Sau Mỹ, đến lượt Anh e ngại tiêm vắc-xin mà vẫn có thể nhiễm biến thể Delta và lây người khác
- Phan Anh
- •
Theo các nhà khoa học thuộc Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), những phân tích ban đầu chỉ ra rằng nhóm đối tượng đã tiêm chủng vẫn có thể bị nhiễm biến thể Delta và lây truyền sang cho người khác một cách dễ dàng, tương tự như những người chưa tiêm vắc-xin.
Theo nghiên cứu mới của PHE, một số phát hiện ban đầu cho thấy nồng độ virus ở những người bị nhiễm Delta dù đã tiêm chủng có thể tương tự như mức độ được phát hiện ở những đối tượng chưa tiêm vắc-xin. “Điều này đồng nghĩa với việc mọi người đều có khả năng lây nhiễm, cho dù họ đã được tiêm chủng hay chưa. Tuy nhiên, đây chỉ là phân tích thăm dò sớm và cần có các nghiên cứu chuyên sâu hơn để xác nhận [thông tin trên]”, PHE cho biết.
Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra vào hôm 29/7 vừa qua, trong đó nói rằng những người bị nhiễm biến thể Delta dù đã tiêm chủng có cùng tải lượng với những người chưa tiêm vắc-xin, và nhóm đối tượng đã tiêm chủng vẫn có thể lây truyền loại biến thể này.
Biến thể Delta, có nguồn gốc từ Ấn Độ, vẫn chiếm ưu thế ở Anh và chiếm khoảng 99% các trường hợp hiện nay. Delta đã xuất hiện tại 135 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tiến sĩ Simon Clarke, giáo sư vi sinh học tại Đại học Reading, cho biết nếu việc tiêm chủng “chỉ ngăn chặn sự lây truyền của 50% thì sẽ không bao giờ có được miễn dịch cộng đồng ngay cả khi 100% tiêm vắc-xin”.
Các chuyên gia khác cũng cảnh báo rằng khả năng miễn dịch cộng đồng khó có thể đạt được do biến thể Delta có khả năng tái nhiễm ở những người đã tiêm chủng.
Jenny Harries, giám đốc điều hành của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UK Health Security Agency) cho hay: “Chúng ta cũng phải nhớ rằng vắc-xin không loại bỏ tất cả các nguy cơ, [bạn] vẫn có thể trở nên không khỏe khi mắc COVID-19 và lây nhiễm cho những người khác”.
Ngoài ra, PHE cho biết một biến thể khác, có tên là B.1.621, được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia, đã có dấu hiệu lẩn tránh phản ứng miễn dịch do vắc-xin COVID-19 kích hoạt. Tuy nhiên, PHE lại chỉ gắn nhãn biến thể trên là “đang được điều tra”, chứ không phải “biến thể đáng lo ngại”.
“Có bằng chứng sơ bộ trong phòng thí nghiệm cho thấy rằng việc tiêm chủng có thể kém phát huy hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm với B.1.621”, PHE tuyên bố, đồng thời cho biết thêm đã có 37 trường hợp được xác nhận nhiễm biến thể này ở Anh.
“Tuy nhiên, dữ liệu này rất hạn chế và cần phải tiến hành nghiên cứu thêm. Không có bằng chứng nào cho thấy rằng loại biến thể này dễ lây truyền hơn so với biến thể Delta hiện đang thống trị [trên thế giới]”.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Tiêm vắc-xin COVID-19 Biến thể Delta PHE Dòng sự kiện CDC Mỹ