Parler bị Amazon, Apple và Google đồng loạt loại bỏ
- Xuân Lan
- •
Parler, nền tảng truyền thông xã hội thay thế Twitter đang bị ba gã khổng lồ công nghệ Amazon, Apple và Google xóa khỏi nền tảng của họ.
Amazon sẽ loại bỏ Parler khỏi dịch vụ lưu trữ đám mây của mình, Amazon Web Services (AWS) vào tối Chủ nhật (10/1 giờ Mỹ) sau khi nhiều nhân viên Amazon và những người phe cánh tả gây áp lực.
Quyết định sẽ có hiệu lực vào Chủ nhật lúc 11:59 tối, sẽ ngắt hoạt động trang web của Parler cho đến khi họ tìm được nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ web mới.
Parler là mạng xã hội thay thế đang trở nên rất phổ biến với những người bảo thủ và những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Trong thư gửi đến Giám đốc chính sách của Parler Amy Peikoff hôm thứ Bảy, Amazon Web Services (AWS) cho biết trong những tuần gần đây, họ đã báo cáo 98 ví dụ cho Parler về “các bài đăng rõ ràng đang khuyến khích và kích động bạo lực.” Bức thư bao gồm ảnh chụp màn hình của một số ví dụ.
AWS viết: “Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng một cách đều đặn các nội dung bạo lực này trên trang web của quý vj, tất cả đều vi phạm các điều khoản của chúng tôi”. “Rõ ràng là Parler không có quy trình hiệu quả để tuân thủ các điều khoản dịch vụ của AWS.”
Bức thư viết tiếp: “AWS cung cấp công nghệ và dịch vụ cho khách hàng bao trùm nhiều phạm trù chính trị và chúng tôi tiếp tục tôn trọng quyền của Parler trong việc tự xác định nội dung mà họ sẽ cho phép trên trang web của mình. Tuy nhiên, chúng tôi không thể cung cấp dịch vụ cho một khách hàng không có khả năng xác định và xóa một cách hiệu quả nội dung khuyến khích hoặc xúi giục bạo lực chống lại người khác. Vì Parler không thể tuân thủ các điều khoản dịch vụ của chúng tôi và gây ra rủi ro rất lớn đối với an ninh công cộng, chúng tôi dự định sẽ đình chỉ tài khoản của Parler.”
CEO Parler John Matze cho hay sau khi Amazon loại bỏ trang web của công ty khỏi dịch vụ lưu trữ web, Parler sẽ có thể ngoại tuyến (offline) trong thời gian vài tuần để “xây dựng lại từ đầu.”
“Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chuyển sang một nhà cung cấp mới ngay bây giờ vì có nhiều đối thủ cạnh tranh cho phép chúng tôi tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình,” ông Matze nói.
Ông Matze cũng cáo buộc Amazon đang cố gắng “loại bỏ hoàn toàn quyền tự do ngôn luận khỏi internet.”
Quyết định của Amazon được đưa ra ngay sau khi Apple tuyên bố loại bỏ Parler khỏi cửa hàng ứng dụng (App Store) của mình.
“Không có chỗ trên nền tảng của chúng tôi cho các mối đe dọa bạo lực và hoạt động bất hợp pháp”, nhà sản xuất iPhone nói.
Apple đã thông báo cho Parler về quyết định của mình, nói rằng họ đã vi phạm các điều khoản của cửa hàng ứng dụng của công ty.
“Các quy trình mà Parler đưa ra để kiểm duyệt hoặc ngăn chặn sự lan truyền của nội dung nguy hiểm và bất hợp pháp đã được chứng minh là không đủ”, Apple nói với Parler. “Cụ thể, chúng tôi đã tiếp tục phát hiện thấy các mối đe dọa trực tiếp về bạo lực và lời kêu gọi kích động những hành động vi phạm pháp luật khác theo Nguyên tắc 1.1 – An toàn – Nội dung có thể bị phản đối.”
Thông báo của Apple cho biết phản ứng của Parler đối với cảnh báo trước đó là không đủ, bao gồm cả việc Parler nói rằng họ đã thực hiện xóa bỏ những nội dung bạo lực trên nền tảng của mình một cách “rất nghiêm túc trong nhiều tuần” và rằng họ đã có kế hoạch điều tiết “trong thời điểm hiện tại”, theo Apple.
“Parler đã không thực hiện các biện pháp thích hợp để giải quyết sự gia tăng của các mối đe dọa đối với sự an toàn của người dân. Chúng tôi đã tạm ngưng Parler khỏi App Store cho đến khi họ giải quyết được những vấn đề này.”
Quyết định của Apple theo sau động thái tương tự của Google hôm 8/1 nhằm loại bỏ Parler khỏi Cửa hàng Google Play.
Phản ứng trước điều này, Giám đốc điều hành của Parler John Matze đã viết trong một thông báo trên nền tảng của mình rằng Apple “sẽ cấm Parler cho đến khi chúng tôi phải từ bỏ quyền tự do ngôn luận, đưa ra các chính sách xâm phạm rộng rãi như Twitter và Facebook và rồi chúng tôi phải trở thành một nền tảng giám sát bằng cách truy quét tội lỗi của những người sử dụng Parler.”
“Họ cho rằng đó là do bạo lực trên nền tảng”, ông Matze viết về Apple, công ty mà ông cũng cáo buộc là “độc quyền phần mềm”. Ông Matze cho biết sẽ chia sẻ “chi tiết hơn về các kế hoạch tiếp theo của chúng tôi sắp tới bởi chúng tôi có nhiều lựa chọn khác.”
Twitter may ban me for this but I willingly accept that fate: Your decision to permanently ban President Trump is a serious mistake.
The Ayatollah can tweet, but Trump can’t. Says a lot about the people who run Twitter.
— Lindsey Graham (@LindseyGrahamSC) January 9, 2021
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, TNS Lindsey Graham đã tweet trước động thái của hàng loạt công ty công nghệ, bao gồm Twitter, trong một nỗ lực phối hợp để bịt miệng Tổng thống Trump bằng mọi giá:
“Twitter có thể cấm tôi vì nói điều này nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận việc đó: Quyết định cấm vĩnh viễn Tổng thống Trump của các ông là một sai lầm nghiêm trọng.
Ayatollah [thủ lĩnh tối cao Iran] có thể tweet, nhưng TT Trump thì không. Điều này nói lên rất nhiều về những người điều hành Twitter.
Big Tech là những công ty duy nhất ở Mỹ hầu như có quyền miễn trừ tuyệt đối với việc bị kiện vì những hành động của họ chỉ vì Quốc hội đã cấp cho họ sự bảo vệ đó. Giờ đã đến lúc Quốc hội bãi bỏ Điều 230 và đưa Big Tech vào vị trí như mọi công ty khác ở Mỹ: Phải chịu trách nhiệm pháp lý.”
Xuân Lan
Xem thêm:
Từ khóa Kiểm duyệt thông tin Dòng sự kiện Parler tự do ngôn luận tại Mỹ Amazon loại bỏ Parler