Nikkei Asia: Cái giá của tách rời Đài Loan còn cao hơn tách rời Trung Quốc
- Mộc Vệ
- •
Trong bối cảnh lo ngại chiến tranh eo biển Đài Loan đang khiến nhiều tập đoàn công nghệ phương Tây thúc đẩy chuyển chuỗi cung ứng khỏi Đài Loan, tờ Nikkei Asia có bài bình luận chỉ ra vị trí đặc biệt của doanh giới điện tử Đài Loan trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, qua đó cảnh báo hậu quả liên quan.
Tờ Nikkei Asia gần đây đã công bố bài bình luận đặc biệt “Đài Loan trở thành nền kinh tế không thể thiếu như thế nào”, trong đó dẫn lời nhà sáng lập Hsieh Yong-fen của hãng thí nghiệm vật liệu và chip vi xử lý MA-tek (Đài Loan) cho biết: “Nếu ai đó tấn công Đài Loan, hoặc có vấn đề gián đoạn sản xuất nghiêm trọng [đối với Đài Loan]… thì ngành công nghiệp điện tử và công nghệ toàn cầu về cơ bản sẽ suy sụp”.
Bài viết nêu ví dụ, iPhone nổi tiếng thế giới, các thành phần của iPhone làm nổi bật mối quan hệ chặt chẽ trong chuỗi cung ứng giữa Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan. Mỗi chiếc iPhone yêu cầu khoảng 1500 linh kiện, theo đó gần 70% nhà cung cấp hàng đầu của Apple (sản xuất mọi thứ từ bộ vi xử lý đến vỏ) có trụ sở tại Trung Quốc (26%), Đài Loan (23%) và Mỹ (18%). Nhưng các thành phần có giá trị nhất đều được sản xuất tại Đài Loan bởi các công ty Đài Loan, bao gồm: bộ xử lý lõi, modem 5G, chip Wi-Fi và ống kính máy ảnh cao cấp.
Các nhà cung cấp ở Đài Loan chiếm gần 200 USD (tương đương 36%) trong tổng chi phí nguyên vật liệu cho mỗi chiếc iPhone. Các nhà cung cấp Trung Quốc tập trung ở các lĩnh vực ít đòi hỏi kỹ thuật hơn, chẳng hạn như lắp ráp sản phẩm và các bộ phận cơ khí, nhưng đã bắt đầu chuyển lên thượng nguồn chuỗi cung ứng.
Chuỗi cung ứng công nghệ điều chỉnh vì lo ngại xung đột
Nguy cơ nổ ra chiến tranh xuyên eo biển Đài Loan đã gây áp lực rất lớn lên các công ty công nghệ ở Đài Loan, khiến họ tìm kiếm thay đổi cách thức hoạt động.
Sau thời điểm bà Pelosi (khi là Chủ tịch Hạ viện Mỹ) đến thăm Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đã ngay lập tức tiến hành các cuộc tập trận quân sự quanh eo biển, động thái gây áp lực lớn lên các công ty. Một giám đốc điều hành nhà sản xuất bảng mạch in Unicom cho biết khách hàng đang trở nên lo lắng. Ông nói: “Vì lo sợ chiến tranh, khách hàng của chúng tôi sau đó nói rằng họ muốn một số sản phẩm thay thế được sản xuất bên ngoài Trung Quốc và Đài Loan”. Công ty Unicom là nhà cung cấp của Apple, Intel và nhiều hãng khác.
Một số giám đốc điều hành công nghệ nói với Nikkei Asia rằng, kể từ giữa năm ngoái, Intel, AMD, Captec, Meta, Google và Amazon đều đã yêu cầu bổ sung sản suất bên ngoài Trung Quốc và Đài Loan. Các nhà sản xuất máy tính xách tay nổi tiếng như Hewlett-Packard và Dell đặc biệt yêu cầu các nhà cung cấp bắt đầu xây dựng năng lực sản xuất ở Đông Nam Á. Dell thậm chí còn đặt mục tiêu loại bỏ dần chip sản xuất tại Trung Quốc với thời hạn trước năm 2024.
Xung đột quân sự ở Đài Loan có thể làm suy sụp chuỗi cung ứng toàn cầu
Bài viết chỉ ra, ngay cả khi không có chiến tranh toàn diện, sự gián đoạn nguồn cung do Trung Quốc phong tỏa Đài Loan cũng có thể dẫn đến bất ổn nghiêm trọng chuỗi cung ứng [điện tử] toàn cầu.
Theo ước tính của Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ (SIA), gián đoạn trong sản xuất chip logic từ các xưởng đúc Đài Loan có thể khiến các nhà sản xuất thiết bị điện tử phụ thuộc vào nguồn cung liên quan này bị mất gần 500 tỷ USD doanh thu. Rhodium Group, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại New York, ước tính xung đột ở Đài Loan sẽ khiến hoạt động kinh tế toàn cậu chịu rủi ro hơn 2000 tỷ USD.
Một giám đốc điều hành tại Tập đoàn Điện tử Compal – hãng lắp ráp chủ chốt của Dell, HP và Apple – cho biết: “Mọi người đánh giá chưa hết vị thế của Đài Loan trong chuỗi cung ứng, đó không chỉ là về chất bán dẫn. Chúng tôi có chuỗi cung ứng rất hoàn chỉnh, từ chip, linh kiện, bảng mạch in, vỏ máy, ống kính cho đến lắp ráp… bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ ra. Nếu có là một cuộc xung đột quân sự ở Đài Loan, toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu chắc chắn sẽ sụp đổ”.
Nói cách khác, ngay cả khi công ty sản xuất tấm wafer hàng đầu là TSMC thành lập một nhà máy ở Mỹ, vì thế mà Apple sẽ có chip “Made in USA”, nhưng hãng sẽ phải đối mặt với tình thế khốn khó là không có thiết bị để con chip có chỗ dụng võ.
Hậu quả tốn kém khi rời bỏ Đài Loan
TSMC và các đối tác Đài Loan kiểm soát 2/3 thị trường sản xuất chip đúc toàn cầu. Dẫn đầu toàn cầu về công nghệ chip tiên tiến, đầu ra từ các hãng tại Đài Loan trong chuỗi cung ứng điện tử là không thể thiếu đối với mọi thứ, từ điện thoại thông minh Trung Quốc cho đến máy bay chiến đấu phản lực của Mỹ.
Apple đã dành hơn một thập niên để xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ tiên tiến nhất thế giới, chấp nhận rủi ro an toàn [từ Đài Loan] để có được tính hiệu quả và chi phí thấp. Nhiều công ty toàn cầu khác đã làm theo, đặt Trung Quốc và Đài Loan làm trọng tâm trong chiến lược sản xuất của họ. Nhưng hiện giờ, các nhà cung cấp và khách hàng của họ đang suy nghĩ lại. Theo đó, một số công ty có kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc hoặc Đài Loan sang Ấn Độ, nhưng bài viết nhấn mạnh: “Cái giá của tách khỏi Trung Quốc không hề rẻ, nhưng cắt đứt quan hệ với Đài Loan còn tốn kém hơn”.
Từ khóa chuỗi cung ứng toàn cầu Trung Quốc xâm lược Đài Loan chiến tranh Đài Loan Đài Loan