Vợ con người giăng biểu ngữ đả đảo ông Tập ở Bắc Kinh bị quản thúc tại gia
- Trí Đạt
- •
Năm ngoái, trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sự xuất hiện của các biểu ngữ chống cộng trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh đã gây chấn động trong và ngoài Trung Quốc. Sau sự kiện này có thông tin người giăng biểu ngữ, ông Bành Lập Phát (từ Hắc Long Giang), đã bị cảnh sát bắt, đến nay vẫn không có tin tức. Theo thông tin mới được tiết lộ, vợ con của ông Bành, ban đầu sống cùng ông ở Bắc Kinh, đã bị đưa về quê hương Tề Tề Cáp Nhĩ và bị giám sát chặt chẽ, tung tích chị của ông cũng không rõ.
Vợ và con gái bị giam lỏng tại nhà, chị gái không rõ tung tích
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin hôm 14/9, khi ngày kỷ niệm sự kiện cầu Tứ Thông Bắc Kinh đang đến gần, tung tích của “Dũng sĩ cầu Tứ Thông” Bành Lập Phát và tình hình hiện tại của vợ con ông cũng đã thu hút sự quan tâm từ thế giới bên ngoài.
Các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền lo ngại về vụ việc của ông Bành Lập Phát đã truy tìm và điều tra, thông qua nhiều dấu hiệu khác nhau, họ phát hiện rằng vợ và con gái của ông, những người ban đầu sống với ông ở Bắc Kinh, đã được đưa về quê hương nông thôn của ông ở Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang để giám sát. Các thông tin liên quan đến người nhà, cơ quan công an và người người trong thôn liên quan cũng bị chặn nghiêm ngặt. Vì vậy, những người theo dõi kêu gọi thế giới bên ngoài tiếp tục quan tâm đến ông Bành Lập Phát, cố gắng hết sức để quan tâm, giúp đỡ ông và gia đình ông nhiều hơn.
Bản tin của VOA dẫn lời ông Lâm Sinh Lượng (Lin Shengliang), một nhà hoạt động hiện đang sống ở Hà Lan, tiết lộ rằng sau sự cố cầu Tứ Thông Bắc Kinh, mặc dù tình hình hiện tại của ông Bành Lập Phát là một bí ẩn, không rõ sống chết ra sao, nhưng mọi người đang tìm kiếm ông và người nhà ông.
Ông Lâm Sinh Lượng cho biết, sau nhiều lần tìm kiếm và phân tích tình hình, đã phát hiện ra rằng vợ của ông Bành Lập Phát là bà Hàn Dương (Han Yang) cùng con gái Bành Vẫn Ngưng (Peng Yunning) hiện đang bị giam tại Tổ 737, làng Cần Kiệm (Qinjian, hiện đã được sáp nhập vào làng Hùng Tráng (Xiongzhuang)), thị trấn Mông Cổ Ninh Khương, huyện Thái Lai, thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, đây là quê hương và là nơi sinh của ông Bành Lập Phát. Ở đó còn có có cảnh sát mặc cảnh phục và thường phục canh gác, giám sát ngoài cửa và tại ngã tư.
Theo mô tả của ông Lâm Sinh Lượng, để xác nhận xem vợ và con gái của ông Bành Lập Phát có bị giam giữ ở đó hay không, ông đã sử dụng địa chỉ trên để gửi một bức thư chuyển phát nhanh cho bà Hàn Dương, kết quả là bức thư chuyển phát nhanh đã bị cảnh sát giữ lại khi chuyển đến. Người chuyển phát nhanh cũng tiết lộ rằng sau khi giao nó đến địa chỉ nêu trên, có nhân viên cảnh sát đã canh giữ ở đó, họ lấy bưu kiện chuyển phát nhanh và nói rằng cần mang đi kiểm tra. Qua đó, ông Lâm Sinh Lượng phán đoán vợ con ông Bành Lập Phát có lẽ đang ở đó.
Ông cũng cho biết, khi tìm kiếm thông tin liên quan bằng phương tiện kỹ thuật, số điện thoại của tất cả người dân ở quê hương của ông Bành Lập Phát, bao gồm cả ủy ban thôn, đều không hiển thị, thậm chí cả số điện thoại cơ quan công an của đồn công an địa phương cũng không có. Ngoài ra, mặc dù ở quê hương Cát Lâm của vợ ông Bành Lập Phát không có cảnh sát canh gác, nhưng chị gái của vợ ông Bành Lập Phát ở quê nhà cũng không rõ tung tích.
Phương pháp giám sát vượt qua việc giam giữ ông Trần Quang Thành
Trang web bảo vệ quyền lợi “Quan sát Dân sinh” cách đây 3 tuần đưa tin rằng nữ cư dân mạng Cát Lâm Trương Ngọc Hồng (Zhang Yuhong) đã đến Hắc Long Giang để thăm gia đình ông Bành Lập Phát, nhưng bị nhiều cảnh sát chặn lại và bắt đi. Theo hình ảnh và video từ hiện trường, lúc đó có ít nhất 6 người tham gia chặn bà lại, và chỉ một người trong số họ xuất trình giấy tờ tùy thân cảnh sát của mình, tên là Biện Chí Bằng (Bian Zhipeng). Lý do ông ta chặn bà lại là vì “có nhiệm vụ bảo mật đặc biệt”, cần kiểm tra xe bên ngoài vào. Bà Trương Ngọc Hồng được thả sau khi bị giam giữ và mất liên lạc trong hơn 24 giờ.
