Ông Putin đe dọa xảy ra “thảm họa toàn cầu” nếu NATO xung đột với Nga
- Ngân Hà
- •
Nếu các lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xung đột với Nga, điều này sẽ dẫn đến “thảm họa toàn cầu”, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm thứ Sáu.
Phát biểu của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra sau hơn 7 tháng kể từ khi ông ra lệnh thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” đối với Ukraine vào cuối tháng Hai. Trong những tháng trước cuộc xâm lược, mối quan hệ của Ukraine với NATO đã trở thành điểm gây tranh cãi giữa các nước láng giềng Đông Âu, với việc Nga nhấn mạnh yêu cầu Ukraine không phát triển quá gần với phương Tây hoặc gia nhập NATO.
Việc đe dọa cũng xuất hiện khi Ukraine trước đây đề xuất gia nhập NATO, nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đã từ chối khả năng này với lý do lo ngại về tham nhũng. Ukraine gia nhập tổ chức này có thể dẫn đến việc NATO can dự trực tiếp trong cuộc chiến Nga – Ukraine, mà các quan chức Nga cho rằng sẽ kết thúc trong “Thế chiến III”.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, ông Putin đã nhấn mạnh đến luận điệu chống NATO, mô tả bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào với NATO là một “bước đi nguy hiểm”.
“Trong mọi trường hợp, việc đưa quân vào tiếp xúc trực tiếp, xung đột trực tiếp, với quân đội Nga là một bước đi rất nguy hiểm, có thể dẫn đến một thảm họa toàn cầu. Tôi hy vọng rằng những người nói về nó có đủ ý thức để không thực hiện bước đi đó,” ông nói.
Đe dọa từ ông Putin xảy ra khi Ukraine hy vọng được tăng tốc trở thành thành viên NATO. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố kế hoạch yêu cầu NATO đẩy nhanh tiến độ xem xét đơn xin gia nhập của nước ông vào cuối tháng 9, sau khi Nga sáp nhập bất hợp pháp các lãnh thổ Ukraine.
Tuy nhiên, NATO cho đến vẫn chưa có khả năng chấp nhận tư cách thành viên của Ukraine. Việc Ukraine trở thành thành viên của NATO sẽ yêu cầu các thành viên khác trong liên minh trực tiếp chống lại Nga, về cơ bản có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh diện rộng.
Hiện tại, nhiều quốc gia NATO đang viện trợ quân sự cho Ukraine. Hoa Kỳ đã cung cấp Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), được cho là đã hỗ trợ hiệu quả Ukraine triển khai các chiến dịch phản công khiến nước này giành lại được nhiều vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng.
Việc trở thành thành viên NATO đòi hỏi sự chấp thuận nhất trí của tất cả 30 quốc gia thành viên, đây là một thách thức mà Ukraine phải vượt qua.
Alexander Venediktov, Phó thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, hôm thứ Năm cho biết việc Ukraine gia nhập NATO sẽ “có nghĩa là một sự leo thang dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ ba.”
“Bản chất tự sát của bước đi này [để kết nạp Ukraine vào NATO] được hiểu bởi chính các thành viên NATO,” ông nói.
Kể từ khi xung đột bắt đầu, NATO đã cam kết kết nạp thêm hai quốc gia thành viên mới là Thụy Điển và Phần Lan. Với việc Phần Lan trở thành thành viên, NATO có thể bố trí vũ khí hạt nhân gần biên giới của Nga, cách Điện Kremlin 600 dặm. Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, Phần Lan cũng sẽ củng cố khả năng phòng thủ của khối.
Hiện tị, NATO và cộng đồng quốc tế tiếp tục phải đối mặt với những lo ngại gia tăng rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Ông Putin đã đưa ra lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh tổn thất ngày càng gia tăng ở Ukraine.
Ngân Hà (theo Newsweek)
Từ khóa xung đột Nga - NATO nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân