Ông Tập Cận Bình sẽ thu được gì trong chuyến thăm Nga?
- Vương Hữu Quần
- •
Ngày 17/3, Bộ Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga từ ngày 20 – 22/3 theo lời mời của ông Tổng thống Nga Putin. Chuyến thăm của ông Tập vào lúc Nga đang khốn khó trong cuộc chiến xâm lược Ukraine đang khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý do tính chất đặc biệt nhạy cảm của quan hệ Trung – Nga vào thời khắc này.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập sau khi có được nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp với tư cách là lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, Chính phủ và quân đội, cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập sau một năm từ khi Nga phát động xâm lược Ukraine, và là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau thời điểm đóng băng quan hệ Mỹ – Trung do vấn đề khinh khí cầu Trung Quốc xâm phạm không phận Mỹ. Ông Tập sẽ thu hoạch được gì từ chuyến thăm nước ngoài này? ĐCSTQ cho biết chuyến đi của ông Tập sẽ là một “hành trình hữu nghị, hợp tác và hòa bình”. Nhưng tôi tin rằng chuyến thăm của ông Tập có thể phản tác dụng.
1. Vấn đề hòa giải cuộc chiến Nga-Ukraine khó có kết quả
Hòa giải trong cuộc chiến Nga-Ukraine có thể là một trong những mục đích quan trọng trong chuyến công du của ông Tập.
Làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine cần đáp ứng ít nhất 3 điều kiện: Thứ nhất, công bằng, tức là vô tư giữa hai bên xung đột; thứ hai, kế hoạch, tức là có kế hoạch thiết thực và cụ thể để thực hiện; thứ ba, bảo đảm, tức là có biện pháp bảo đảm cho thực hiện kế hoạch cụ thể này.
Nhưng nhìn từ tình hình trong năm qua kể từ khi Nga xâm lược Ukraine cho thấy ĐCSTQ không đáp ứng được 3 điều kiện này.
Trước hết, giữa Ukraine và Nga thì ĐCSTQ theo hướng thân Nga, vấn đề này đã rõ ràng trong cộng đồng quốc tế.
Đến nay ĐCSTQ đã không lên án hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine, cũng như việc nước này sáp nhập bất hợp pháp 4 vùng lãnh thổ phía đông của Ukraine.
Trước thềm Nga xâm lược Ukraine, ĐCSTQ đã tuyên bố sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga “không có giới hạn và không có vùng cấm”; Sau khi bắt đầu chiến tranh, khối lượng thương mại của Trung Quốc và Nga đã phá vỡ kỷ lục lịch sử; sau một năm cuộc chiến, Chủ nhiệm Vương Nghị của Văn phòng Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ cho biết “quan hệ Trung – Nga vững như Thái Sơn”.
Trong năm 2022, ông Tập và ông Putin có hai cuộc điện đàm (25/2, 15/6), một cuộc gặp qua video (30/12) và một cuộc gặp mặt trực tiếp (15/9), nhưng không có liên lạc nào với Tổng thống của Ukraine.
Thứ hai, ĐCSTQ đã không đưa ra một kế hoạch thiết thực và cụ thể. Ngày 24/2/2023, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ ban hành “Lập trường của Trung Quốc về Giải pháp Chính trị cho Khủng hoảng Ukraine”, trong thực tế có thể thấy kế hoạch này thiên vị Nga, vô thưởng vô phạt, không khả thi.
Vì ĐCSTQ thân Nga nên không thể đưa ra được một kế hoạch thiết thực và cụ thể, nói gì đến đảm bảo thực hiện cái gọi là “kế hoạch hòa bình”.
2. Quan hệ Trung-Mỹ có thể xấu đi hơn nữa
Ngày 17/3, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ là John Kirby đã có phản hồi về chuyến thăm của ông Tập tới Nga rằng Nhà Trắng phản đối thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện của ĐCSTQ, điều đó sẽ chỉ tạo cơ hội cho Nga có thời gian nghỉ ngơi giúp Nga củng cố thế trận ở Ukraine, xây dựng và nâng cấp quân đội Nga để sau đó chờ cơ hội phát động tấn công Ukraine.
Đối với cuộc gặp Putin của ông Tập, ông Kirby nói: “Dù Tổng thống (Biden) đã nói rõ rằng ông ấy muốn có cơ hội nói chuyện với Chủ tịch Tập, nhưng chúng tôi hiện chưa tích cực thực hiện các thỏa thuận liên quan”.
Điều phối viên Kirby cũng cho hay Nhà Trắng đã nói riêng và công khai với Trung Quốc rằng không cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Nga.
Từ cuộc trò chuyện của quan sát viên Nhà Trắng Kirby cho thấy Mỹ cực kỳ không tin tưởng vào ĐCSTQ và hoàn toàn nhận thức được “sự thiên vị của ĐCSTQ đối với Nga”, đồng thời rất chú ý đến việc liệu ĐCSTQ có hỗ trợ Nga hay không.
