Politico: Chính quyền Biden tính toán gì nếu phản công ở Ukraine không như mong đợi
- Nhật Tân
- •
Trong những cuộc họp kín, theo bình luận hôm Thứ Hai của Politico, thì quan chức Hoa Kỳ không hề lạc quan như họ đang tỏ ra về chiến trường Ukraine. Tờ báo đưa ra những chuẩn bị âm thầm của chính quyền Biden trong trường hợp trận phản công không thành công như mong đợi.
Cuộc phản công mùa xuân mà Kyiv tuyên bố ấy đã “sắp diễn ra mấy lần rồi” (ever-imminent, theo cách gọi của tờ báo), có mục tiêu được công bố là lấy lại vùng đất bị Nga chiếm đóng từ năm ngoái, và kỳ vọng sẽ lấy lại cả bán đảo Crimea, vùng bị Nga sáp nhập từ 9 năm trước.
Theo tuyên bố bề mặt, chính quyền Biden cung cấp viện trợ cho Kyiv một cách kiên định và “as long as it takes” (hỗ trợ đến cùng, hoặc đến chừng nào có thể, tùy cách hiểu).
Trì hoãn cuộc phản công đã dấy lên các tiếng nói khác nhau trong nội bộ quan chức Hoa Kỳ.
Một phe cho rằng chính quyền Biden lẽ ra phải dứt khoát cung cấp cho Kyiv nhiều hơn, theo những gì chiến trường cần, như tên lửa tầm xa, máy bay chiến đấu phản lực, vũ khí phòng không tối tân hơn, v.v.
Phe kia cho rằng biểu hiện của Kyiv đã lộ ra năng lực yếu kém và họ không có khả năng đánh đuổi người Nga như họ thường lớn tiếng.
- Cựu Tổng thống Trump: ‘Nguy cơ hạt nhân’ mới là đe dọa lớn nhất — Ông Trump cho rằng sự im lặng về nguy cơ hạt nhân là biểu hiện cho thấy nguy cơ đó quá lớn, khiến người ta coi đó là chủ đề cấm kỵ và không dám nói tới.
Đó là chưa kể đến các đồng minh ở Châu Âu, mà trong số đó những thành viên cảm thấy giải pháp hòa đàm với Nga hấp dẫn hơn là tiếp tục đầu tư vào cuộc chiến mà cuối cùng sẽ không đạt được lợi ích xứng đáng.
“Chúng ta hầu như thỏa mãn tất cả những gì [chính quyền Kyiv] đòi hỏi cho cuộc phản công rồi, và những tháng qua chúng ta đã tăng mạnh vũ khí và khí tài đưa vào Ukraine,” một quan chức đã nói với Politico với điều kiện giấu tên.
Tờ báo viết tiếp, theo những đánh giá gần đây nhất của các quan chức Hoa Kỳ thì trận chiến có thể giành lại một phần lãnh thổ phía đông và phía nam, nhưng sẽ không đạt được thắng lợi như năm ngoái. Hai quan chức đã nói với tờ báo rằng kỳ vọng cắt đứt Nga với Crimea dường như sẽ rất khó khả thi.
Tình báo Hoa Kỳ chỉ ra rằng người Ukraine có thể đã mất dần khả năng cùng với lòng tin có thể đánh bật người Nga khỏi những nơi mà Nga đã liên tục củng cố hàng phòng ngự của mình. Quan chức của ông Zelensky, và bản thân ông ta cũng tuyên bố rằng thiếu thốn vũ khí và trang bị đã khiến cuộc phản công bị trì hoãn, và sẽ trì hoãn đến lúc nào có đủ.
Tờ báo cho biết, một số quan chức Hoa Kỳ (không nói rõ danh tính) tin rằng Kyiv nên thay đổi lại mục tiêu của cuộc chiến thành một điều gì đó khả thi thì tốt hơn.
Một khả năng khác là hướng đến đàm phán nhắm tới một dạng thức “ngừng bắn” —chứ không phải hòa đàm— và ở trạng thái đó Ukraine vẫn có thể khai chiến để đòi lại lãnh địa trong tương lai. Trong trạng thái đó, các đồng minh Âu Mỹ có thể đối đãi với Ukraine theo phong cách “tương tự thành viên NATO” (NATO-like) qua đó đảm bảo Ukraine được cung cấp các viện trợ cần thiết cả về kinh tế và quân sự. Khi đó, khả năng Trung Quốc quay lại và dẫn ông Putin trở lại bàn đàm phán cũng có thể diễn ra.
- Thủ lĩnh Wagner cảnh báo phản công của Ukraine và muốn Nga quyết chiến — Thủ lĩnh Wagner Prigozhin hôm 14/4 có bài tiểu luận cho rằng quân Ukraine đã sẵn sàng chiến đấu, và quân Nga cũng thế. Một trận ăn thua thực thụ là khó tránh khỏi và cũng là cần thiết, bởi vì kết quả chính là lời giải.
