Ông Pompeo kêu gọi chính quyền địa phương Mỹ ngăn độc hại từ ĐCSTQ
- Trình Văn
- •
Ngày 23/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thủ phủ Madison của bang Wisconsin và có bài phát biểu trước giới lập pháp tiểu bang về cách đối phó với những thách thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Pompeo cho biết ảnh hưởng và sự can thiệp không thiện chí của ĐCSTQ đối với Mỹ đã chuyển sang cấp tiểu bang và địa phương, qua đó ông kêu gọi tất cả các nhà lập pháp cấp tiểu bang ở Mỹ cảnh giác và tăng cường trách nhiệm chống lại ĐCSTQ. Ông cũng chỉ ra rằng ý định “hợp tác” với các cấp địa phương tại Mỹ của ông Tập Cận Bình chỉ nhằm đảm bảo có lợi cho ĐCSTQ.
Về thông tin cho rằng đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ đến thăm nghị trường ở Wisconsin, ông Pompeo hài hước giải thích trong bài phát biểu: “Trước khi tôi đến đây, nhiều người đã nói đùa với tôi. Thật vậy, một số cơ quan truyền thông chính trị ở Washington đã đề cập rằng Ngoại trưởng đến Wisconsin để làm gì? Tôi biết, ở đây không phải vấn đề ‘một quốc gia’, tôi hiểu.”
Nhưng nhiều chuyện xảy ra ở Wisconsin và những hành động mà giới lập pháp Wisconsin đã làm cũng rất quan trọng đối với Ngoại trưởng và Chính phủ Mỹ, vì vậy mà ông Pompeo cho biết ông có trách nhiệm phải đến đây để thảo luận với mọi người. Sau đó ông Pompeo minh họa bằng sự kiện xảy ra vào tháng Hai năm nay.
Lãnh sự quán Trung Quốc can thiệp vào Wisconsin, thúc đẩy nghị trường Wisconsin khen ngợi thành tích chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán của ĐCSTQ
Vào tháng Hai năm nay, dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã lây lan từ Trung Quốc ra khắp thế giới, trong đó có Mỹ. Khi mọi người trên khắp nước Mỹ lo lắng về tác động của dịch bệnh đối với cuộc sống thì Chủ tịch Thượng viện Wisconsin là Roger Roth đã nhận được một email riêng từ một người là Ngô Đình (Wu Ting) tự xưng là Tổng lãnh sự của ĐCSTQ tại Chicago. Ngô Đình đã yêu cầu ông Roth thông qua một nghị quyết ca ngợi “thành tích chống dịch bệnh” của ĐCSTQ. Trong email viết: “Trung Quốc đã giúp toàn thế giới tranh thủ thời gian quý giá để chống lại dịch bệnh”, dự thảo nghị quyết cũng được đính kèm trong email.
Thượng nghị sĩ Roth nghĩ rằng đó là một trò đùa nên đã xóa email. Nhưng vài tuần sau, người có tên Ngô Đình lại gửi một email khác có đính kèm phiên bản sửa đổi của dự thảo nghị quyết trước đó.
Lúc này thì Thượng nghị sĩ Roth hiểu rằng email là đề nghị thực sự, vì vậy ông đã trả lời email bằng một từ: “dở hơi” (nuts). Sau đó ông đã đưa ra một nghị quyết lên án ĐCSTQ vì đã che giấu dịch bệnh và cố tình gây hiểu lầm cho thế giới.
Trong bài phát biểu hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Bà Ngô đã yêu cầu chúng tôi tẩy sạch tội trạng cho thủ phạm gây đại dịch toàn cầu này (ĐCSTQ).” “…Khi chúng tôi nghĩ đến hoạt động của ĐCSTQ thông qua Đại sứ quán của họ tại Mỹ, thấy rằng đây là một loạt vấn đề đáng lo ngại. Điều đang xảy ra ở Wisconsin cũng đang xảy ra trên khắp thế giới, trên khắp nước Mỹ, và đang xảy ra trong các nghị trường tiểu bang trên toàn nước Mỹ.”
Ông Tập Cận Bình đề xuất “hợp tác” với nhiều địa phương của Mỹ chỉ đảm bảo cho ĐCSTQ được hưởng lợi và “ở vị trí bất khả chiến bại”
Ông Pompeo cho biết, nhiều nước đã cố gắng gây ảnh hưởng đến chính trị và văn hóa của Mỹ, điều đó chẳng thể làm ảnh hưởng gì cả. Nhưng về cơ bản cách tiếp cận của ĐCSTQ thì khác. “ĐCSTQ có cách tiếp cận nguy hiểm hơn nhiều. Mục tiêu của ĐCSTQ và những người đại diện cho đảng này là khiến người Mỹ bị ảnh hưởng từ chủ nghĩa độc đoán của Bắc Kinh”, ông nói.
