Nội tình việc Đài Loan và Panama cắt đứt quan hệ ngoại giao
- Trí Đạt
- •
Bộ ngoại giao Đài Loan hôm 13/6 đã tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Panama, đồng thời rút đại sứ quán và nhân viên khỏi Panama cũng như dừng mọi hoạt động hợp tác và viện trợ song phương. Trong khi đó, Tổng thống Panama cũng tổ chức họp báo công bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc Đại Lục.
Theo Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan hôm 13/6 đưa tin, trong cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Đài Loan tổ chức, Bộ trưởng Ngoại giao Lý Đại Duy tuyên bố bắt đầu từ ngày 13/6 sẽ chấm dứt quan hệ ngoại giao với Panama. Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng vô cùng bất ngờ về việc Panama coi nhẹ việc Đài Loan giúp đỡ viện trợ nước này phát triển trong nhiều lĩnh vực trong thời gian dài vừa qua, vì lợi ích kinh tế mà kiên quyết chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Hiện nay số nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan giảm xuống còn 20 nước.
Từ năm 1949 tới nay luôn có tin đồn Panama cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Ngày 17/5/2017, Đại sứ Đài Loan trú tại Panama Tào Lập Kiệt bị Chính phủ Panama kéo dài thời gian bổ nhiệm, không cách nào giao quốc thư nhậm chức. Khi ông Tào Lập Kiệt đến nhậm chức, Panama vẫn bàn bạc kế hoạch hợp tác với Đài Loan, quan chức chính phủ nước này còn thể hiện mối bang giao không có gì thay đổi.
Nhưng khoảng 40 phút trước khi diễn ra cuộc họp báo của Panama, phía Panama mới thông báo cắt đứt quan hệ với Đài Loan, giới quan sát cho rằng nguyên nhân là do Trung Quốc Đại Lục không những có kế hoạch đầu tư 8 tỷ USD vào Panama, mà còn cho vay thêm 3 tỷ USD.
Trong khi đó theo dự tính cả năm của Bộ Ngoại giao Đài Loan thì Đài Loan chỉ đầu tư khoảng 8 tỷ USD vào Panama.
Trưởng Thư ký Phủ Tổng thống Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp tuyên bố trong buổi họp báo hôm 13/6, theo đó, ông chỉ trích chính quyền Bắc Kinh lợi dụng mọi cách để tiếp tục gây áp lực cho Đài Loan trên trường quốc tế cũng như làm rạn nứt mối quan hệ giữa 2 bờ eo biển, chuyển mối quan hệ hòa bình trở thành đối kháng.
Cũng trong chiều ngày 13/6, Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã có bài phát biểu: “Tôi đã yêu cầu cơ quan hành chính triển khai các công việc tiếp theo. Sau khi hai bên cắt đứt quan hệ, chính phủ phải đảm bảo chỉnh thể kinh tế đất nước sẽ không chịu ảnh hưởng; còn về quyền và lợi ích của thương nhân và Hoa kiều Đài Loan tại Panama, chính phủ sẽ hỗ trợ hết sức, không vì cắt đứt quan hệ mà bị ảnh hưởng. Những nhân viên Đài Loan trong Bộ ngoại giao tại Panama sẽ giữ vững lợi ích quốc gia tới phút cuối cùng.”
“Tôi muốn cảnh cáo chính quyền Bắc Kinh, vì để duy trì sự hòa bình và ổn định của hai bờ eo biển, Đài Loan đã hoàn thành hết trách nhiệm, nhưng cách làm này của Bắc Kinh đã động đến sự ổn định của hai bờ eo biển, người dân Đài Loan không thể chấp nhận, chúng tôi quyết không ngồi nhìn lợi ích quốc gia lần nữa chịu uy hiếp và thách thức.” “Sự thực về sự tồn tại của Trung Hoa Dân Quốc sẽ không thay đổi, giá trị và địa vị của Đài Loan trên trường quốc tế càng không thay đổi”.
Bà Thái Anh Văn đại diện cho 23 triệu người dân Đài Loan tuyên bố “Chúng ta sẽ không nhượng bộ dưới bất cứ sự uy hiếp nào!”
Đài VOA hôm 13/6 đưa tin, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Lý Đại Duy tuyên bố cảm thấy phẫn nộ và đáng tiếc về việc Panama đơn phương quyết định chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Ông Lý Đại Duy còn cho biết, Đài Loan sẽ không cạnh tranh ngoại giao bằng tiền bạc với Đại Lục.
Tối hôm 12/6 theo giờ Panama, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela tuyên bố trên truyền hình và trang Twitter cá nhân rằng sẽ thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh. Ông nói, Đài Loan là người bạn tốt, cảm ơn Đài Loan vì mối quan hệ hữu hảo trên phương diện ngoại giao.
Ông Juan Carlos Varela cũng nói, Trung Quốc Đại Lục là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, dân số chiếm 20% tổng dân số toàn cầu, đồng thời cũng giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế của Panama.
Hôm 13/6, đài BBC đưa tin, một tiếng sau khi ông Juan Carlos Varela tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, đài truyền hình nhà nước Panama phát đi bản tin nói Phó tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Panama, bà Isabel Saint Malo đã tới Bắc Kinh để ký kết thiết lập quan hệ. Bộ Ngoại giao Panama đã xác nhận với BBC và các hãng truyền thông khác rằng, chính quyền Bắc Kinh cam kết tiếp nhận khoảng 200 sinh viên Panama đang du học bằng học bổng của chính phủ Đài Loan, đồng thời sẽ cung cấp mức học bổng và đãi ngộ tương đương.
Theo Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan, những năm đầu thời vua Tuyên Thống triều Thanh, tức ngày 1/6/1910, Panama đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, sau khi Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) thành lập đã kế thừa mối quan hệ này, và kéo dài đến này đã được 107 năm.
Năm 1913, Trung Hoa Dân Quốc thiết lập Tổng lãnh sự quán tại Panama. Ngày 1/5/1954, quan hệ ngoại giao giữa Trung Hoa Dân Quốc và Panama được nâng lên cấp bậc Đại sứ. Năm 2003, Đài Loan và Panama ký kết “Hiệp định thương mại tự do”.
Trang WikiLeaks từng công bố một tài liệu ngoại giao của Mỹ cho thấy, năm 2009, Panama đã có ý định thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh nhưng không thành công.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Đài Loan ngoại giao Bộ Ngoại giao Panama