Phát hiện đài phát thanh ở Washington làm công cụ tuyên truyền cho ĐCSTQ
- Trình Văn
- •
Theo tài liệu mới nhất được Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ, trong 2 năm qua Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ủng hộ 4,4 triệu USD cho một đài phát thanh ở Washington. Đây là một ví dụ khác về việc ĐCSTQ thâm nhập và gây ảnh hưởng tại Mỹ.
Theo trang web tin tức chính trị Mỹ Washington Free Beacon, thứ Năm tuần trước (16/12), tập đoàn truyền thông Potomac (Potomac Media Group) có trụ sở tại Virginia đã đệ trình lên Bộ Tư pháp Mỹ vấn đề đăng ký đại diện nước ngoài, theo đó có chi tiết về một hợp đồng béo bở được ký kết giữa tập đoàn này và Cục Kế hoạch Truyền thông Quốc tế thuộc Ban Tuyên truyền Trung ương của ĐCSTQ.
Là một phần của giao dịch, Potomac Media Group dùng đài phát thanh WCRW của họ để phát sóng AM tới Washington các nội dung cũng như các buổi trò chuyện mô tả tích cực về ĐCSTQ do một cơ quan ngôn luận quan trọng của đối tác cung cấp: “Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc” (CGTN).
Tài liệu của Tập đoàn Truyền thông Potomac đệ trình Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy chi tiết của hợp đồng với Cục Kế hoạch Truyền thông Quốc tế thuộc Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ. Theo hợp đồng, Cục Kế hoạch Truyền thông Quốc tế của ĐCSTQ được phép xem xét và phê duyệt các chương trình phát sóng của WCRW. Potomac Media Group phải cung cấp cho Cục Kế hoạch Truyền thông Quốc tế của ĐCSTQ các báo cáo về mức độ phù hợp của khán giả, phản hồi và “đánh giá của Tổ chức Quốc tế”.
Hợp đồng có thời hạn hai năm từ tháng 7/2019 – 8/2021 với số tiền hợp đồng là 4,4 triệu USD, theo đó Tập đoàn truyền thông Potomac đồng ý phát sóng trên đài WCRW những nội dung mà CGTN cung cấp, đồng thời quảng bá trên truyền thông xã hội.
Theo thông tin, kể từ năm 1992, WCRW đã bắt đầu phát nội dung cho một cơ quan ngôn luận khác của ĐCSTQ là Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, nhưng trước đó họ chưa đăng ký với Bộ Tư pháp Mỹ là đại diện cho tổ chức đại diện nước ngoài của ĐCSTQ.
Nguồn tin chỉ ra hợp tác của ĐCSTQ với một đài phát thanh AM ở Washington làm nổi bật phạm vi hoạt động tuyên truyền của ĐCSTQ tại Mỹ. Những hoạt động gây ảnh hưởng này được đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây do nỗ lực làm phân tán quan tâm của xã hội Mỹ (bao gồm cả giới chính trị) đối với những vấn đề vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. Các tổ chức truyền thông của ĐCSTQ tích cực quảng bá nội dung có lợi cho ĐCSTQ tới khán giả Mỹ trên phương tiện truyền thông xã hội và thông qua các thỏa thuận xuất bản với các tờ báo và tạp chí của Mỹ. Ví dụ, trước đó có thông tin cho rằng cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ là China Daily đã trả hàng triệu USD cho Time, Foreign Policy và Wall Street Journal để gây ảnh hưởng qua việc đăng tải các bài viết có lợi cho ĐCSTQ trên các tổ chức truyền thông này.
Trước đó một tuần, một tài liệu đăng ký đại diện nước ngoài khác cũng được tiết lộ, cho biết Tổng lãnh sự quán của ĐCSTQ tại New York đã chi 300.000 USD để thuê một công ty quan hệ công chúng của Mỹ tuyển những người nổi tiếng trên mạng xã hội của Mỹ để thúc đẩy quan hệ công chúng cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.
Những sự kiện trên cho thấy vài năm qua Bộ Tư pháp Mỹ đã tăng cường nỗ lực thực thi “Luật Đăng ký Đối tác Nước ngoài (FARA)”. Vào tháng 2/2019, CGTN buộc phải đăng ký là đại diện nước ngoài. Các cơ quan ngôn luận khác của ĐCSTQ ở Mỹ được cơ quan chức năng Mỹ xác định là đại diện nước ngoài còn có Tân Hoa Xã, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, China Daily (Nhật báo Trung Quốc), công ty phát hành Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ tại Mỹ.
Trình Văn, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Tuyên truyền của ĐCSTQ