Ông Pompeo cũng đặc biệt chỉ ra khác biệt giữa ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc, người dân Trung Quốc cũng giống như người dân Mỹ, họ muốn có một cuộc sống tự do, hòa bình, thịnh vượng và muốn chăm sóc tốt cho gia đình của họ. Nhưng ĐCSTQ và giới quan chức của đảng đó thì khác người dân Trung Quốc. Sau đó ông lấy dẫn chứng từ một bài phát biểu của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Ngày 24/8, khi ông Tập Cận Bình chủ trì “Hội nghị tọa đàm chuyên gia lĩnh vực kinh tế xã hội” đã phát biểu: “Bất kỳ quốc gia, khu vực và doanh nghiệp nào sẵn sàng hợp tác với chúng tôi, bao gồm các bang, địa phương và doanh nghiệp ở Mỹ, đều phải tích cực thực hiện hợp tác để hình thành mô hình hợp tác cởi mở toàn diện, nhiều cấp độ và đa dạng.”
Ông Pompeo đã giải thích về phát biểu của ông Tập Cận Bình trong tư cách là Ngoại trưởng và là cựu Giám đốc CIA: “Ông Tập biết rằng Chính quyền liên bang của Mỹ đang không ngừng thúc đẩy ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của ĐCSTQ. Tại Mỹ và ngày càng nhiều nước trên thế giới, ĐCSTQ có thể lợi dụng các thực thể địa phương để tác động, các nhà lãnh đạo địa phương có thể là mắt xích yếu mà ĐCSTQ muốn tấn công vào.”; “Đối với ông ấy, khi ông ấy sử dụng các từ ‘hợp tác’ và ‘cởi mở’, hàm ý là ĐCSTQ muốn thực hiện các thỏa thuận có lợi cho họ”.
Ông Pompeo đề cập rằng mục đích rõ ràng của ông Tập Cận Bình là mở rộng phạm vi ảnh hưởng và làm cho ĐCSTQ “ở vị trí bất khả chiến bại”. Ông nhắc nhở các nhà lập pháp địa phương của Mỹ rằng ĐCSTQ tự cho họ là lực lượng tiên phong thực sự của tư tưởng chủ nghĩa Marx-Lenin, loại tư tưởng đó khiến các nước cộng sản phải chiến đấu chống lại các nước tư bản như Mỹ. Vì điều này mà cơ quan lập pháp của các bang cần đối thoại về ĐCSTQ và những thách thức của bộ máy toàn trị này. Chủ đề này ở cấp tiểu bang và liên bang đều quan trọng như nhau.
Lãnh sự quán ĐCSTQ tại San Francisco đã can thiệp vào nghị quyết ủng hộ Pháp Luân Công của nghị viện California
Ông Pompeo cho biết, phần lớn can thiệp của ĐCSTQ vào Mỹ ở cấp tiểu bang là để gây áp lực khiến chính quyền các bang không công nhận Đài Loan và không làm ăn với Đài Loan. Nhưng sự can thiệp của ĐCSTQ tại Mỹ ở cấp tiểu bang không dừng lại ở đó. Ông đưa ra một ví dụ khác về California.
Năm 2017, thượng nghị sĩ Joel Anderson của bang California đã đề xuất một dự luật bày tỏ ủng hộ người tập Pháp Luân Công ở Mỹ và Trung Quốc Đại Lục. Nhà lập pháp này cho biết rằng dưới thực trạng ĐCSTQ đàn áp tự do tôn giáo, những người tập Pháp Luân Công bị bức hại khủng khiếp như những người bị bức hại khác.
Ngay lập tức giới chức của ĐCSTQ tại Lãnh sự quán trú ở San Francisco đã gửi một bức thư đến nghị trường bang California bôi nhọ Pháp Luân Công, tuyên bố rằng dự luật này có thể “gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ hợp tác giữa California và Trung Quốc (ĐCSTQ), làm tổn thương nghiêm trọng tình cảm của người Hoa ở California và cộng đồng người Hoa nói chung.”
Ông Pompeo cho biết, không may là Thượng viện California không chịu nổi áp lực từ ĐCSTQ nên đã gác lại đề xuất này. Đây không phải trường hợp cá biệt, thực tế có thể hầu hết nghị trường các bang ở Mỹ đã nhận được thư gây áp lực của ĐCSTQ. Lãnh sự quán của ĐCSTQ trú tại New York cũng rất tích cực trong các hoạt động can thiệp chính trị kiểu như vậy.
