Nhân viên ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc bị “tập kích” bằng sóng âm
- Huệ Anh
- •
Một nhân viên của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Quảng Châu cho biết, ông đã bị chấn thương não dạng nhẹ bởi một loại sóng âm thanh khác thường. Sự kiện này gợi nhớ đến trường hợp các nhà ngoại giao Mỹ bị tấn công ở Cuba cũng vì một dạng sóng âm bí ẩn. Hôm thứ Tư (23/5), Bộ Ngoại giao Mỹ đã có cảnh báo sức khỏe đối với công dân Mỹ ở Trung Quốc.
Nhân viên ngoại giao Mỹ bị sóng âm tấn công
Theo các nguồn tin, hôm thứ Tư (23/5), Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra cảnh báo sức khỏe cho công dân Mỹ, theo đó cho biết gần đây một nhân viên làm việc cho Chính phủ Mỹ bị tấn công bởi “loại âm thanh có áp lực khác thường”.
Nhân viên Mỹ làm việc tại Trung Quốc này đã phát hiện bị chấn thương não dạng nhẹ sau nhiều tháng bị tấn công bằng loại âm thanh “bất thường” này. Sự cố này gợi nhớ đến căn bệnh “sóng âm thanh” bí ẩn mà các nhà ngoại giao Mỹ trú tại Cuba từng phải chịu đựng.
Tại một phiên điều trần trước Quốc hội hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết, từ quan điểm y học, vụ việc này rất giống trường hợp các nhà ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ tại Cuba bị tấn công bằng sóng âm thanh.
Ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng làm rõ những gì đã xảy ra ở Havana và những gì đang xảy ra ở Trung Quốc hiện nay”.
Bộ Ngoại giao Mỹ rất quan tâm sự cố này
Đại sứ quán Mỹ trú tại Bắc Kinh nhận thấy, nhân viên bị “tập kích” này là công dân Mỹ của Lãnh sự quán Mỹ tại Quảng Châu. Một nữ phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ cho biết, từ cuối năm 2007 đến tháng Tư năm nay nhân viên này đã báo cáo “các triệu chứng thể chất khác nhau”, sau đó được đưa đến Mỹ để kiểm tra. “Kết quả lâm sàng của đánh giá cho thấy bị chấn thương sọ não dạng nhẹ.”
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính phủ Mỹ không biết nguyên nhân gây ra các triệu chứng của nhân viên Mỹ tại Quảng Châu. Chính phủ Mỹ đề nghị nhân viên bị tập kích này tránh xa những âm thanh từng làm cho cơ thể thấy bất thường.
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cho biết, Chính phủ Mỹ “rất quan tâm đến vụ việc này, đang nỗ lực để xác định nguyên nhân và tác động của nó”. Người phát ngôn cũng cho biết, Bắc Kinh cũng đang điều tra vấn đề này.
Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cũng đã ban hành một thông báo khuyến cáo rằng, bất cứ ai có triệu chứng này nên gặp chuyên gia y tế kiểm tra. “Ở Trung Quốc, nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng thính giác hoặc cảm giác cấp tính bất thường nào kèm theo âm thanh bất thường hoặc âm thanh gây chói tai, xin vui lòng không nên thử tự ý đi truy tìm nguyên nhân, hãy di chuyển ngay đến nơi nào mà không còn nghe thấy sóng âm thanh gây khó chịu đó nữa.”, Đại sứ quán cảnh báo trên trang web thông tin.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết, phía Mỹ đã yêu cầu phía Trung Quốc phải tuân thủ các cam kết từ Công ước Viên, đảm bảo an toàn cho quan chức Mỹ trú ở nước ngoài.
Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không hồi tin ngay theo thỉnh cầu bình luận của tờ Wall Street Journal.
Vụ việc tương tự từng xảy ra tại Cuba
Vào hai năm trước, các nhà ngoại giao Mỹ ở Cuba cũng gặp trưuờng hợp tương tự, Washington cho biết trường hợp đó là do bị tấn công bằng sóng âm thanh, nhưng phía Mỹ không chỉ trích gì chính quyền Cuba trong vụ việc.
Vào cuối năm 2016, hơn 20 nhà ngoại giao Mỹ và người thân của họ tại Cuba bị các triệu chứng như chóng mặt, choáng đầu và ù tai. Các quan chức Mỹ cho biết “đó là một cuộc tấn công có chủ ý”. Vào tháng Giêng năm nay, một viên chức Bộ Ngoại giao đã chia sẻ với Thượng viện Mỹ rằng, các điều tra viên của Mỹ không thể xác định được thủ phạm hay thủ đoạn tấn công.
Nhà ngoại giao này mô tả âm thanh như là “tiếng vo ve, tiếng mài kim loại, tiếng chói tai và ù ù.”
Năm 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thành lập một nhóm chuyên gia để điều tra vụ án này. Nhóm chuyên gia cho biết, kết quả điều tra ban đầu cho thấy có thể liên quan đến “chứng chấn động thần kinh từ các nguồn không tự nhiên”, và bộ phận này đề xuất tiến hành điều tra thêm.
Ngoại trưởng Pompeo nói thêm rằng, cho đến nay không có dấu hiệu gì cho thấy vụ việc tại Trung Quốc có liên quan đến vụ ở Cuba.
Một quan chức của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cho biết, “Chúng tôi hiện không thể liên kết sự kiện này với những gì đã xảy ra ở La Habana, nhưng chúng tôi đang điều tra tất cả các khả năng.”
Vào tháng Ba năm nay, Chính phủ Mỹ đã quyết định rút 60% nhà ngoại giao khỏi Cuba do các vấn đề về sức khỏe. Trước đó, 15 nhân viên của Đại sứ quán Cuba đã được lệnh phải rời khỏi Mỹ, nhưng Washington đã không chính thức cáo buộc Cuba đối với các cuộc tấn công có chủ ý này.
Vào tháng Tư năm nay, một số nhà ngoại giao Canada tại La Habana cũng đã phàn nàn bị các triệu chứng tương tự mà các nhà ngoại giao Mỹ đã gặp phải, sau đó chính phủ Canada cũng đã cho giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại Cuba.
Bộ Sự vụ Toàn cầu của Canada cho biết, các xét nghiệm y tế đang thực hiện cho thấy, bác sĩ không thể xác định được đây có thể là một dạng khả năng “tổn thương não kiểu mới” hay không.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa tấn công bằng sóng âm Đại sứ quán Mỹ nhân viên ngoại giao