Sông Mekong thành “lá bài chính trị” để ĐCSTQ kiểm soát Đông Nam Á
- Epoch Times
- •
Sông Mekong – Hệ thống sông quan trọng nhất bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng Trung Quốc, chảy qua 6 quốc gia Đông Nam Á, vào đầu năm 2021 lại tiếp tục xuất hiện tình trạng mực nước giảm nghiêm trọng, khiến cho quốc tế chú ý. Ngày 12/2/2021, tổ chức quốc tế Ủy ban Sông Mekong (Mekong River Commission,MRC) đã ra tuyên bố rằng mực nước sông Mekong đã giảm đến mức “đáng lo ngại”, một trong những nguyên nhân là do Trung Quốc xây dựng đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn đã làm hạn chế lượng nước.
Từ năm 2010 đến nay, sông Mekong thường xuyên xảy ra “khủng hoảng” nguồn nước. Chuyên gia thủy lợi nổi tiếng người Trung Quốc hiện định cư tại Đức, đã trả lời phỏng vấn của Epoch Times Hồng Kông và chỉ ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã kiểm soát “vòi nước” của sông Mekong. Sông Mekong đối với ĐCSTQ mà nói không chỉ đơn thuần là vấn đề lợi dụng nguồn nước, mà là một vấn đề chính trị và vấn đề ngoại giao. Nắm được “vòi nước” của sông Mekong thì ĐCSTQ tương đương với nắm được lá bài chính trị, kiểm soát được một nửa các nước trong số 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hành vi “ngang ngược” của ĐCSTQ trên lưu vực sông Mekong cũng đã khiến Mỹ, Nhật Bản chú ý, khiến cho sông Mekong ngày càng trở thành điểm nóng về địa chính trị mới.
Tuy nhiên, lá bài chính trị này của ĐCSTQ lại “hại người hại mình”. Ông Vương Duy Lạc cho biết, việc xây dựng rất nhiều đập thủy điện lớn nhỏ trên sông Lan Thương (đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ Trung Quốc) không chỉ gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của khoảng 70 triệu người dân sinh sống dựa vào sông Mekong, cũng khiến cho người dân Trung Quốc ở lưu vực sông Lan Thương chịu nhiều tai họa. Sự phát triển thủy lợi “mang tính cướp đoạt” của ĐCSTQ đã mang đến sự lãng phí tài nguyên.
Sông Mekong vốn có nguồn tài nguyên nước phong phú, nhưng nay phải đối mặt với “khủng hoảng nước”
Thượng nguồn sông Mekong chính là sông Lan Thương trên lãnh thổ Trung Quốc, bắt nguồn từ dãy núi Đường Cổ Lạp (Tanggula) ở cao nguyên Thanh Tạng, chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, cuối cùng chảy ra Biển Đông. Đoạn hạ nguồn và thượng nguồn được gọi chung là sông Lan Thương – sông Mekong, toàn bộ dòng chảy dài hơn 4.000 km, đây là con sông dài nhất Đông Nam Á. Sông Mekong chảy qua 6 quốc gia, được gọi là “sông Danube của châu Á”, có khoảng 70 triệu người sống phụ thuộc trực tiếp vào sông Mekong.
“Sông Lan Thương và sông Mekong vốn là con sông có nguồn tài nguyên thủy điện phong phú” ông Vương Duy Lạc nói, “Nó chảy trực tiếp xuống phía nam Trung Quốc từ cao nguyên Thanh Tạng, thượng nguồn chảy xuống có độ dốc rất lớn. Chảy xuống đến hạ nguồn miền nam, do ảnh hưởng của gió mùa, đến mùa mưa có lượng nước mưa tương đối nhiều cũng khiến cho lượng nước trên sông tương đối lớn. Mùa khô và mùa mưa trên sông Mekong tương đối rõ ràng, thông thường mà nói, hàng năm từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là mùa khô trên sông, từ tháng 5 đến tháng 10 là mùa mưa.”
Tuy nhiên, con sông vốn có tài nguyên nước tương đối phong phú này từ năm 2010 đã bắt đầu liên tiếp xảy ra “khủng hoảng” nguồn nước, trong báo cáo nghiên cứu của tổ chức Eyes on Earth tại Mỹ chỉ ra, sông Mekong lần đầu tiên xảy ra khủng hoảng nguồn nước vào năm 2010, các công trình thủy điện chính tại các khúc cong nhỏ trên sông Lan Thương đã được hoàn thành và đã có tổ máy phát điện đi vào sản xuất. Thông qua mô phỏng để tính toán dòng chảy sông Mekong, từ năm 1992 đến năm 2019, trong tình huống dòng chảy không không chịu bất cứ cản trở nào, và so sánh với tình hình thực tế, Eyes on Earth đã chỉ ra, các đập thủy điện mà ĐCSTQ xây dựng đã ảnh hưởng đến lượng nước sông Mekong.