Trong kỳ họp “lưỡng hội” của ĐCSTQ, ngày 6/3 ông Tập phát biểu trước các ủy viên Chính hiệp: “Các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đã ngăn chặn và cô lập Trung Quốc một cách toàn diện, mang đến những thách thức gay gắt chưa từng có đối với sự phát triển của Trung Quốc”.
Ông Tập Cận Bình đổ lỗi cho Mỹ về sự xấu đi của quan hệ Trung-Mỹ. Lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào 10 năm trước, đây là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình công khai chỉ trích đích danh Mỹ.
Cũng vào dịp “lưỡng hội” của ĐCSTQ, ngày 7/3 Ngoại trưởng Tần Cương của ĐCSTQ cũng đích danh chỉ trích Mỹ rằng “cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc là canh bạc dựa trên lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước và thậm chí cả tương lai và vận mệnh nhân loại… Mỹ chịu trách nhiệm không thể né tránh đối với vấn đề Đài Loan… Nếu không xử lý tốt vấn đề Đài Loan thì quan hệ Trung – Mỹ sẽ bị lung lay”.
Trước chuyến thăm Nga của ông Tập, ĐCSTQ cũng rất căng thẳng với Mỹ và đưa ra những lời đe dọa gây hấn.
Trong bối cảnh Mỹ là cường quốc số một thế giới, ĐCSTQ đã hưởng lợi nhiều nhất từ nhân tài, công nghệ, thị trường, vốn và các dịch vụ tài chính của Mỹ kể từ khi Trung – Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979.
Từ thời Đặng Tiểu Bình đến Hồ Cẩm Đào, các nhà lãnh đạo kế tiếp nhau của ĐCSTQ đều rất coi trọng quan hệ Trung-Mỹ. Ông Tập từng nói trong nhiệm kỳ đầu: “Chúng ta có hàng ngàn lý do để làm cho quan hệ Trung-Mỹ trở nên tốt đẹp, không có một lý do nào có thể làm quan hệ Trung-Mỹ xấu đi”. Nhưng kể từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, chỉ trong 5 năm đó, quan hệ Trung-Mỹ đã xấu đi đến mức thấp nhất trong hơn 40 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Sau cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên Tập – Biden tại Bali (Indonesia) vào tháng 11 năm ngoái, từng có thời điểm hai bên muốn cải thiện quan hệ. Nhưng một sự cố nhỏ bất ngờ vào tháng 2 năm nay (khinh khí cầu của ĐCSTQ xâm phạm không phận Mỹ) đã làm gián đoạn đại sự cải thiện quan hệ Trung-Mỹ.
Tại sao một sự cố bất ngờ nhỏ lại có thể khiến quan hệ Trung-Mỹ trở nên xấu đi?
Tư tưởng là kim chỉ nam cho hành động. Trong 5 năm nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, ĐCSTQ đã hoàn toàn quay trở lại với các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin là “lật đổ” chủ nghĩa tư bản.
Ngày nay, ĐCSTQ xử lý quan hệ Trung-Mỹ không phải xuất phát từ thực tế mà là từ ý thức hệ, đã mất đi khả năng tự phản tỉnh và trở nên cứng nhắc và giáo điều, không thể thoát khỏi vòng xoáy phi lý tính.
Vào thời điểm này, chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình và việc quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi đã trở thành điều không thể tránh khỏi.
3. Tập Cận Bình có thể tự đưa bản thân ngày càng lún sâu vào vũng lầy
Cùng ngày ĐCSTQ thông báo ông Tập sẽ thăm Nga, ngày 17/3 Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague – Hà Lan đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin vì tình nghi phạm tội ác chiến tranh.
Trong một tuyên bố, tòa án cáo buộc Putin “chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh trục xuất bất hợp pháp người (trẻ em) và chuyển người (trẻ em) bất hợp pháp từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Liên bang Nga”.
Mặc dù lệnh bắt giữ này không có hiệu lực ràng buộc thực tế, nhưng cũng cho thấy thái độ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Putin.
Ban đầu Nga nghĩ rằng họ có thể thông qua một cuộc tấn công chớp nhoáng khiến chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn sẽ chiếm được Ukraine, nhưng cuộc chiến đã kéo dài hơn 1 năm mà Nga vẫn chưa thể đánh bại Ukraine, ngược lại sức mạnh quân sự của Nga đã bị suy yếu nghiêm trọng bởi “cuộc chiến tiêu hao”.
Một mặt, thế giới tự do do Mỹ đứng đầu không ngừng ủng hộ Ukraine chống cuộc xâm lược của Nga, mặt khác thế giới tự do do Mỹ đứng đầu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với cuộc chiến xâm lược của Nga, thêm vào là vấn đề tâm phản chiến trong các tầng lớp nhân dân Nga ngày càng lên cao khiến cuộc chiến càng kéo dài thì càng bất lợi cho ông Putin.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Putin thua trận, hoặc thua trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm tới?
