Nhật Bản ở đâu trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán?
- Trọng Đức
- •
Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên có người nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán (Sars-CoV-2) bên ngoài Trung Quốc đại lục, nhưng nay lại là một trong những nước ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhất. Điều này đang làm đau đầu các chuyên gia y tế.
Trong lúc này, khoảng 1/3 người Mỹ được yêu cầu ở nhà để tránh dịch, Thủ tướng Anh yêu cầu không tụ tập quá 2 người, còn nhiều nước giàu có ở Châu Âu thì đang trong tình trạng phong tỏa toàn quốc. Tại Nhật Bản, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường đối với phần lớn dân số: trường học không bị đóng cửa, các chuyến tàu cao tốc vẫn chật ních người và hàng quán vẫn ung dung mở cửa đón khách.
Câu hỏi làm các chuyên gia quốc tế đau đầu là liệu Nhật Bản đã may mắn “né đạn” thành công, hay quá lạc quan trong khi quả bom đại dịch sắp nổ?
Đã có những “thuyết âm mưu” được thảo luận rằng chính phủ Nhật Bản cố tình làm ít xét nghiệm và thả lỏng kiểm dịch để có thể thuyết phục được các nước khác cho họ tiếp tục tổ chức Olympic mùa hè vào tháng 7 này khi mà đã đầu tư quá nhiều tiền bạc (hơn 12 tỷ USD) vào sự kiện thể thao lớn nhất thế giới năm nay. Tuy nhiên “thuyết” này sẽ sớm được chứng minh là đúng hay sai khi mà quan chức Ủy ban Olympic quốc tế Dick Pound đã tiết lộ với tờ USA Today rằng ủy ban đã quyết định hoãn sự kiện này tới năm 2021. Và mặc dù có dân số già nhất thế giới, Nhật Bản chưa hề chứng kiến những đoàn xe quân đội chở thi thể người chết đi hỏa thiêu (một điều khó có thể che giấu) vì nghĩa trang quá tải như ở Ý.
Chính phủ Nhật Bản quả quyết rằng họ đã có những biện pháp quyết liệt nhằm phát hiện các cụm dịch và kiềm chế vững chắc sự lây lan của các cụm này, khiến cho tỷ lệ người nhiễm bệnh trên tổng số dân thấp nhất trong số các quốc gia phát triển.
Nhưng việc Tokyo chậm chạp trong phản ứng với dịch bệnh khi nó mới bùng phát ở Trung Quốc, việc xử lý lỏng lẻo với ổ dịch trên tàu Diamond Princess trong thời gian đầu và quyết định không cấm biên với Trung Quốc ngay lập tức đã khiến chính phủ nước này bị chỉ trích là sẽ sớm biến Nhật thành một “Vũ Hán” thứ hai. Các biện pháp được tiến hành sau đó như đóng cửa trường học và hủy bỏ các sự kiện lớn không thấm gì nếu so với những gì các nước khác đang làm.
Nhưng tính đến nay, ngày 24/3, tại Nhật chỉ có 1.128 ca xác nhận đã nhiễm bệnh, trong đó 42 ca tử vong, không tính người trên du thuyền Diamond Princess. Trong khi đó, Ý, một nước cũng có cơ cấu số dân già, đã trở thành ổ dịch lớn thứ 2 với gần 64.000 ca nhiễm bệnh và hơn 6.000 người tử vong. Mỹ trở thành ổ dịch lớn thứ ba với 43.000 ca nhiễm bệnh. Người hàng xóm Hàn Quốc với chính sách xét nghiệm sâu, rộng đã có hy vọng vượt qua đỉnh dịch nhưng cũng có tới 9.000 người nhiễm.
Tại Tokyo, một trong những đô thị có mật độ dân cư dày đặc nhất thế giới, tỷ lệ mắc bệnh chỉ là 0,0008% dân số. Nhật cũng đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp cho Hokkaido, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19.
Lý giải cho sự kỳ lạ này, Kenji Shibuya, giáo sư tại Đại học King London, cựu giám đốc chính sách Y tế tại WHO, cho rằng có 2 khả năng: Nhật Bản đã thành công trong việc kiểm soát lây nhiễm bằng việc tập trung vào các cụm dịch, hoặc là họ chưa phát hiện được các ổ dịch khác.
“Cả hai đều hợp lý, nhưng dự đoán của tôi là Nhật Bản sẽ chuẩn bị chứng kiến sự bùng nổ các ca nhiễm và chắc chắn sẽ sớm phải chuyển từ giai đoạn ngăn chặn sang trì hoãn đỉnh dịch”, ông nói. “Số lượng xét nghiệm đã tăng lên, nhưng chưa đủ”.
Vị trí gần gũi với Trung Quốc cũng khiến người Nhật phải báo động khi mà dịch bệnh vẫn ở giai đoạn có thể kiểm soát được. Cuối tháng Giêng, ngay sau khi Nhật ghi nhận ca nhiễm virus đầu tiên từ một người chưa từng tới Trung Quốc, các chai nước rửa tay đã được đưa tới nhan nhản ở các văn phòng làm việc, doanh số bán khẩu trang tăng vọt và người dân bắt đầu thực hiện các biện pháp cơ bản để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
“Nhật Bản đã may mắn khi chỉ có một số lượng nhỏ các ca nhiễm Sars-CoV-2 được đưa tới đây, và những người lại có vẻ tập trung vào các khu vực hạn chế, dễ quản lý”, Laurie Garrett, một ký giả về y tế toàn cầu người Mỹ, nói.
