Pháp và Anh tuyên bố sẽ tuần tra biển Đông thách thức Trung Quốc
- Thanh Long
- •
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Singapore hôm Chủ Nhật (3/6), Bộ trưởng Quốc phòng của Pháp và Anh tuyên bố họ sẽ sớm điều tàu chiến di chuyển tới biển Đông, thách thức việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự trong vùng biển chiến lược này.
Tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông) cho hay phát biểu tại diễn đàn an ninh khu vực thường niên hôm 3/6, cả hai đại diện của Pháp và Anh đã hưởng ứng kế hoạch của Mỹ trong việc tăng cường các hoạt động tự do hàng hải nhằm đối phó Trung Quốc quân sự hóa biển Đông và phản bác việc Bắc Kinh cho rằng tranh chấp lãnh hải chỉ nên là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Châu Á.
Phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói rằng một nhóm công tác hàng hải của Pháp, cùng với các máy bay trực thăng và tàu chiến của Anh sẽ thăm Singapore vào tuần tới và sau đó di chuyển tới “các khu vực nhất định” trên biển Đông.
Không nêu đích danh Trung Quốc, bà Florence Parly cho rằng các tàu chiến của Pháp và Anh sẽ đi qua “hải phận” do Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và mường tượng trước về một cuộc chạm trán với quân đội Trung Quốc.
“Vào một thời điểm nào đó trên bộ đàm vô tuyến sẽ có tiếng nói nghiêm khắc chèn vào và yêu cầu chúng tôi di chuyển khỏi ‘hải phận’ giả định. Nhưng chỉ huy của chúng tôi sau đó bình tĩnh đáp trả rằng ông sẽ vẫn tiến lên phía trước vì khu vực này, theo luật pháp quốc tế, thực sự là vùng biển quốc tế”, bà Florence Parly giả định trước tình huống sẽ gặp mặt quân đội Trung Quốc trên biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nói rằng mặc dù Pháp không phải là một bên trong tranh chấp biển Đông, nhưng bằng việc thực hiện các màn thao diễn trên biển như vậy “trên cơ sở thường xuyên cùng với đồng minh và các nước bạn”, nó sẽ góp phần vào một trật tự dựa trên luật lệ.
“Bằng cách thực hiện quyền tự do hàng hải của chúng tôi, chúng tôi cũng đặt mình vào vị trí một bên phản đối dai dẳng trước việc tạo ra bất kỳ tuyên bố chủ quyền thực tế nào trên các đảo biển Đông”, bà Florence Parly nhấn mạnh. Thay vì chấp nhận tình huống này như sự đã rồi, bà Parly nói Pháp nên đặt dấu hỏi về nó, nếu không nó sẽ được thiết lập thành một quyền đương nhiên.
“Tôi tin chúng tôi nên mở rộng nỗ lực này thêm nữa”, bà Parly nhấn mạnh và nói thêm rằng Châu Âu đang huy động nhiều sự ủng hộ rộng rãi hơn đối với nỗ lực này và phía Đức cũng đã nhận lời cử quan sát viên có mặt trên các tàu tuần tra biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cũng phát biểu tại diễn đàn an ninh Shangri-La rằng họ sẽ điều ba tàu chiến tới khu vực biển Đông trong năm nay để đối phó với ảnh hưởng gây hại và duy trì lâu dài trật tự dựa trên luật lệ.
“Chúng tôi phải làm rõ rằng các quốc gia cần hành xử theo luật, và sẽ gặp hậu quả nếu không làm như vậy”, ông Williamson nói.
Trước đó, vào thứ Bảy (2/6), cũng tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo rằng quá trình quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc sẽ đối mặt với “nhiều hậu quả lớn hơn”. Tuy nhiên, Tướng Mattis không nêu cụ thể các hậu quả mà Bắc Kinh gặp phải là gì.
Phản ứng trước phát biểu về kế hoạch tuần tra biển Đông của Anh và Pháp, đại diện của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La cho biết biển Đông là vùng biển tự do và cởi mở cho tất cả các bên đi qua và sẽ không có giới hạn nào về hoạt động tự do hàng hải thông thường.
“Tuy nhiên sẽ không được phép vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”, Trung Tướng Lưu Lôi (He Lei), phó Chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự, Trưởng phái đoàn Trung Quốc dự diễn đàn an ninh khu vực năm nay nhấn mạnh.
Đại tá Chu Bột (Zhou Bo), giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh trực thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, thành viên phái đoàn Bắc Kinh dự Shangri-La nói rằng vấn đề là liệu Pháp và Anh có ý định đi vào trong vùng biển thuộc 12 hải lý quanh các đảo và rạn san hô Trung Quốc đang kiểm soát trên biển Đông hay không.
“Các cơ sở của Trung Quốc không nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế thông thường, vì vậy nếu họ cố ý đi vào vùng biển nằm trong 12 hải lý, thì Trung Quốc xem đó là hành động khiêu khích quốc tế”, ông Chu Bột nói.
Tuần trước, hai tàu chiến của Mỹ đã đi vào và thao diễn quân sự trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc kiểm soát trên Quần đảo Hoàng Sa.
Theo Reuters, Trung Quốc đã điều các tàu chiến của họ áp sát tàu Mỹ và yêu cầu rời đi. Phía Trung Quốc cho rằng Mỹ đã đi vào vùng biển của họ mà không xin phép.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Chris Logan tuyên bố: “Lực lượng Mỹ hoạt động tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trên cơ sở hàng ngày, trong đó bao gồm cả biển Đông. Tất cả các hoạt động được thực hiện đều tuân thủ luật pháp quốc tế và bày tỏ rằng Mỹ sẽ bay, đi thuyền và hoạt động ở bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép”.
“Chúng tôi thực hiện Hoạt động Tự do Hàng hải theo thông lệ và thường xuyên như chúng tôi đã làm trong quá khứ và sẽ tiếp tục tiến hành trong tương lai”, ông Chris Logan khẳng định.
Phát biểu tại Shangri-La hôm thứ Bảy (3/6), Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nhấn mạnh: “Chắc chắn rằng: Mỹ là ở đây tại Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đây là khu vực ưu tiên của chúng tôi”.
Thanh Long (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa biển Đông Anh Quốc tranh chấp biển Đông Pháp Shangri-La