SCMP: Đối đầu Mỹ – Trung đặt ra thách thức cho các nhà lãnh đạo Việt Nam
- Gia Huy
- •
Tờ SCMP hôm 30/4 dẫn lời một số nhà quan sát nhận định rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ phải tìm cách “đi đúng hướng” trong các giao dịch với Trung Quốc khi tranh chấp gia tăng trên biển Đông; đồng thời Việt Nam cũng đang cố ngăn mình bị lôi kéo vào cuộc đối đầu căng thẳng giữa nước láng giềng khổng lồ với Mỹ.
Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tới Hà Nội hôm thứ Hai (26/4), nơi ông gặp gỡ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, Bắc Kinh cho biết Việt Nam đã đưa ra lời đảm bảo rằng họ sẽ không ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại Trung Quốc.
Chuyến thăm của ông Ngụy là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Trung Quốc tới Việt Nam kể từ cuộc chuyển giao quyền lực ở Hà Nội, khi ông Trọng, 76 tuổi, được trao nhiệm kỳ thứ ba làm Tổng bí thư và ông Phúc, người đứng thứ hai sau ông Trọng trong Bộ Chính trị, được bầu làm Chủ tịch nước – một chức vụ ít thực quyền hơn so với chức vụ Thủ tướng mà ông đã đảm nhiệm trước đó, tờ SCMP nhận định.
Trong các cuộc gặp, hai nước Việt – Trung đã cam kết tăng cường quan hệ quân sự và hợp tác chặt chẽ hơn với nhau để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói.
Feng Chao, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết các cuộc gặp phản ánh nỗ lực của quân đội hai nước nhằm giảm thiểu “nguy cơ tính toán sai lầm.”
“Ông Trọng tương đối ôn hòa và ông Phúc được nhiều người coi là một nhân vật thực dụng với cái nhìn khách quan về Trung Quốc,” ông Feng nói. “Các cuộc gặp có thể là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã chọn bên và đang xích lại gần hơn với nước láng giềng Trung Quốc, quốc gia có ưu tiên cao hơn trong chính sách đối ngoại của mình”.
Tuy nhiên, Zhang Mingliang, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, cho biết truyền thông hai nước có quan điểm khác nhau về các cuộc gặp.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Phúc nói với ông Ngụy rằng Việt Nam sẽ “cảnh giác và kiên quyết chống lại mọi nỗ lực phá hoại quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và sẽ không bao giờ theo chân các nước khác trong việc chống lại Trung Quốc”, ông nói.
Mặc dù điểm này đã được truyền thông nhà nước của Trung Quốc đưa ra, nó hoàn toàn không được đề cập trong các bản tin Việt Nam.
Theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), ông Trọng cho rằng hai bên cần “nỗ lực hơn nữa để duy trì môi trường hòa bình và hợp tác trên cơ sở tôn trọng các quyền chính đáng của nhau và tình hữu nghị của hai bên, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và thế giới”.
Trong khi đó, ông Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc “lành mạnh, ổn định, bền vững và lâu dài và hợp tác cùng có lợi”.
“Cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chính trị của quân đội và đẩy mạnh công tác truyền thông về quan hệ hữu nghị và truyền thống song phương để ngăn chặn các thế lực thù địch phá hoại mối quan hệ”, TTXVN dẫn lời ông Phúc.
Ông Zhang nói rằng việc Hà Nội bỏ qua tuyên bố sẽ không theo chân các nước khác phản đối Trung Quốc cho thấy họ đang cố gắng cân bằng quan hệ với Washington cũng như Bắc Kinh.
“Lập trường của hai nhà lãnh đạo Việt Nam bao gồm một số yếu tố khiến Trung Quốc cảm thấy hài lòng, hơn nhưng ở phiên bản của [truyền thông] Việt Nam [đăng tải], lập trường của họ về vấn đề Biển Đông gần với quan điểm của Mỹ hơn,” ông nói.
Lê Hồng Hiệp, thành viên cao cấp của Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết cuộc cải tổ lãnh đạo vừa qua sẽ không có khả năng thay đổi chính sách đối ngoại của Hà Nội, mà nó sẽ cố gắng “duy trì một cách tiếp cận tinh tế”.
Ông Hiệp nói: “Việt Nam muốn duy trì mối quan hệ ổn định và hòa bình với Trung Quốc và tách tranh chấp Biển Đông ra khỏi mối quan hệ tổng thể.”
“Tuy nhiên, họ không thể hy sinh lợi ích cốt lõi của mình ở Biển Đông chỉ để xoa dịu Bắc Kinh vì Biển Đông có ý nghĩa hơn nhiều ngoài ý nghĩa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.
Các nhà hoạch định chính sách của Hà Nội có thể tìm kiếm các cách khác nhau để cân bằng lợi ích của đất nước ở Biển Đông, nơi Mỹ và các đồng minh có thể là “đối tác tự nhiên” của họ, ông Hiệp nói.
“Do căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, những nỗ lực của Việt Nam nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Mỹ và các đồng minh có thể khiến Trung Quốc khó chịu, nhưng Việt Nam không có lựa chọn nào khác nếu Trung Quốc ra tay bằng cách tiếp tục gây hấn [trên tuyến đường thủy đang tranh chấp],” ông Hiệp cho biết.
“Như vậy, quan hệ Việt – Trung có thể sẽ biến động tùy theo mức độ gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông”.
Việt Nam đã tăng cường quan hệ ngoại giao và quân sự với Mỹ trong nỗ lực chống lại sự xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong khi Washington ưu tiên quan hệ với Hà Nội theo chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà Trung Quốc coi là một nỗ lực để ngăn chặn sự hiện diện của họ trong khu vực.
Gia Huy (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa tranh chấp biển Đông Ngụy Phượng Hòa đối đầu Mỹ Trung mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc