Ông Trump được gì sau khi cứu ZTE của Trung Quốc?
Hôm 7/6, công ty công nghệ Trung Quốc ZTE đã chấp nhận nộp phạt 1 tỷ USD cho Mỹ và tuân theo các yêu cầu nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay của Bộ Thương mại Mỹ để đổi lấy việc được tiếp tục được sử dụng công nghệ quan trọng của Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thông báo trong cuộc họp sáng sớm ngày hôm nay (giờ Mỹ), ZTE đồng ý nộp phạt 1 tỷ USD ngay lập tức và nộp ký quỹ 400 triệu USD. Hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc còn đặt bút ký chấp nhận hàng loạt các điều kiện ngặt nghèo của Mỹ như thay thế toàn bộ ban giám đốc và quản lý cấp cao trong vòng 30 ngày, cho phép Bộ Thương Mại Mỹ lập một nhóm làm việc để kiểm tra quá trình chuyển giao này.
Theo thỏa thuận dài 23 trang ký lúc 6 giờ sáng ngày 7/6, ZTE đồng ý trả lương cho nhóm làm việc của Mỹ. Nhóm này sẽ báo cáo cho Sở Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương Mại Mỹ và chủ tịch mới của ZTE trong vòng 10 năm. Một nhóm làm việc khác đã đang làm việc với ZTE trong khuôn khổ thỏa thuận lần trước.
“Hôm nay, Bộ Thương mại đã áp đặt trừng phạt lớn nhất từng được đặt ra và yêu cầu ZTE chấp nhận các biện pháp tuân thủ chưa có tiền lệ. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các hành vi của ZTE. Nếu họ tiếp tục vi phạm, chúng tôi sẽ lại có thể chấm dứt việc họ tiếp cận với công nghệ Mỹ, cũng như khoản tiền 400 triệu USD trong tài khoản ký gửi”, ông Boss nói trong bài phát biểu.
Trước đó, Mỹ cáo buộc ZTE vi phạm các chế tài của Mỹ đối với Bắc Hàn và Iran. Hồi tháng 3 năm ngoái, vụ căng thẳng này được giải quyết sau khi ZTE nộp phạt 892 triệu USD và đóng 300 triệu USD vào quỹ ký gửi.
Sau đó, Washington lại phát hiện ZTE gian lận trước, trong khi và sau thỏa thuận tháng 3/2017. Tập đoàn này bị cáo buộc đã trả tiền thưởng cho những nhân viên vi phạm chế tài của Mỹ, trong khi nói với người Mỹ rằng những người này đã bị họ kỷ luật. Mỹ phản ứng lại bằng cách cấm ZTE mua các linh kiện và phần mềm tối quan trọng trong hoạt động kinh doanh của họ, là sản xuất điện thoại di động và các thiết bị viễn thông, từ các nhà cung cấp của Mỹ như Qualcomm, Google và Corning.
Việc trừng phạt này đã khiến tập đoàn trị giá 17 tỷ USD này rơi vào khủng hoảng phá sản và đã phải viết thư cầu cứu ông Tập Cận Bình và Donald Trump. Tổng thống Mỹ sau đó đã ra lệnh cho Bộ thương mại Mỹ đàm phán một thỏa thuận “cứu ZTE”.
Cũng giống các chính sách khác, động thái “giúp Tập” của ông Trump lần này cũng bị chỉ trích từ Đảng Dân chủ. Ông Trump phản bác lại bằng cách chỉ ra rằng chính chính quyền Dân chủ của ông Obama đã “cho phép ZTE phát triển mà không có kiểm soát an ninh”.
“Thượng nghị sĩ Schumer và Chính quyền Obama đã cho phép công ty điện thoại ZTE phát đạt mà không kiểm soát an ninh. Tôi đã chấm dứt nó, rồi lại cho nó hoạt động với các đảm bảo an ninh cấp cao, sự thay đổi trong quản lý và ban giám đốc, và họ phải mua hàng Mỹ và trả 1,3 tỷ USD tiền phạt. Đảng Dân chủ không làm được gì cả …” ông Trump viết trên Twitter.
Tổng thống Trump cũng giải thích rằng quyết định với ZTE là một con bài mặc cả trên bàn đàm phán thương mại lớn hơn đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổng cộng khoản tiền phạt ZTE đã lên tới 2,29 tỷ USD cộng thêm 400 triệu USD mà Mỹ đang giữ trong tài khoản đảm bảo trong trường hợp công ty Trung Quốc này lại vi phạm thỏa thuận.
Thỏa thuận với ZTE được ký khi ông Trump đang thúc đẩy cuộc chiến để tái cân bằng thương mại với Trung Quốc. Tuần trước, Bộ trưởng Ross đã tới Bắc Kinh để tham gia vòng đàm phán cấp cao. Hồi tháng 3, Mỹ đã quyết định áp thuế lên 50 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, tuy nhiên danh sách chi tiết các mặt hàng vẫn chưa được hoàn thành.
Ông Trump muốn việc đàm phán sẽ giúp Mỹ giảm bớt thâm hụt mậu dịch khổng lồ với Trung Quốc, đồng thời chấm dứt kỷ nguyên ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển gia công nghệ của chế độ Bắc Kinh. Theo ông Ross, nước Mỹ cuối cùng cũng đã đánh trả.
“Các chính quyền trước đã vô cùng khờ dại trước Trung Quốc và các nước khác. Họ chưa bao giờ thực sự làm gì cả,” ông Ross nói với kênh CNBC.
Đức Trí
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Quan hệ Mỹ - Trung ZTE mỹ cấm sản phẩm ZTE