Ông Trump muốn đối thoại trực tiếp với ông Tập, Bắc Kinh lo mất ưu thế đàm phán
- Thiên Thanh
- •
Liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối sử dụng các kênh ngoại giao không chính thức để thu hẹp bất đồng giữa Nhà Trắng và Bắc Kinh. Trong khi đó, giới chức Trung Quốc lo ngại rằng nếu Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp đàm phán với ông Trump, ông Tập có thể mất ưu thế hoặc bị bẽ mặt.
Tổng thống Trump kiên quyết muốn đàm phán trực tiếp với ông Tập
Theo hãng tin Politico, do Tổng thống Trump vẫn nhất quyết muốn tiến hành hội đàm trực tiếp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, lập trường này được cho là đã cản trở các nỗ lực ngoại giao khác nhằm ngăn chặn cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh leo thang.
Hai cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và một đại diện trong ngành công nghiệp tiết lộ, Tổng thống Trump ủy quyền cho các quan chức Nhà Trắng thay mặt mình đàm phán với giới chức Trung Quốc về việc làm dịu căng thẳng song phương. Do tính chất nhạy cảm và đang diễn ra của vấn đề, các nguồn tin này yêu cầu được giấu tên.
Bên cạnh đó, hiện Thượng viện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn đại sứ mới tại Trung Quốc, và ông Trump cũng chưa bổ nhiệm bất kỳ ai phụ trách các cuộc đối thoại với Bắc Kinh. Nhà Trắng cũng không liên lạc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ để thảo luận về các vấn đề liên quan.
Do thiếu vắng các cuộc tiếp xúc thực chất giữa Washington và Bắc Kinh, các cuộc trao đổi có ý nghĩa giữa hai nước đã rơi vào thế bế tắc, làm suy giảm khả năng đạt được một giải pháp cho cuộc chiến thương mại trong ngắn hạn.
Ông Ryan Hass, cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Obama, nhận định: “Các kênh liên lạc bí mật không hoạt động, vì Tổng thống Trump không muốn chúng hoạt động.” Ông nói thêm: “Ông Trump muốn đàm phán trực tiếp với ông Tập, giống như cách ông từng làm với Tổng thống Nga Putin. Tôi nghĩ ông ấy không thực sự muốn người khác truyền đạt quan điểm của mình.”
Nhằm xoa dịu căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Tổng thống Trump nhiều lần bày tỏ mong muốn gặp mặt hoặc hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, dường như ông Tập đã từ chối các đề nghị này. Ngược lại, mới đây ông Tập Cận Bình tập trung kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á tăng cường hợp tác với Bắc Kinh và phản đối việc Mỹ áp thuế bổ sung. Tình trạng bế tắc rõ rệt này khiến Nhà Trắng vô cùng không hài lòng.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết: “Tổng thống Trump đã nói rõ rằng giờ đây bóng đang ở chân Trung Quốc.”
Tuy nhiên, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo không phải là con đường duy nhất để đạt được thỏa thuận thương mại. Những đặc phái viên không chính thức, được cả Washington và Bắc Kinh tin tưởng, có thể đóng vai trò tạo nền tảng cho một thỏa thuận. Với tư cách không chính thức, các đặc phái viên này sẽ có mức độ linh hoạt nhất định khi đàm phán với Bắc Kinh, điều này có thể thúc đẩy quá trình thương lượng khi các quan chức cấp cao hai bên gặp nhau. Bắc Kinh cũng không thiếu những ứng viên có thể đảm nhận vai trò này.
Bà Wendy Cutler, cựu đại diện đàm phán thương mại cấp cao của Mỹ, cho biết Mỹ và Trung Quốc có rất nhiều kênh liên lạc bí mật, bao gồm từ giới doanh nghiệp Mỹ và các cựu quan chức từng làm việc tại Washington hoặc Bắc Kinh.
Nhà Trắng cho biết các quan chức Chính phủ Mỹ vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với phía Trung Quốc, nhưng không tiết lộ liệu các kênh ngoại giao bí mật có phải là một phần trong chiến lược hiện tại hay không.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Brian Hughes cho biết: “Nói rằng Nhà Trắng đang ngăn chặn các cuộc thảo luận liên quan là không chính xác.” Ông nói thêm rằng Chính phủ Mỹ vẫn đang tiếp tục tiến hành nhiều hình thức tiếp xúc với các quan chức cấp cao của Bắc Kinh, và như Tổng thống Trump từng nói, Washington sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh.
Bắc Kinh có thể đang thận trọng trước lời đề nghị đàm phán trực tiếp từ ông Trump, bởi vì lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ mất ưu thế trong cuộc hội đàm, đặc biệt nếu ông Trump biến nó thành một sự kiện công khai và đầy bất ngờ.