Mặc dù giới chức y tế thế giới cảnh báo virus này có tính lây nhiễm cao, ủy ban sức khỏe Nhật hôm 9/3 thông báo 80% số người nhiễm bệnh ở Nhật không lây cho người khác. Lý do cho điều may mắn này còn đang trong tranh cãi và người ta cũng đặt nghi vấn về kết luận này khi mà Tokyo đã nhận phải sự lên án hiếm thấy của giới y khoa Mỹ vì để cho ổ dịch trên tàu Diamond Princess vượt quá tầm kiểm soát vào giai đoạn đầu.
“Rất nhiều cụm dịch đã được xác định ở giai đoạn tương đối sớm”, ủy ban y tế nói trong một báo cáo vào tháng 3. Thủ tướng Abe Shinzo cũng trích dẫn các kết luận tương tự khi ông khẳng định rằng Nhật Bản chưa cần tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào hôm thứ Bảy.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng có những lợi thế cố hữu bất ngờ, như việc bắt tay và ôm chào hỏi nhau không thông dụng trong nền văn hóa như những nước G7 khác. Ngoài ra người Nhật còn thường xuyên rửa tay và giữ vệ sinh tay chân tốt hơn nhiều người Châu Âu.
Trong khi viêm phổi Vũ Hán gia tăng, việc phòng chống virus corona cũng giúp số lượng các ca nhiễm cúm mùa ở Nhật giảm trong vòng 7 tuần liên tiếp. Điều này chỉ ra rằng người Nhật đã nghiêm túc thực hành các thói quen cơ bản để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm. Số liệu từ Trung Tâm giám sát Bệnh truyền nhiễm Tokyo cho thấy số ca mắc cúm mùa năm năm ít hơn nhiều mức thông thường hằng năm và số lượng toàn quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2004.
Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh khả năng xét nghiệm corona, nhưng đến nay cũng mới chỉ tiến hành được trên 5% con số mà Hàn Quốc đã thực hiện, mặc dù có dân số lớn hơn. Tuy nhiên, tình trạng bệnh viện quá tải ở Ý, nước cũng tiến hành xét nghiệm quy mô lớn, cũng khiến người ta ái ngại.
“Tỷ lệ tử vong ở Ý gần như cao gấp 3 lần Nhật Bản”, Yoko Tsukamoto, giáo sư kiểm soát truyền nhiễm tại Đại học Khoa học Y Hokkaido nói. “Một lý do là vì khi bạn được xét nghiệm, bạn được đưa đi cách ly, nó sẽ khiến họ không còn đủ giường bệnh cho những người mà có bệnh nặng hơn”.
Nhật Bản đã xét nghiệm cho hơn 15.000 người tính đến thứ Tư, và mặc dù họ không khuyến khích những người không có triệu chứng hay đã có tiếp xúc với một người bị mắc trước, tỷ lệ mắc bệnh là 5,6%, cao hơn mức 3% ở Hàn Quốc nhưng thấp hơn nhiều con số 18% tại Ý.
Tuy nhiên khó khăn cuộc chiến chống đại dịch của Nhật còn ở phía trước.
“Rất khó để xác định tất cả các ca nhiễm virus, bởi vì có quá nhiều trường hợp chỉ bị nhẹ. Việc ngăn chặn dịch đã có hiệu quả ở Hồng Kông và Singapore bằng chiến lược xác định người mắc bệnh rộng khắp”, Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông nói.
“Tôi dự đoán rằng các ca bệnh sẽ tăng lên dần dần ở Nhật do lây truyền kín trong cộng đồng”.
Giới chức Nhật Bản thì tỏ ra tự tin trong chiến lược xét nghiệm của mình. “Chúng tôi không cần sử dụng toàn bộ năng lực xét nghiệm, chỉ bởi vì chúng tôi có thể”, quan chức bộ Y tế Yasuyuki Sahara nói trong buổi họp báo hôm thứ Ba.
“Chúng tôi cũng không cho rằng việc xét nghiệm bất kỳ ai chỉ vì họ thấy lo lắng là cần thiết”.
Nếu số ca mắc bệnh ở Nhật tăng lên, họ cũng sẵn sàng đối mặt hơn là các nước giàu có khác. Nhật có khoảng 13 giường bệnh trên 1.000 người, tỷ lệ cao nhất trong các quốc gia G7 và nhiều hơn 3 lần ở Ý, Mỹ, Anh và Canada, theo số liệu của World Bank.
Vì vậy thậm chí nếu Nhật Bản chưa phát hiện được toàn bộ các ca mắc bệnh, hệ thống bệnh viện của họ cũng không bị quá tải và cũng chưa có sự tăng mạnh các ca viêm phổi, theo quan chức y tế nước này. Trong khi đó, Nhật Bản đã lấp đầy lỗ hổng của quá khứ bằng việc đẩy mạnh kiểm soát biên giới.
“Chúng ta sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để chấm dứt dịch bệnh virus corona này”, Thủ tướng Abe nói.
Trọng Đức (theo JapanTimes)
Xem thêm:
Từ khóa Nhật Bản đại dịch Dòng sự kiện viêm phổi Vũ Hán COVID-19 SARS-CoV-2