Quan hệ Úc – Trung căng thẳng sau khi tài liệu đàn áp Tân Cương rò rỉ
- Minh Nhật
- •
Các tờ báo Úc đồng loạt đưa tin, quan hệ Úc – Trung trở nên căng thẳng hơn sau một loạt các sự kiện cho thấy xu hướng nhân quyền tồi tệ tại Trung Quốc, nhất là việc biểu tình tại Hồng Kông và việc các tài liệu đàn áp Tân Cương bị rò rỉ.
Trong tháng 10 và tháng 11, quan hệ Úc – Trung đã trở nên căng thẳng: Trung Quốc cấm hai nghị sĩ Andrew Hastie và James Paterson tới Bắc Kinh vào tháng 12 để nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Peter Dutton phát biểu rằng các giá trị quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc là không phù hợp với các giá trị quan của Úc; Chương trình hợp tác nhân quyền giữa Bộ Ngoại giao và Thương Mại Úc cùng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bị đình chỉ; v.v..
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Peter Dutton. (Ảnh: Stefan Postles, Getty Images)
Hai nghị sĩ Andrew Hastie và James Paterson là những người đã chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Trung Quốc về vấn đề Tân Cương trong bối cảnh một tài liệu bí mật bị rò rỉ cho thấy chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ đạo việc đàn áp dã man người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Được xem là lần rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, các tài liệu do tờ New York Times công bố đã cho thấy ĐCSTQ đã giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ vào các tại tập trung một cách có hệ thống, theo chỉ đạo từ trung ương, đồng thời có các chính sách rõ ràng nhằm đe dọa những người Duy Ngô Nhĩ còn ở bên ngoài.
Tài liệu này cũng cho thấy chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tham gia vào việc hoạch định chính sách đối với ngươi Duy Ngô Nhĩ. Theo đó, tài liệu chứa một bài diễn thuyết bí mật của ông Tập, trong đó ông kêu gọi ĐCSTQ phải trở thành cơ quan chuyên chính đối với cộng đồng thiểu số.
Nghị sĩ Andrew Hastie cho biết, ông và nghị sĩ James Paterson sẽ không có ý định rút lại các chỉ trích của mình dù họ có bị cấm tới Trung Quốc.
Andrew Hastie và James Paterson không phải là những nghị sĩ duy nhất chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc. Ngày 14/10/2019, Thượng nghị sĩ Eric Abetz cũng lên án mạnh mẽ chế độ này:
“Tôi không lên án người dân Trung Quốc, nhưng tôi lên án chính quyền cộng sản Trung Quốc, một chính quyền độc tài nhốt khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong cái gọi là trại cải tạo. Nhà thờ Kitô giáo đang bị phá hủy và linh mục bị cưỡng bức. Những người theo Pháp Luân Công thì bị bắt, và theo một báo cáo mới nhất, họ phải đối mặt với việc bị lấy nội tạng đem bán, một hành vi lạm dụng nhân quyền cực kỳ tồi tệ.”
Thượng nghị sĩ Eric Abetz. (Ảnh: Stefan Postles, Getty Images)
Còn trước đó, ngày 11/10/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Peter Dutton phát biểu:
“Vấn đề của chúng ta không phải với nhân dân Trung Quốc, không phải với cộng đồng Hoa Kiều tuyệt vời đang sống tại Úc, vấn đề của chúng ta là với Đảng Cộng sản Trung Quốc và những chính sách của họ rất không phù hợp với những giá trị của chúng ta.”
Ông Peter Dutton còn nhấn mạnh: “Niềm tin song phương của Úc với Trung Quốc đã bị phản bội”.
Trước đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung Tân Cương, nhưng nay, họ lại thừa nhận rằng có các “cơ sở giáo dục” để giúp người Duy Ngô Nhĩ “cải thiện” cuộc sống.
Úc và Trung Quốc đã thiết lập một chương trình cải thiện nhân quyền trị giá nhiều triệu USD trong hơn 20 năm qua. Chỉ tính riêng 3 năm vừa qua, chương trình này đã tiêu tốn 7 triệu USD. Tuy nhiên, sự việc rò rỉ tài liệu trấn áp Tân Cương, cùng việc leo thang đàn áp biểu tình Hồng Kông đã khiến chính quyền Úc quyết định đình chỉ chương trình này.
Minh Nhật
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình Hồng Kông đàn áp Tân Cương quan hệ Úc - Trung Đàn áp tín ngưỡng Dòng sự kiện