Nhật cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch đẩy mạnh yêu sách lãnh thổ
- Gia Huy
- •
Báo cáo quốc phòng hàng năm của Nhật Bản đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19 thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ; đồng thời nghi ngờ Bắc Kinh đẩy mạnh tuyên truyền và truyền bá thông tin sai lệch khi cung cấp viện trợ y tế cho các quốc gia chống lại dịch bệnh.
“Trung Quốc đang tiếp tục cố gắng thay đổi hiện trạng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông,” sách Trắng quốc phòng của Nhật được chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe phê duyệt hôm 7/7 cho biết, theo SCMP.
Tài liệu bạch miêu tả sự xâm nhập “thường xuyên” của Trung Quốc vào vùng biển xung quanh một nhóm đảo nhỏ tại Biển Hoa Đông mà cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền. Nhật Bản gọi quần đảo này là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Đề cập đến quần đảo Senkaku, tài liệu chỉ trích Trung Quốc về những động thái dai dẳng “nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng” tại Biển Hoa Đông bất chấp việc gia tăng các ca nhiễm virus corona mới trên toàn cầu vốn đòi hỏi “sự hợp tác và cộng tác quốc tế”.
Sách Trắng cũng đề cập đến việc Trung Quốc đơn phương tạo ra hai khu vực hành chính ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp với các quốc gia khác như Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan.
Hai khu hành chính được đặt tên là Tây Sa và Nam Sa, theo tên mà Trung Quốc đã đặt cho các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Cùng với việc quân sự hóa các tiền đồn trong các vùng biển đang tranh chấp nằm trên tuyến đường biển chiến lược, Trung Quốc còn sử dụng các biện pháp phi quân sự để đẩy mạnh việc thay đổi hiện trạng trong khu vực, gây ra sự phản đối mạnh mẽ của các nước có cùng yêu sách, đặc biệt khi các quốc gia này đang tập trung để đối phó với đại dịch virus corona,” theo báo cáo.
Vẫn giữ nguyên quan điểm như năm ngoái, tài liệu nói rằng cộng đồng quốc tế “quan ngại an ninh sâu sắc” về những xu hướng quân sự của Trung Quốc như “tăng cao ngân sách quốc phòng” và “thiếu minh bạch về các vấn đề quân sự”.
> Nhật Bản gia tăng lập trường cứng rắn với Trung Quốc vì Luật An ninh
Chỉ trích của Nhật Bản đối với Trung Quốc giống với những bình luận của Mỹ và diễn ra trong thời điểm căng thẳng trong khu vực đang gia tăng khi Bắc Kinh và Washington thực hiện những cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, khiến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên xấu đi.
Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 6/7 đã bác bỏ các yêu sách tranh chấp của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên xa bờ trong hầu hết khu vực Biển Đông, nói rằng những yêu sách này “hoàn toàn bất hợp pháp”.
Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định rằng ý định của họ trên tuyến đường biển chiến lược với các chuyến hàng giao thương toàn cầu trị giá khoảng 3 nghìn tỷ USD mỗi năm là mang tính hòa bình.
Nhật Bản xem Trung Quốc là một mối đe dọa lâu dài và nghiêm trọng hơn cả Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh hiện chi tiêu cho quốc phòng gấp bốn lần so với Nhật Bản nhằm xây dựng một quân đội hiện đại và hùng mạnh.
Nhật Bản cũng chỉ trích cách phản ứng của Trung Quốc đối với đại dịch virus corona, cho rằng Bắc Kinh đã lan truyền thông tin sai lệch, bao gồm những tuyên bố trên mạng rằng một thành viên của quân đội Mỹ đã mang virus này đến Trung Quốc, hoặc thảo dược Trung Quốc có thể điều trị COVID-19.
Trong khi cộng đồng quốc tế đang vật lộn để chống đại dịch, việc virus lây lan rộng “có thể phơi bày và đẩy mạnh cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia có ý định tạo ra trật tự khu vực và quốc tế có lợi hơn cho họ và mở rộng ảnh hưởng của họ,” báo cáo viết.
Tài liệu của Nhật cũng cho biết Trung Quốc “đang lợi dụng” việc trợ giúp có liên quan đến virus đối với các quốc gia khác nhằm nỗ lực thúc đẩy những lợi ích chính trị và kinh tế trong bối cảnh hỗn loạn và bất ổn xã hội gây ra bởi đại dịch.
Các mối đe dọa khác mà Nhật Bản đang phải đối mặt bao gồm việc tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, sự gia tăng hoạt động quân sự của Nga trong vùng trời và vùng biển của Nhật Bản cũng như các cuộc tập chung giữa Nga và Trung Quốc, tài liệu quốc phòng cho biết.
Gia Huy (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện virus corona tranh chấp Trung - Nhật sách trắng Nhật Bản