Phân tích của truyền thông quốc tế về việc Trump “phóng sinh” ZTE
- Huệ Anh
- •
Ngày 15/5, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến thăm Mỹ trong vai trò là đặc phái viên của ông Tập Cận Bình để làm nhiệm vụ đàm phán thương mại song phương. Trước đó, Tổng thống Mỹ Trump cũng nhiều lần chia sẻ trên Twitter cho biết muốn “phóng sinh” cho ZTE, đồng thời cho biết những vấn đề về ZTE phản ánh mối quan hệ cá nhân của Trump với Tập Cận Bình. Động thái của Trump đã gợi nhiều suy đoán về mục đích thực sự của ông.
Trump nhiều lần cho biết muốn “bỏ qua” cho ZTE?
Ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Trump đã viết trên Twitter rằng, “Chủ tịch Tập của Trung Quốc và tôi sẽ hợp tác làm việc để làm cho tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc ZTE hồi phục lại hoạt động bình thường. Có quá nhiều người Trung Quốc bị mất việc làm vì vấn đề này. Tôi đã chỉ thị cho Bộ Thương mại giải quyết chu đáo!”
Sau đó năm tiếng đồng hồ, Trump lại chia sẻ trên Twitter rằng, “Dù Mỹ – Trung hợp tác trong lĩnh vực thương mại rất tốt, nhưng trong nhiều năm qua các cuộc đàm phán đều nghiêng về phía Trung Quốc rất nhiều, dẫn đến hiện nay muốn Trung Quốc tham gia một thỏa thuận hai bên cùng có lợi là rất khó khăn.”
Ngày 14, Trump lại chia sẻ một Twitter liên quan thứ ba cho biết: “ZTE là nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc, mua sắm tỷ lệ lớn linh kiện từ các công ty Mỹ, điều này phản ánh đàm phán Hiệp định thương mại Mỹ-Trung có liên quan, và liên quan đến quan hệ cá nhân của tôi với ông Tập”.
Trump đã đăng tải Twitter tuyên bố rằng vấn đề ZTE phản ánh mối quan hệ cá nhân của Trump với Tập Cận Bình (Ảnh: Getty Images)
Vào buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã tuyên bố tại một sự kiện rằng, Mỹ sẽ xem xét liệu có những cách khác để xử lý việc ZTE vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ hay không.
Một số phân tích của giới truyền thông
Tuyên bố bất ngờ của Trump về vụ việc ZTE đã gây ra nhiều suy đoán. Cơ quan truyền thông Mỹ Politico dẫn lời các nguồn tin cho biết, lập trường của Trump đối với ZTE có thể mềm mỏng hơn, bởi vì ông tin rằng ông Tập Cận Bình là một nhân vật quan trọng trong vấn đề Bắc Triều Tiên, và hy vọng ông Tập Cận Bình ủng hộ Trump trong Hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Thời báo New York cũng cho rằng Trump đã giảm bớt áp lực lên quan hệ Mỹ-Trung vào thời điểm quan trọng này. Theo nhận định, ngày gặp của Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã định, sẽ dựa vào Trung Quốc, và Trung Quốc đang đóng vai trò trung gian trong cuộc đối thoại với Kim Jong-un.
SCMP Hồng Kông dẫn lời ông Thời Ân Hoằng (Shi Yanhong), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nước Mỹ của Đại học Nhân dân Trung Quốc kiêm cố vấn Chính phủ Trung Quốc cho rằng, Trump có thể đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.
Cuộc gặp giữa Trump và Kim Jong-un đã được xác định thời gian (Ảnh: Getty Images)
Theo một phân tích khác, động thái mềm mỏng hơn của Trump đối với ZTE có thể sẽ là cú hích để Trung Quốc nhượng bộ trong nhiều vấn đề thương mại Trung-Mỹ.
Tờ DW (Deutsche Welle) của Đức dẫn lời ông Eswar Prasad, Giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell Mỹ cho biết, “quyết định đảo ngược này có thể tạm thời xoa dịu tranh chấp thương mại Mỹ – Trung, khiến Trung Quốc có thể đưa ra những nhượng bộ nhờ giữ được thể diện”. Eswar Prasad cho rằng động thái của Trump có thể giúp giành được những tiến bộ thực chất trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung.
Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản cho rằng, gần đây các quan chức chính phủ Trung Quốc đã đến thăm Mỹ để thảo luận về vấn đề thương mại, động thái giải tỏa cấm vận của Trump đối với ZTE sẽ là cú hích để phía Trung Quốc phải nhượng bộ.
Hãng tin Reuters của Anh dẫn hai nguồn tin tiết lộ rằng Trung Quốc đã sẵn sàng nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của Mỹ để đổi lấy việc Mỹ giảm bớt biện pháp trừng phạt ZTE, nhưng các nguồn tin không cung cấp chi tiết cụ thể.
Nếu ZTE “thiệt mạng” sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người, bao gồm cả chuỗi sản xuất công nghiệp và các kênh phân phối (Ảnh: Getty Images).
Bộ Thương mại Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh cấm
Theo Reuters, việc Trump liên tục ba lần chia sẻ trên Twitter bày tỏ quan điểm về ZTE khiến các nhân viên ZTE thấy ngạc nhiên và lạc quan trước những chuyển biến mới, nhưng cũng có những lo lắng về vấn đề không biết khi nào lệnh cấm mới được dỡ bỏ và phải trả bao nhiêu tiền phạt. Một nhân viên của ZTE giấu tên cho biết, nếu công ty phải trả một khoản tiền phạt lớn thì họ sẽ có thể phải cắt giảm bớt nhân sự.
Vào ngày 16/4 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ đã ra lệnh cấm bán hàng cho ZTE trong 7 năm, tới tận năm 2025. Vào ngày 9/5, ZTE đã thông báo cho biết vì chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm của Mỹ, công ty đã phải ngừng hoạt động kinh doanh chính.
Hãng tin BBC Anh chỉ ra, lệnh cấm bảy năm này đã làm ngừng “hoạt động kinh doanh chính” của ZTE, liên quan đến việc làm của gần 80.000 nhân viên. Tạp chí Tài chính (magazine.caijing.com.cn) của Trung Quốc dự đoán, nếu ZTE “thiệt mạng” sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người, bao gồm cả chuỗi sản xuất công nghiệp và các kênh tiêu thụ.
Ngày 14/5, Bloomberg Mỹ đưa tin, trong một báo cáo của ngân hàng đầu tư Jefferies & Company đã dự đoán, có thể trong khoảng hai tuần tới Bộ Thương mại Mỹ sẽ có tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với ZTE, nhưng ZTE cũng có khả năng phải chịu nhiều hình phạt và bị giám sát nghiêm ngặt hơn.
Báo cáo cho rằng, nếu ZTE có thể phục hồi hoạt động trong 3 đến 4 tuần tới thì những tổn thất của công ty có thể được lấy lại trong vòng một tháng rưỡi doanh thu, và khách hàng sẽ không chuyển sang các nhà cung cấp khác. Nhưng báo cáo cũng lưu ý, ngay cả khi Bộ Thương mại Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm thì những hậu quả của lệnh cấm ZTE vẫn khá nghiêm trọng, ZTE sẽ phải đối mặt với những khó khăn để có được nhiều khách hàng mới trong tương lai.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa ZTE tranh chấp thương mại Quốc tế Quan hệ Mỹ - Trung trump