ĐCSTQ và các hoạt động gián điệp ở cấp địa phương tại Mỹ: Gián điệp của ĐCSTQ trong Sở cảnh sát New York
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đề cập vấn đề, ĐCSTQ cũng đang thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng và gián điệp tại Mỹ ở các cấp độ thấp hơn. Ông ví dụ gần đây nhất, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện một cảnh sát ở Sở Cảnh sát New York vì nghi ngờ là đại diện cho ĐCSTQ. Đó là người đàn ông gốc Tây Tạng bị cáo buộc thường báo cáo với ĐCSTQ về các hoạt động của người Tây Tạng sống ở Mỹ. Thậm chí anh ta còn hỗ trợ giới chức ĐCSTQ liên lạc với các quan chức cấp cao của Sở Cảnh sát New York. Người đàn ông Tây Tạng kể công với quan chức lãnh sự quán ĐCSTQ rằng “Bắc Kinh nên vui mừng vì các vị đã nối dài cánh tay đến tận cơ quan cảnh sát (Mỹ)”.
Pompeo nói rằng tình trạng này có thể thấy ở tất cả các vùng của Mỹ, ở tất cả các thành phố kết nghĩa với Trung Quốc; họ thuộc “Hiệp hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc”, cái tên nghe thì rất hấp dẫn, nhưng đối với lợi ích của Mỹ thì hoàn toàn trái ngược. Ông cũng tiết lộ rằng Chính phủ Mỹ đang xem xét hai cơ quan Mặt trận Thống nhất do ĐCSTQ điều hành ở Mỹ: một là “Hiệp hội Hữu nghị Mỹ – Trung Quốc”; hai là “Ủy ban Thúc đẩy Hòa bình Thống nhất Trung Quốc”.
Chính phủ liên bang cần hợp tác ở cấp địa phương để cùng chống lại ĐCSTQ
Ngoại trưởng Mỹ cũng chia sẻ rằng, Chính phủ Liên bang Mỹ không thể giám sát tất cả các hành vi săn đuổi và ép buộc như vậy của ĐCSTQ. Hệ thống liên bang Mỹ khiến chính phủ liên bang không cần làm như vậy. Những trọng trách này cần được cấp tiểu bang gánh vác, vì vậy ông Pompeo kêu gọi tất cả các nhà lập pháp tiểu bang, bất kể thuộc đảng phái nào cũng đều cần nỗ lực duy trì cảnh giác, bắt đầu từ chính mình. Khi bị một nhà ngoại giao ĐCSTQ tiếp cận thì nên hiểu đó có thể không phải là tinh thần hợp tác hay hữu nghị gì cả.
Ông nhận định về mặt ngăn chặn ảnh hưởng độc hại của ĐCSTQ thì nghị trường các địa phương của Mỹ có thể làm được nhiều điều, chẳng hạn như:
– Thông qua làm luật để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan liên bang, giúp liên bang bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sàng lọc đầu tư và các hành động ngăn chặn bộ máy ĐCSTQ thâm nhập ảnh hưởng;
– Không quan tâm đối với những áp lực của ĐCSTQ, không ngừng khích lệ các thị trưởng và giới doanh nhân hợp tác rộng rãi hơn trên khắp thế giới;
– Xem xét cẩn thận các quỹ hưu trí của tiểu bang, không đầu tư vào các công ty giám sát của ĐCSTQ;
– Đảm bảo rằng các trường đại học công lập tại các bang sẽ không bị các tổ chức có liên hệ với ĐCSTQ như Viện Khổng Tử gây ảnh hưởng không hay, đảm bảo cho các sinh viên ủng hộ dân chủ từ Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Đài Loan đang học tại các trường đại học Mỹ sẽ không bị các phần tử thân Bắc Kinh đe dọa và quấy rối.
Ông Pompeo cho biết, trong nhiều năm giới chức ĐCSTQ đã dốc toàn lực nhằm can thiệp vào Mỹ ở cấp tiểu bang và địa phương, mức độ không ngừng gia tăng. Nhưng tin rằng ĐCSTQ không thể đạt được mục đích phá hoại xã hội Mỹ và áp chế tiếng nói của người Mỹ. “Chính quyền Tổng thống Trump không cho phép Bắc Kinh thống trị thế giới. Mọi chế độ độc tài áp đặt từ trên xuống mãi mãi không thể vượt lên được sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh của người dân Mỹ”, ông khẳng định.
Trình Văn
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công ĐCSTQ Quan hệ Mỹ - Trung Mike Pompeo Dòng sự kiện âm mưu của ĐCSTQ