Panama, Trung Quốc ký nhiều thỏa thuận hợp tác nhân chuyến thăm của ông Tập
- Xuân Thành
- •
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị G-20 tại Argentina, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Panama, đối tác họ vừa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm ngoái. Hôm 3/12, hai nước đã ký tới 19 thỏa thuận hợp tác về thương mại, cơ sở hạ tầng, ngân hàng, du lịch và một số lĩnh vực khác.
Tổng thống Panama Juan Carlos Varela và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp báo chung tại Panama City hôm 3/12.
Reuters cho hay ông Tập tới Panama vào đêm Chủ Nhật 2/12 (giờ địa phương) trong chuyến thăm 24 giờ. Đây là động thái mới nhất của chế độ Bắc Kinh trong việc gia tăng ảnh hưởng tại Mỹ Latinh vốn là những đối tác truyền thống của Mỹ.
Sau cuộc gặp cá nhân, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đã ký tới 19 thỏa thuận hợp tác, trong đó bao gồm việc Trung Quốc sẽ cung cấp viện trợ không hoàn lại cho Panama để nước này thực hiện nhiều dự án. Số tiền viện trợ này không được các bên tiết lộ.
Theo Reuters, trong các thỏa thuận hợp tác có một hiệp định về dẫn độ tội phạm, hàng loạt các bản ghi nhớ về thương mại, du lịch và các vấn đề liên quan tới giáo dục.
Tổng thống Verela đã gửi lời cảm ơn lãnh đạo Trung Quốc đã tới thăm Panama và ông cũng nhắc lại lời của ông Tập nói hồi tháng Mười Một tại hội chợ nhập khẩu Trung Quốc rằng nền kinh tế Trung Quốc là một đại dương.
“Tôi muốn bổ sung thêm những lời này rằng Panama kết nối hai đại dương, và chuyến thăm của ông đã củng cố đất nước của chúng tôi là cánh tay và cửa ngõ thương mại của Trung Quốc tới Mỹ Latinh”, ông Verala nói trong một bài phát biểu được phát trên truyền hình.
Vào tháng Sáu năm ngoái, Panama đã cắt đứt quan hệ ngoại giao lâu năm với Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc Đại Lục.
Bỏ Đài Loan để ngả theo Trung Quốc đang là xu hướng chung của các nước nhỏ. Trong năm 2018 này, Cộng hòa Dominica và El Salvador cũng đã nối gót Panama. Ngoại giới dự báo các nước khác trong khu vực Mỹ Latinh và Caribê có thể cũng sớm đi theo sau khuynh hướng này.
Đài Loan hiện tại chỉ còn quan hệ ngoại giao chính thức với 17 nước, trong đó có nhiều nước nhỏ tại Trung Mỹ, Caribê và Thái Bình Dương.
Việc các nước Mỹ Latinh quay sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc làm dấy lên những quan ngại tại Mỹ. Vào tháng Tám, Washington đã nói rằng Bắc Kinh đang đưa ra các ưu đãi kinh tế để dụ dỗ các nước trong khu vực này.
Hồi đầu tháng Chín, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho triệu hồi các quan chức ngoại giao hàng đầu của họ tại Cộng hòa Dominica, El Salvador và Panama để phản đối ba quốc gia này chắm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Trong tuyên bố hôm 7/9, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ đã triệu hồi về nước Đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Dominica Robin Bernstein, Đại sứ Mỹ tại El Salvador Jean Manes và quyền Đại sứ Mỹ tại Panama Roxanne Cabral để “tham vấn liên quan tới những quyết định gần đây về việc không công nhận Đài Loan”, theo Reuters.
Mới đây, Tổng thống Trump cũng đã đe dọa sẽ cắt viện trợ cho Mỹ Latinh nếu các nước El Salvador, Honduras và Guatemala không ngăn chặn được làn sóng di cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ tới Mỹ.
Về riêng quan hệ Panama với Mỹ, lãnh đạo nước này vẫn lên tiếng phủ nhận những quan ngại của Washington về việc chính quyền của ông Valera đang ngày càng ngả về Trung Quốc, thậm chí đang đàm phán ký hiệp định thương mại tự do Panama – Trung Quốc. Panama khẳng định rằng mối quan hệ của họ với Mỹ là vững chắc.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa quan hệ Trung Quốc - Panama Tập Cận Bình Panama