“Chiêu trò con số” để thoái thác trách nhiệm của ĐCSTQ
Năm 2010, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia đã nói chuyện với ĐCSTQ về việc mực nước sông Mekong giảm nghiêm trọng, cho rằng là do ĐCSTQ xây dựng đập thủy điện trên sông Lan Thương, nên dẫn đến hạn hán ở hạ nguồn. Tuy nhiên, đương nhiệm Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ khi đó là Tần Cương đã phủ nhận điều này. ĐCSTQ nói rằng lưu lượng hàng năm trên sông Lan Thương chỉ là 13,5% lưu lượng chảy ra biển của sông Mekong, không ảnh hưởng đến tình hình chung. Tham tán chính trị Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan Trần Đức Hải cũng cho biết, khi đó 3 đập thủy điện bậc thang đã xây dựng gồm Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng đều rất nhỏ, ảnh hưởng không lớn.
Để thoái thác trách nhiệm, ĐCSTQ giở trò con số. Ông Vương Duy Lạc nói, số liệu của rất nhiều dòng sông của Trung Quốc là bảo mật. Dù là số liệu được tiết lộ nhưng cũng thường xuất hiện mâu thuẫn.
Ví dụ lượng nước trên sông Lan Thương trong lãnh thổ Trung Quốc chảy ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc mỗi năm khoảng 64 tỷ mét khối, nhưng còn có một phiên bản nữa là 76 tỷ mét khối, chênh lệch nhau lên đến 12 tỷ mét khối. Nếu chiểu theo con số 76 tỷ mét khối để tính, thì lưu lượng hàng năm của sông Lan Thương chiếm 16% lưu lượng nước đổ vào Mekong, chênh lệch 2,5% so với con số 12,5% mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiết lộ. ĐCSTQ còn từng nói, Trung Quốc hưởng 18,6% quyền nước trên sông Lan Thương – Mekong, tức là có 18,6% tài nguyên nước thuộc về Trung Quốc. Từ 13,5% đến 16% rồi đến 18,6%, điều này đã cho ĐCSTQ không gian chơi trò chơi chữ số. Khi thảo luận về quyền lợi, ĐCSTQ lựa chọn 18,6%, nhưng khi truy cứu trách nhiệm thì ĐCSTQ lựa chọn con số 13,5%.
Ông Vương Duy Lạc nói, 13,5% không thể giúp ĐCSTQ chối bỏ trách nhiệm. Ông Tần Huy (Qin Hui) – Giáo sư Đại học Thanh Hoa từng công bố bài viết nói rằng, 13,5% có nghĩa là lượng nước chảy ra trung bình hàng năm ở cửa sông Lan Thương chiếm lượng nước trung bình hàng năm tại cửa sông Mekong chảy ra biển. Còn quá nửa các đoạn sông ở Trung Quốc chảy ra ngoài lãnh thổ, ví dụ như đoạn sông Luang Prabang (Lào), lượng nước ra khỏi Trung Quốc bình quân chiếm khoảng ⅔. Ngoài đó ra, báo cáo mà Bộ Thủy lợi ĐCSTQ và Ủy ban Sông Mekong cùng viết cũng cho biết, trong thời gian mùa khô trên sông Mekong, lượng nước từ đập Cảnh Hồng trên lãnh thổ Trung Quốc chảy ra trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2015 đã đạt trên 40% nước chảy trên các dòng chính trên sông Lan Thương – Mekong.
Bài viết này của ông Tần Huy đã phê bình quan chức ĐCSTQ nói rằng trên sông Lan Thương chỉ có “3 đập thủy điện” Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng, nhưng lại che giấu Đập Tiểu Loan có dung lượng lên đến 15 tỷ mét khối. Trạm thủy điện Tiểu Loan bắt đầu phát điện vào tháng 9/2009. Dung lượng của đập Tiểu Loan dường như gấp 5 lần tổng dung lượng của đập Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng, ảnh hưởng đối với lưu lượng ở hạ nguồn có thể thấy rõ. Ông Tần Huy đặt nghi vấn: “Vì sao đến miệng của quan chức, lại biến thành ‘gần như không ‘có ảnh hưởng’?”
Ngoài đập Tiểu Loan ra, ĐCSTQ còn xây dựng một đập Nọa Trát Độ lớn hơn nữa trên sông Lan Thương, dung lượng lên đến 27,49 tỷ mét khối. Theo báo cáo của Eyes on Earth, tổ máy đầu tiên của đập Nọa Trát Độ bắt đầu vận hành vào năm 2012. Ảnh hưởng của nó đối với hạ nguồn còn hơn cả đập Tiểu Loan.
Những lời thoái thác trách nhiệm của quan chức Trung Quốc đã không có cơ sở vững chắc trước các chuyên gia, tuy nhiên, lại được tuyên truyền thông qua truyền thông để lừa dối nhiều người dân lương thiện. Đối với hạn hán ở lưu vực sông Mekong, biện pháp mà ĐCSTQ làm vào năm 2010 là bàng quan (bỏ mặc), nhưng đến năm 2016, ĐCSTQ lại có thái độ khác thường “ra tay cứu giúp”.
