Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa hẹn sẽ “lấy lại” kênh đào Panama, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino hôm Thứ Hai tuyên bố rằng “kênh đào đang là và sẽ vẫn là của Panama” đồng thời bác bỏ cáo buộc rằng kênh đào nối liền hai đại dương này hiện nay đang bị Trung Quốc thao túng.

Panama
Quang cảnh khu vực kênh đào Panama, tàu container quá cảnh. (Ảnh: Shutterstock)

Kênh đào nổi tiếng và cũng là tuyến giao thông đường biển quan trọng này được Mỹ xây dựng và khai trương vào năm 1914. Ngày 31/12/1999, nó được trao cho Panama theo một hiệp ước được ký khoảng 2 thập kỷ trước đó giữa Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thời bấy giờ với Omar Torrijos, người cầm quyền trên thực tế của Panama vào thời điểm đó, người nắm quyền quốc gia nhờ tiến hành đảo chính và không nắm giữ cương vị tổng thống. Hiệp ước cũng nhất trí rằng Mỹ có quyền can thiệp quân sự để đảm bảo “tính trung lập” của kênh đào.

Tân Tổng thống Donald Trump cáo buộc rằng hiện nay kênh đào đang nằm trong ảnh hưởng của Trung Quốc, và cho rằng quyết định năm đó của Jimmy Carter là một sai lầm.

“Tôi phải bác bỏ hoàn toàn lời nói của Tổng thống Donald Trump,” Tổng thống Panama Jose Raul Mulino nói trong một tuyên bố. “Kênh đào đang là và sẽ vẫn là Panama.”

Ông cũng bác bỏ cáo buộc rằng Trung Quốc đang thao túng kênh đào này. “Không có sự hiện diện của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới can thiệp vào,” ông tuyên bố.

Cũng theo AFP, một nhóm vài chục người biểu tình đã xuất hiện trước cửa Đại sứ quán Mỹ tại thành phố Panama. Họ đốt cờ Mỹ và trương biểu ngữ “Kênh đào Panama không phải đồ để bán.”

“Những gì trên đất Panama là của người Panama. Kênh đào là của người Panama, chủ quyền là của người Panama, và [người Mỹ] họ không có gì ở đây cả,” người đứng đầu đoàn biểu tình, ông Saul Mendez, nói.

Nhật Tân