Quy định bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19 tại một số quốc gia trên thế giới
- Phan Anh
- •
Nhiều nước đã đề ra quy định bắt buộc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đối với ít nhất một vài nhóm công dân, cũng như áp đặt các hình phạt đối với những ai từ chối tiêm chủng.
Anh trở thành quốc gia mới nhất ban hành quy định bắt buộc tiêm chủng hôm 9/11 vừa qua sau khi chính phủ yêu cầu toàn bộ nhân viên ngành y tế phải tiêm đủ liều vắc-xin COVID-19 với hạn chót là mùa xuân năm 2022.
Thái độ của người dân liên quan đến việc bắt buộc tiêm chủng và biện pháp chống dịch COVID-19 tại các nước cũng khác nhau. Nhiều quốc gia chứng kiến hàng loạt các cuộc biểu tình quy mô lớn nhỏ được tổ chức nhằm phản đối chính sách tiêm chủng và phòng dịch của các chính phủ.
Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đề xuất rằng những công ty Mỹ có từ 100 người lao động trở lên tiêm vắc-xin cho nhân viên hoặc thực hiện xét nghiệm thường xuyên, tuy nhiên, kế hoạch này bị đảng Cộng hòa và các nhóm thương mại phản đối. Hôm 6/11, một tòa án liên bang ở Louisiana đã tạm thời đình chỉ yêu cầu tiêm vắc-xin cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Khoảng 4 triệu nhân viên liên bang sẽ tiêm chủng trước ngày 22/11 theo lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ. Gần như tất cả nhân viên làm việc tại Nhà Trắng đều đã tiêm vắc-xin. Tỷ lệ tiêm chủng ở các cơ quan liên bang khác, đặc biệt là những nơi liên quan đến thực thi pháp luật và tình báo, là thấp hơn.
Khoảng 9.000 nhân viên phục vụ cộng đồng tại thành phố New York đã phải nghỉ không lương vào tuần trước do không tuân thủ quy định bắt buộc tiêm vắc-xin. Hàng nghìn lính cứu hỏa cũng đã xin nghỉ ốm để phản đối quy định này.
Ý là quốc gia châu Âu đầu tiên quy định bắt buộc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đối với lực lượng y tế, nhân viên chăm sóc sức khỏe. Có khả năng chính phủ nước này sẽ mở rộng yêu cầu bắt buộc đối với các nhóm khác nữa.
Ý đang hy vọng sẽ sớm đạt được mục tiêu phủ vắc-xin COVID-19 cho 90% dân số. Tính đến ngày 9/11, gần 84% dân số trên 12 tuổi tại quốc gia này đã tiêm chủng đầy đủ. Tháng trước, Ý cũng ban hành quy định gây tranh cãi về giấy thông hành y tế mà tất cả người lao động cần phải xuất trình để chứng minh tình trạng tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona trước khi vào làm việc. Tuy nhiên, động thái này lại không làm tăng tỷ lệ người dân đi tiêm vắc-xin như kỳ vọng.
Hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Mario Draghi đã ủng hộ ý tưởng bắt buộc toàn dân tiêm vắc-xin. Mới đây, cựu Thủ tướng Romano Prodi cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Người dân New Zealand tiếp tục tuần hành trước cửa trụ sở quốc hội nước này ở Wellington hôm 9/11 vừa qua để phản đối chính sách bắt buộc tiêm vắc-xin cùng biện pháp phong tỏa của chính phủ. Thủ tướng Jacinda Ardern đã chuyển từ chính sách “Zero-COVID (kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh)” sang sống chung với virus, kết hợp với việc đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng.
Tháng trước, bà Ardern cho biết sẽ yêu cầu 2 nhóm đối tượng là giáo viên và nhân viên trong lĩnh vực chăm sóc y tế và người khuyết tật phải tiêm chủng đầy đủ. Bà cho hay thêm rằng các biện pháp chống dịch sẽ chỉ kết thúc sau khi 90% dân số đủ điều kiện tiêm chủng làm điều này.
Trong khi cuộc biểu tình diễn ra một cách ôn hòa, nhiều người đã mang theo biểu ngữ với các thông điệp như: “Tự do” và “Người dân New Zealand không phải là chuột bạch”. Họ hô vang khẩu hiệu yêu cầu chính phủ hủy bỏ việc tiêm chủng bắt buộc cũng như gỡ bỏ các hạn chế.
Chính phủ Canada đầu tháng 10 vừa qua đã thông báo sẽ yêu cầu toàn bộ nhân viên trong ngành dịch vụ công liên bang và các lĩnh vực giao thông vận tải do liên bang quản lý phải tiêm vắc-xin.
Bất kỳ công chức liên bang nào, kể cả Cảnh sát Hoàng gia Canada, không muốn tiết lộ tình trạng tiêm chủng hoặc không muốn tiêm chủng đầy đủ sẽ bị cho nghỉ không lương kể từ ngày 15/11.
Còn nhớ, khoảng 2 tháng trước, Pháp đã cho nghỉ việc không lương 3.000 nhân viên y tế do từ chối tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho hay rằng các nhân viên đã được thông báo bằng văn bản để tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc-xin trước thời hạn do chính phủ quy định.
Trong khi đó, Singapore đã lựa chọn cách tiếp cận ràng buộc về mặt tài chính để buộc người dân phải tiêm chủng. Từ ngày 8/12, quốc gia này sẽ không miễn phí điều trị COVID-19 cho những người từ chối tiêm chủng.
Chính phủ hiện chi trả toàn bộ chi phí điều trị COVID-19 cho toàn bộ người dân cũng như người cư trú và người có thị thực dài hạn, trừ khi họ có kết quả dương tính virus corona ngay sau khi trở về từ nước ngoài.
Indonesia đã công bố quy định tiêm chủng bắt buộc từ tháng 2, trong đó xử phạt nặng đối với những người không tuân thủ việc tiêm vắc-xin.
Theo The Guardian,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa Tiêm vắc-xin COVID-19 bắt buộc tiêm vắc-xin