ứng, kêu gọi “Tập Cận Bình hạ đài, ĐCSTQ hạ đài”. Cuối cùng, ĐCSTQ buộc phải từ bỏ chính sách phong tỏa nghiêm ngặt “zero-COVID linh động” đã được thực hiện trong 3 năm thời dịch bệnh.
“Sức thu hút của ông Bành Lập Phát sẽ vượt thời đại”
Ông Chu Phong Tỏa cho biết: “Sức hút của ông Bành Lập Phát sẽ vượt thời đại và mọi người trong tương lai sẽ được truyền cảm hứng. Hình ảnh dũng sĩ cầu Tứ Thông của ông ấy giống như ‘Người xe tăng’ (Tank Man) năm 1964, sẽ là một huyền thoại mãi mãi.”
Năm ngoái, nhân kỷ niệm một năm sự kiện cầu Tứ Thông, 10 người biểu tình đã treo nhiều biểu ngữ trên cầu London vào tháng 10, trong đó có một bản sao của “Biểu ngữ cầu Tứ Thông” với dòng chữ “ĐCSTQ hạ đài, Tập Cận Bình hạ đài” (CCP out, Xijinping out) và dùng biểu ngữ để hỏi “Bành Tái Chu ở đâu?”
Đồng thời, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức tại nhiều nơi khác như Glasgow, Washington DC, New York, Boston, Vancouver, v.v, những người tham gia đã đưa biểu ngữ của ông Bành Lập Phát treo trên Cầu Tứ Thông và lòng dũng cảm của ông đến với thế giới.
Vào ngày 30/7 năm nay, kiện cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh lại tái diễn ở Hồ Nam, Phương Nghệ Dung (Fang Yirong), một thanh niên 22 tuổi ở huyện Tân Hoa, đã trực tiếp bắt chước ông Bành Lập Phát và treo biểu ngữ có khẩu hiệu giống sự kiện cầu Tứ Thông và dùng loa phát các khẩu hiệu. Các video liên quan đã lan truyền trên mạng bên ngoài Trung Quốc, nhưng không xuất hiện trên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Ông Giới Lập Kiến cho biết, “Sự kiện Bành Lập Phát chúng ta thấy ngày hôm nay, cho thấy người dân ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả bên trong Trung Quốc, đang tìm cách phản kháng lại sự đàn áp và bạo lực của ĐCSTQ. Khi ý thức và tinh thần phản kháng của người dân đạt đến một mức độ nhất định, chắc chắn sẽ là thời điểm ĐCSTQ sụp đổ”.
Theo Trình Tĩnh, Lạc Á / Epoch Times
Từ khóa Bành Lập Phát cầu Tứ Thông