Nhưng bất luận thế nào, mọi quyết định cuối cùng vẫn dựa theo kết quả cuộc phản công sắp tới, điều mà vẫn không sao nói chắc chắn sẽ thế nào.
“Nếu kết quả không được tốt, thì bộ máy chính quyền [Biden] chỉ có thể tự trách chính mình vì đã giữ lại các khoản viện trợ và không đưa ra lúc nó cần thiết,” theo nhận định của Kurt Volker, một đặc phái viên cho Ukraine vào thời chính quyền Trump.
Chiến tranh khiến các chi phí trở nên đắt đỏ, đặc biệt là năng lượng, và một cuộc phản công nếu không đem lại kết quả như kỳ vọng, thì sẽ khiến các đồng minh ở Châu Âu ngày càng lo lắng khi họ cảm thấy chiến thắng ngày càng trở nên xa vời.
“Công chúng Châu Âu sẽ nguội đi nhiệt tình hỗ trợ khi giá năng lượng cứ cao mãi thế này,” theo Clementine Starling, giám đốc của Atlantic Council, cơ quan tư vấn (think tank) tại Washington DC. “Hỗ trợ từ bên kia Đại Tây Dương mà yếu đi thì có thể sẽ làm hỗ trợ từ Hoa Kỳ và Quốc hội cũng như chính quyền Biden cũng bị ảnh hưởng khi phải vật lộn để duy trì nó.”
Theo cô Starling nhiều quốc gia Châu Âu có thể sẽ thúc đẩy Kyiv đưa chiến tranh đến kết thúc, vì kéo dài chiến tranh chỉ có thể khiến tiêu hao tăng cao mà không có lợi, “Một cuộc phản công yếu kém sẽ đặt ra nhiều câu hỏi hơn về kết quả của cuộc chiến sẽ như thế nào và mức độ mà một giải pháp thực sự có thể đạt được bằng cách tiếp tục chỉ là gửi vũ khí và viện trợ quân sự.”
Theo công bố bề ngoài, Tổng thống Biden và những quan chức cao cấp của ông nhiều lần nhấn mạnh rằng Tổng thống Zelensky chỉ bắt đầu đàm phán hòa bình khi ông ta muốn thế.
Nhưng kỳ thực, theo tờ báo Politico, thông điệp thật sự mà họ gửi cho Kyiv là: Hãy chấp nhận thực tế đi, đặc biệt là khi Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ, và viện trợ sẽ không phải lúc nào cũng có được một cách nhanh chóng. Các quan chức ở Washington tuy không cố ý gây sức ép cho ông Zelensky, nhưng họ cũng hiểu rằng đây sẽ là gánh nặng chính trị của ông ta ở quốc nội Ukraine.
“Nếu Ukraine không thể chiến thắng rõ rệt trên ở chiến trường, thì câu hỏi hiển nhiên sẽ nổi lên rằng phải chăng đến lúc kết thúc chiến tranh,” theo Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế. “[Chiến tranh] tốn kém, chúng ta không còn nhiều đạn dược, và chúng ta phải lấy từ kho dự trữ ở các nơi trên thế giới để chuẩn bị cho việc này.”
“Câu hỏi này là hợp lý, chứ không phải tìm cách buộc Ukraine phải thỏa hiệp. Nó đơn thuần là câu hỏi về phương thức,” ông Haass nói.
Hồi đầu tháng này, Andriy Sybiha, phó văn phòng tổng thống Zelensky đã nói với Financial Times rằng Ukraine sẽ nói chuyện khi quân lực của họ đặt chân tới biên giới Crimea, “Nếu chúng tôi thành công trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược của mình trên chiến trường và khi chúng tôi có biên giới hành chính với Crimea, thì chúng tôi sẵn sàng mở [một] trang ngoại giao để thảo luận về vấn đề này.”
Tuy nhiên, ngay lập tức điều đó đã bị đặc sứ của Zelensky Tamila Tasheva bác bỏ, “Nếu Nga không tự nguyện rời khỏi bán đảo [Crimea], thì Ukraine sẽ tiếp tục giải phóng đất đai của mình bằng biện pháp quân sự.”
Nhưng trên thực tế, người Mỹ không có niềm tin cao đến thế khi chiến trường Ukraine rõ ràng đang trì trệ. Cả hai phe Nga và Ukraine cùng đang chiến đấu nhưng không bên nào tỏ ra chiếm thượng phong. Ngoài ra, việc đạn dược tiêu hao quá nhanh cũng là một vấn đề.
Tất cả mọi thứ hiện đan xen với nhau, tạo thành cục diện tiến thoái lưỡng nan. Alina Polyakova, chủ tịch và CEO của Center for European Policy Analysis ở Washington DC bình luận rằng, “Dường như chắc chắn đây là cơ hội cuối cùng để Ukraine chứng minh rằng họ có thể giành chiến thắng, thế nhưng, điều ấy hiển nhiên đã là không thể.”
Từ khóa Chiến tranh Nga - Ukraine Ukraine