Ông Ryan Hass nhận định, bộ máy quan liêu Trung Quốc tuyệt đối sẽ không cho phép nhà lãnh đạo của họ rơi vào tình huống bất ngờ hoặc bị bẽ mặt. Sau sự cố liên quan đến Tổng thống Ukraine Zelensky, Bắc Kinh càng cảnh giác hơn với nguy cơ Chủ tịch Tập bị mất thể diện hoặc tham gia vào một thỏa thuận bị phá vỡ ngay trên sân khấu quốc tế.
Bắc Kinh nghiêng về đối thoại gián tiếp
Hãng tin Bloomberg gần đây đưa tin, chính quyền Bắc Kinh hy vọng phía Mỹ sẽ có một “người liên lạc” để bắt đầu đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ. Vào ngày 16/4, Bắc Kinh đã bổ nhiệm cựu Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Lý Thành Cương làm Đại diện Thương mại Quốc tế mới kiêm Thứ trưởng Bộ Thương mại.
Việc bổ nhiệm này có thể cho thấy Bắc Kinh đang chờ ông Trump cử đặc phái viên của riêng mình. Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho biết: “Việc thiếu các kênh liên lạc chính thức đáng tin cậy là nguyên nhân chính khiến việc theo đuổi cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình của ông Trump chưa thực hiện được.”
Một nguồn tin tiết lộ, ông John Thornton, cựu Chủ tịch Goldman Sachs, hiện là Chủ tịch điều hành công ty khai khoáng Barrick Gold, đã tự nguyện liên lạc với phía Bắc Kinh.
Ông Thornton từng tiếp xúc với các quan chức cấp cao của chính quyền Bắc Kinh, bao gồm cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Tuy nhiên, nguồn tin này cho biết Nhà Trắng vẫn chưa thể hiện sự quan tâm nào. Ông Thornton từ chối bình luận về vấn đề này
Ông Stephen Orlins, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Quan hệ Mỹ – Trung, một tổ chức phi lợi nhuận thân Bắc Kinh, đồng thời là thành viên phái đoàn thương mại Mỹ từng gặp ông Tập Cận Bình hồi tháng trước, cho biết ông luôn sẵn sàng chờ lệnh nếu Nhà Trắng chủ động liên lạc. Ông nói: “Tôi rất sẵn lòng giúp đỡ.”
Thượng nghị sĩ Mỹ Steve Daines đã gặp Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường tại Bắc Kinh hồi tháng trước, nhưng hiện chưa rõ liệu cuộc gặp này có diễn ra theo yêu cầu của ông Trump hay không. Cuộc gặp này diễn ra trước khi ông Trump công bố loạt thuế quan quy mô lớn mang tên “Ngày Giải phóng” và tập trung vào vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng lạm dụng opioid (ma túy) tại Mỹ, thay vì mâu thuẫn thương mại. Ông Daines đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Vào tháng Hai năm nay, Nhà Trắng đã phớt lờ nỗ lực tiếp cận từ cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải. Ông Thôi là một trong những thành viên của phái đoàn không chính thức của Bắc Kinh đang tìm cách tiếp cận chính quyền Trump. Một người quen thuộc với các hoạt động ngoại giao của ông John Thornton cho biết: “Ông Thôi Thiên Khải đã cố tìm kiếm người đối thoại, nhưng cả ở New York lẫn Washington đều không có ai sẵn lòng tham gia.”
Ông Trump cũng đã hạn chế tiếng nói của các nghị sĩ muốn thảo luận về cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Hai nhân viên Quốc hội quen thuộc với các cuộc trò chuyện liên quan cho biết, nhiều chính trị gia có lập trường cứng rắn với Trung Quốc trên Đồi Capitol từng yêu cầu gặp ông Trump nhưng đều không thành công.
Bất kỳ cuộc đàm phán thành công nào cũng đòi hỏi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng đồng cấp phía Mỹ đang phát ngôn thay mặt chính phủ. Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nhận định: “Tôi vừa mới ở Bắc Kinh, người Trung Quốc rõ ràng muốn có kênh đối thoại chính thức chứ không phải kênh hậu trường”. “Họ nghi ngờ các cá nhân tự xưng là đại diện hay người diễn giải quan điểm của ông Trump, điều này là hoàn toàn dễ hiểu.”
Tuy nhiên, những tổn thất kinh tế do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung gây ra có thể chính là đốm lửa khiến hai bên quay lại bàn đàm phán.
Từ khóa chiến tranh thương mại Mỹ Trung Dòng sự kiện Recommend mối quan hệ Mỹ - Trung Thuế quan Mỹ Tập Cận Bình Donald Trump