Dựa trên việc cảnh sát bố trí canh gác trước cửa nhà ở Tề Tề Cáp Nhĩ và giữ bưu kiện chuyển phát nhanh, lập chốt kiểm soát ở lối vào thôn, bắt người đến thăm, cho đến việc những người thân và bạn bè liên quan đến ông Bành Lập Phát đột nhiên “biến mất” hoặc bị buộc phải im lặng, ông Lâm Sinh Lượng kết luận rằng chính quyền ĐCSTQ hiện đang kiểm soát, phong tỏa chặt chẽ ông Bành Lập Phát, vợ và con gái của ông. Ông Lâm còn nói, mức độ phong tỏa thậm chí còn vượt xa mô hình giam giữ ở làng Đông Sư Cổ (Dongshigu) mà nhà hoạt động nhân quyền mù Trần Quang Thành từng bị.
Về vấn đề này, ông Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo), giám đốc điều hành của Tổ chức “Nhân quyền Trung Quốc”, cho rằng sự kiện Bành Lập Phát kháng nghị ở cầu Tứ Thông đã được một năm, và chính quyền vẫn từ chối tiết lộ tung tích của ông ấy, thậm chí còn ảnh hưởng đến người thân, bạn bè của ông. Điều này cho thấy ĐCSTQ rất sợ ông ấy. Do sự kiện cầu Tứ Thông lúc bấy giờ có tác động rất lớn và gây phản ứng dây chuyền, nên “Phong trào Giấy trắng” đã xuất hiện tại nhiều thành phố ở Trung Quốc và trong một số khuôn viên trường đại học ở các nước phương Tây vào cuối năm 2022. Sau khi giới trẻ khắp cả nước đạt được sự đồng thuận, các nhóm xã hội dân sự đã phản đối “chính sách zero COVID” tàn nhẫn và các biện pháp chống dịch bệnh cực đoan phản khoa học, phản nhân loại.
Được chọn vào danh sách 100 người ảnh hưởng của TIME
Hàng năm, tạp chí TIME đều độc lập lựa chọn “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới” từ các lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật, v.v., kết hợp với các đề xuất bên ngoài.
Tờ TIME viết rằng vào tháng 10/2022, ông Bành Lập Phát (hay còn gọi là Bành Tái Chu) đã giăng hai biểu ngữ chính trị ở trung tâm Bắc Kinh, kêu gọi chính quyền ĐCSTQ chấm dứt chính sách Zero-COVID và chế độ độc tài độc đảng. Các cuộc biểu tình sau đó nổ ra khắp Trung Quốc, sử dụng tờ giấy trắng A4 làm biểu tượng của sự bất đồng chính kiến.
Vào ngày 13/10 năm ngoái, hai ngày trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, trên cầu vượt ở giao lộ của quận Hải Điến được bảo vệ nghiêm ngặt và phồn vinh nhất ở Bắc Kinh, hai biểu ngữ phản đối lớn bất ngờ được treo lên. Một biểu ngữ viết:
“Không cần axit nucleic, cần lương thực; không cần phong tỏa, cần tự do; không cần dối trá, cần tôn nghiêm; không cần Cách mạng Văn hóa, cần cải cách; không cần lãnh tụ, cần bầu cử; không làm nô lệ, làm công dân.”; một biểu ngữ khác viết: “Bãi khóa, bãi công, bãi chức quốc tặc Tập Cận Bình.”
Hình ảnh và thông tin về cuộc kháng nghị tại cầu Tứ Thông ngay lập tức bị kiểm duyệt ở Trung Quốc, các từ khóa tin tức (bằng tiếng Trung) như “Cầu Tứ Thông”, “Bắc Kinh”, “Hải Điến” và “dũng sĩ” đều bị kiểm duyệt và chặn.
Tạp chí TIME viết: “Cho đến hôm nay, ông Bành Lập Phát và nhiều người biểu tình đã bị giam giữ hoặc biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Lòng dũng cảm và phản kháng của cá nhân họ dưới chế độ độc tài, đại diện cho một thời điểm quan trọng cần được lịch sử khắc ghi. Chỉ có sự phản kháng như vậy, mọi người mới có thể thắp lên ngọn lửa niềm tin vào chân lý và chính nghĩa cháy lên trong tim.”
Sau sự kiện cầu Tứ Thông, “Phong trào Giấy trắng“ nổ ra vào cuối tháng 11/2022 đã càn quét thế giới, mọi người từ phản đối phong tỏa đến hô hào “Đảng Cộng sản hạ đài”. Trong số đó có sinh viên, nhà báo, người trong giới văn học nghệ thuật, và cả những công dân bình thường. ĐCSTQ sau đó đã từ bỏ chính sách kiểm soát dịch Zero-COVID mà không có sự chuẩn bị, trong cơn sóng thần dịch bệnh, chính quyền đã bí mật bắt giữ những người tham gia “Phong trào Giấy trắng” trên quy mô lớn.
Tờ TIME viết rằng trong thời đại ngày nay, đối mặt với cái giá phải trả, những phẩm chất của tự do ngôn luận và phản kháng là cực kỳ hiếm thấy. Thật không may, trong hầu hết các trường hợp, chúng ta nghĩ rằng những gì đang được biểu đạt là thiếu ý nghĩa. Chỉ khi một người như ông Bành Lập Phát sẵn sàng hy sinh và trả giá thì ý nghĩa thực sự của những gì ông ấy thể hiện mới được hiển lộ ra.
Từ khóa Dòng sự kiện nhân quyền Trung Quốc Bành Lập Phát cầu Tứ Thông