Những ai có hiểu biết thông thường đều thấy rõ chuyến thăm Nga của ông Tập vào thời điểm khó khăn nhất khi ông Putin phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine là công khai ủng hộ Nga, giúp Nga.
Lý do vì một khi đại sự của ông Putin tại Ukraine không ổn thì khó tránh sự nghiệp chính trị của ông Tập cũng sẽ liên lụy và nguy hiểm.
Nhưng trong lịch sử thì Nga là nước chiếm của Trung Quốc nhiều lãnh thổ nhất.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine và chiếm đóng trái phép 4 bang miền đông Ukraine, việc ông Tập ủng hộ Nga như vậy sẽ khiến tâm trạng người dân Trung Quốc – những người trong lịch sử từng chịu nhiều đau khổ trước các cuộc xâm lược của Nga – như thế nào?
Theo lẽ thường, chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình vào thời điểm mà lẽ ra không nên đến chắc chắn sẽ khiến hình ảnh của Tập Cận Bình càng hiện ra xấu xí hơn.
4. Xu thế cộng đồng quốc tế cô lập ĐCSTQ ngày càng mạnh
Chiến tranh Nga-Ukraine là cuộc chiến mà Nga xâm lược Ukraine, đồng thời cũng là cuộc chiến mà thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo ủng hộ cuộc chiến chống xâm lược của Ukraine.
Thực tế cuộc chiến này đồng nghĩa Nga đã đối đầu 141 nước thành viên Liên Hiệp Quốc chống lại hành động xâm lược một đất nước có chủ quyền, đồng nghĩa Nga đối đầu với các tổ chức quốc tế như G7, Liên minh châu Âu, NATO ủng hộ Ukraine bảo vệ đất nước trước cảnh bị xâm lược.
Trong lịch sử, dưới thời cai trị của Nga hoàng và Đảng Cộng sản Liên Xô, Nga hoàng và Liên Xô đã gây những thảm họa to lớn, sâu sắc và không thể xóa nhòa đối với nhân dân Ukraine, Phần Lan, ba nước Baltic, Ba Lan và các nước Đông Âu khác.
Đây là lý do quan trọng khiến các nước Đông Âu lần lượt gia nhập EU và NATO sau sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở các nước Đông Âu vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, là lý do quan trọng khiến Ukraine muốn gia nhập EU và NATO, là lý do quan trọng khiến Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO.
Đối với Ukraine, cuộc chiến xâm lược của Nga lại chính là “cú hích mạnh mẽ”, chiều ngược lại đối với Nga là đã tự đẩy họ vào “thế lực đen vô đạo”.
Chuyến thăm của ông Tập đến Nga hơn một năm sau khi Nga xâm lược Ukraine thực sự đặt ĐCSTQ vào thế đối lập với 141 nước và các tổ chức quốc tế có liên quan nêu trên.
Trước đó không lâu, hồi năm 2020 ĐCSTQ đã để cho những người mang “virus Trung Cộng” (COVID-19) bay từ Vũ Hán đến các nơi trên thế giới, gây ra trận đại dịch lan khắp thế giới lây nhiễm cho hàng trăm triệu người và giết chết hàng triệu người, gây thảm họa lớn nhất được loài người kể từ khi kết thúc Thế chiến II.
Thế giới tự do do Mỹ đứng đầu phải hết sức cảnh giác, đề phòng và kiềm chế ĐCSTQ.
Chuyến thăm Nga của ông Tập vào thời điểm này chắc chắn sẽ đẩy mạnh quá trình “bao vây ĐCSTQ”.
Kết luận
Tổng thống thứ 16 của Mỹ, ông Lincoln từng nói: “Bạn có thể trong nhất thời lừa dối được tất cả mọi người, bạn có thể lừa dối vĩnh viễn được một bộ phận người, nhưng bạn không thể vĩnh viễn lừa dối được tất cả mọi người”.
Vào thời điểm khi ông Tập thăm Nga này, ĐCSTQ nhất định sẽ bịa ra đủ loại lý do chính đáng và dùng những luận điệu xuyên tạc để đánh lừa toàn thể nhân dân Trung Quốc và người dân thế giới. Nhưng ngày nay, sau cả thế kỷ ĐCSTQ lừa dối thế giới thì những lời dối trá của ĐCSTQ không còn hiệu quả nữa, mọi người có thể nhìn thấu nhà cầm quyền này chỉ bằng suy luận thông thường.
Chuyến thăm Nga của ông Tập vào thời điểm này chỉ có thể gây tác dụng ngược với kỳ vọng của ĐCSTQ!
Từ khóa quan hệ Nga - Trung Vladimir Putin Vương Hữu Quần Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine Tập Cận Bình thăm Moscow Tập Cận Bình