Người TQ tại Malaysia than khóc bị lừa đảo và hát quốc ca kêu oan
- Huệ Anh
- •
Các vụ lừa đảo thường xảy ra trên khắp thế giới, nhưng những trường hợp bị lừa với số tiền lên đến cả trăm tỷ thì không nhiều. Mới đây, trên đường phố Kuala Lumpur, Malaysia đã xuất hiện một nhóm người Trung Quốc quỳ gối khóc lóc thê thảm, than vãn rằng họ đã bị lừa hàng trăm tỷ Nhân dân tệ, thậm chí còn hát vang bài quốc ca Trung Quốc “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc”.
Theo nguồn tin từ tờ China Daily, có hơn 150 người Trung Quốc đã tới trước tòa nhà OSK tại Kuala Lumpur, nơi tọa lạc của Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia để kêu oan về việc họ đã bị một công ty trò chơi đầu tư của Malaysia lừa gạt, tổng số tiền nhóm người bị lừa lên tới 59 tỷ đô la Singapore (khoảng 105,5 tỷ Nhân dân tệ). Người biểu tình cũng giương cao biểu ngữ viết “Zhang XX trả lại tiền”, thậm chí có những người còn quỳ xuống la hét và than khóc, trong lúc trời đổ mưa thì họ còn hát vang Quốc ca Trung Quốc trong mưa!
Theo thông tin, Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia kêu gọi công ty liên quan phải ra mặt chịu trách nhiệm, cũng nhấn mạnh rằng Đại sứ quán sẽ cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc.
Nguồn tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ ra, công ty bị cáo buộc là Tập đoàn MBI, người sáng lập là Trương Cử Phát. Thực tế hồi năm 2017, đã có một số người của công ty này bị kết án, nhưng trong hai năm qua vẫn có nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào công ty này.
Cửa ngân hàng Trung Quốc nằm trong cùng tòa nhà Đại sứ quán cũng bị những người kêu oan này “bao vây”.
Nhiều nạn nhân người Trung Quốc đã kể về quá trình họ bị lừa, cho biết một số người đã tự sát vì bị phá sản, gia đình tan nát.
Giới truyền thông Malaysia đã phỏng vấn một nạn nhân là nam giới bị lừa mất 10 triệu Nhân dân tệ, khiến vợ con không còn muốn nhìn mặt ông, phải sống cảnh lang thang. Lần đến Malaysia để đòi nợ này là vì không còn cách nào, đến tiền vé máy bay và ở trọ cũng nhờ bạn bè cho mượn.
Một nạn nhân nữ kể rằng bà đã bị lừa hơn một triệu Nhân dân tệ, ba đứa con của bà đang học Đại học, vì tình hình kinh tế của gia đình suy sụp nên không thể trả được khoản tiền vay ngân hàng, tiền trang trải học hành của con cái cũng phải đi mượn.
Có những nạn nhân đã chỉ trích công ty đầu tư này tuyên truyền rằng có bối cảnh bệ đỡ từ vợ chồng cựu Thủ tướng Malaysia, nên lấy được lòng tin của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc…
Trang tin trực tuyến của công ty này cho thấy, Chủ tịch Trương Cử Phát của Tập đoàn MBI là anh em họ của chính khách Tunku Abdul Rahman của Malaysia, còn Cố vấn của Ban Thường vụ MBI là Tổng trưởng Cảnh sát Malaysia. Tập đoàn có hơn 40 chuỗi công nghiệp, bao gồm bất động sản, chuỗi siêu thị, trung tâm mua sắm trực tuyến, công ty điện ảnh và truyền hình, chuỗi khách sạn, căn hộ…
Nhưng khi các nạn nhân Trung Quốc đến Malaysia thì thấy rằng tòa nhà trụ sở được quảng cáo đã không còn bóng người… Logo của MBI trên tòa nhà cũng đã biến mất.
Nguồn tin trước đó từ truyền thông Đài Loan chỉ ra, ông Trương Cử Phát đã từng lừa đảo. Năm 2007, ông ta đã thành lập tổ chức “cà phê Jiangdao” để lừa người khác đầu tư, thực chất là mô hình kinh doanh mạng dạng kim tự tháp (Pyramid scheme), số nạn nhân đến hơn 3.000 người, sau đó bị cơ quan chức năng Malaysia kết án.
Sau khi ra tù, ông này lại sáng tạo ra kiểu lừa đảo mới – tiền ảo MBI. Thực tế nguyên tắc trò chơi này đơn giản chỉ là đầu tư vào một thứ gì đó để nhận được lợi nhuận cao. Nhưng tiền ảo MBI đã cố tình phức tạp hóa vấn đề, khiến đa số người không am hiểu kinh tế như bị rơi vào ma trận, chỉ hành động theo niềm tin thông thường và đã dễ dàng bị lừa.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa lừa đảo chiếm đoạt tài sản Dòng sự kiện Người Trung Quốc