Quốc hội Anh thảo luận về tội ác thu hoạch tạng: “Kinh hoàng cùng cực”
- Minh Nhật
- •
Trong các cuộc tranh luận tại quốc hội Anh gần đây, các nghị sĩ đã tích cực kêu gọi chính phủ Anh có hành động đối với việc chính quyền Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp hà khắc để cắt giảm tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác tại Tân Cương. Đồng thời, trong quá trình tranh luận, các nghị sĩ cũng giận dữ yêu cầu các quan chức có trách nhiệm nghiêm túc xem xét tội ác thu hoạch tạng “kinh hoàng cùng cực” (utmost horror) của chính quyền Trung Quốc mà trong đó người Duy Ngô Nhĩ là một nhóm nạn nhân chủ yếu.
Nghị sĩ, cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ, ông Iain Duncan Smith, đã đưa vấn đề người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc ra thảo luận ở Hạ viện Anh hôm thứ Hai (29/6). Ông cho rằng Vương quốc Anh “không thể tiếp tục hợp tác thương mại như thường lệ” với chính quyền Trung Quốc: “Thế giới muốn giao thương với Trung Quốc, nhưng không thể cứ tiếp tục hợp tác thương mại như thường lệ khi hành vi trắng trợn của chính quyền này đang tiếp tục diễn ra.”
“Ngoài ra, Trung Quốc có một lịch sử vi phạm nhân quyền nghiêm trọng: xâm phạm quyền tự do của Hồng Kông, gây hấn tranh chấp biên giới từ Biển Đông cho tới Ấn Độ, vi phạm trắng trợn luật thương mại tự do và quản lý thị trường tự do, thông báo chậm trễ về COVID-19. Liệu giờ đây chính phủ Anh có bắt đầu đánh giá lại sự phụ thuộc của Anh vào Trung Quốc để giảm thiểu sự phụ thuộc đó không?”
Ông Iain Duncan Smith.
Buổi tranh luận diễn ra trong bối cảnh một cuộc điều tra của kênh Associated Press đã chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp hà khắc để cắt giảm tỷ lệ sinh của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương nhằm khống chế dân số theo đạo Hồi. Báo cáo cho biết Trung Quốc đang buộc phụ nữ Tân Cương phải triệt sản hoặc kiểm soát sinh đẻ.
Nghị sĩ Alistair Carmichael thuộc đảng Dân chủ Tự do nói rằng những hành động của chính quyền Trung Quốc làm cho người ta “liên tưởng đến nạn diệt chủng”.
Ông Carmichael cũng trích dẫn các báo cáo về tội ác thu hoạch nội tạng do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Theo các báo cáo này, trong một thời gian dài, chế độ Trung Quốc đã giết hại một lượng lớn các tù nhân lương tâm, những người bị bắt giữ vì tín ngưỡng của họ, để lấy nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép khổng lồ tại Trung Quốc. Nạn nhân lúc đầu chủ yếu là người tập Pháp Luân Công, sau đó lan sang người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và Kitô giáo. Ước tính có từ 70.000 đến 100.000 ca cấy ghép được thực hiện hàng năm tại Trung Quốc, mà nguồn gốc của các nội tạng này phần lớn là không minh bạch.
Ông Carmichael nói: “Những việc này đối với cá nhân đã là vô cùng khủng khiếp rồi, nhưng tất nhiên chúng ta biết nó không phải chỉ là với cá nhân. Thái độ của chúng ta trong những năm gần đây là một phần nguyên nhân của những vụ việc này. Các trại cải tạo [nơi giam giữ 1 triệu người dân tộc thiểu số tại Tân Cương, phần lớn là người Duy Ngô Nhĩ] đó đã xuất hiện trong các báo cáo về [tội ác] thu hoạch nội tạng.”
Ngoại trưởng Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung, ông Nigel Adams, cho biết: “Ông ấy đã đúng khi đề cập đến việc thu hoạch nội tạng, tôi biết các nghị sĩ khác rất quan tâm tới vấn đề này. Đối với chúng tôi, những cáo buộc này rất quan trọng.” Ông Nigel Adams cũng cho biết quốc hội Anh đang xem xét các báo cáo về thu hoạch tạng “vô cùng nghiêm túc”.
Nghị sĩ Steve Baker nói: “Đây là điều kinh hoàng cùng cực mà tôi đã từng nghe trong các buổi tranh luận.”
“Bằng chứng chồng chất đã cho thấy rằng, với sức mạnh của cả một quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến và chế độ độc đảng, chính quyền Trung Quốc đang tìm cách loại một bộ phận người dân ra khỏi xã hội dựa trên đặc điểm riêng của họ – đây cũng không phải là lần đầu trong lịch sử chính quyền này hành xử như vậy.”
Ông Nigel Adams cho biết Anh “sẽ tiếp tục khiến cho Trung Quốc biết rằng chúng tôi đang quan tâm” và “chỗ nào cần chúng tôi can thiệp, chúng tôi sẽ can thiệp.”
Theo Yahoo News UK, tin bài gốc xem tại đây
Minh Nhật biên tập
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công Thu hoạch nội tạng Dòng sự kiện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ mối quan hệ Anh - Trung Quốc