ĐCSTQ kiểm soát “lá bài thương lượng chính trị” với Đông Nam Á
Năm 2016, đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam xuất hiện hạn hán nghiêm trọng, do lượng nước trên sông giảm, nên một số khu vực ven biển Việt Nam xảy ra xâm nhập mặn. Còn ĐCSTQ thì thay đổi cách làm của năm 2010, đưa tay ra viện trợ các nước hạ nguồn sông Mekong. Theo truyền thông của ĐCSTQ là Tân Hoa Xã đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ khi đó là Lục Khảng đã nói trong một cuộc họp báo rằng, Trung Quốc sẽ thông qua đập thủy điện Cảnh Hồng ở Vân Nam để bổ sung nước khẩn cấp cho hạ nguồn sông Mekong từ ngày 15/3/2016 đến ngày 10/4/2016. Tháng 10 cùng năm, trong báo cáo mà Bộ Thủy lợi ĐCSTQ và Ủy ban Sông Mekong cùng viết đã chỉ ra, trong thời kỳ mùa khô ở sông Mekong, đập thủy điện bậc thang mà ĐCSTQ xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong xả nước đã giúp cho mực nước sông Mekong tăng lên.
Ông Vương Duy Lạc nói, năm 2016, trong thời gian ĐCSTQ “cứu trợ thảm họa”, lượng nước mà ĐCSTQ xả xuống hạ nguồn mỗi ngày ít nhất là 400 mét khối mỗi giây, cũng tức là quy mô vượt quá lưu lượng của sông Lan Thương trong mùa khô hạn, gấp 5 lần so với trạng thái bình thường tự nhiên ở hạ nguồn. Điều này cho thấy, ĐCSTQ đã kiểm soát “vòi nước”. Đáng chú ý là, Trung Quốc điều chỉnh lượng nước đổ về hạ nguồn Mekong là có sự điều phối của cơ quan chỉ huy phòng chống lụt và hạn hán Trung Quốc, cũng tức là Chính phủ Trung Quốc dùng “quỹ cứu trợ thảm họa” để chi trả, là tiền của người nộp thuế Trung Quốc, cũng chính là người dân Trung Quốc đang chi trả giúp cho hành vi của ĐCSTQ.
Việc mở cửa xả nước của ĐCSTQ vào năm 2016 đã được tuyên truyền rầm rộ, tâng bốc rằng mình nhận được sự khen ngợi của các nước lưu vực sông Mekong. Nhưng vì sao năm 2010 ĐCSTQ không xả nước, đến năm 2016 lại xả nước?
Ông Vương Duy Lạc chỉ ra, điều này chủ yếu xuất phát từ cân nhắc trên tầng diện chính trị. Năm 2014, tại Hội nghị nhà lãnh đạo Trung Quốc – ASEAN, ông Lý Khắc Cường đã đề xuất Hội nghị Thượng đỉnh Lan Thương – Mekong. Hội nghị nhà lãnh đạo hợp tác Lan Thương – Mekong đầu tiên cũng đúng vào thời điểm tháng 3/2016 và được tổ chức tại thành phố Tam Á tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. ĐCSTQ mượn cơ hội này để xả nước xuống hạ nguồn nhằm biểu đạt thái độ hữu hảo. Đồng thời, ĐCSTQ cũng thúc đẩy kế hoạch đầu tư “một vành đai, một con đường” tại khu vực Đông Nam Á, và việc “cứu trợ thảm họa” khi đó cũng là trải đường đầu tư cho ĐCSTQ vào các nước Đông Nam Á.
Theo tờ China Times đưa tin, đi kèm với Hội nghị Lan Thương – Mekong lần đầu tiên là một danh sách sớm gồm 78 dự án, một quỹ chuyên về hợp tác Lan Thương, một khoản vay 10 tỷ nhân dân tệ và hạn mức tín dụng 10 tỷ đô la Mỹ.
Nền kinh tế của các quốc gia lưu vực Mekong tương đối lạc hậu, nhưng nguồn tài nguyên tự nhiên lại phong phú. Đầu tư vào lưu vực sông Mekong, ĐCSTQ không chỉ mở rộng thương mại quốc tế, thông qua “một vành đai, một con đường” xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa trong nước, mà còn có thể nhận được nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú của các quốc gia lưu vực Mekong.
Lấy Lào làm ví dụ, Bộ Thương mại ĐCSTQ cho biết trong “Chỉ dẫn đầu tư hợp tác đối ngoại với nước khác”, Lào có nhiều mỏ khoáng sản như vàng, đồng, thiếc, chì, kali, sắt, thạch cao, than, muối. Tài nguyên sức nước và tài nguyên lâm nghiệp cũng vô cùng phong phú. Diện tích rừng của Lào khoảng 17 triệu ha, độ che phủ rừng của cả nước khoảng 50%, sản xuất các loại gỗ quý như gỗ tếch, gỗ mun và gỗ trắc. ĐCSTQ cũng nhập khẩu đồng, nguyên liệu gỗ và các sản phẩm nông nghiệp từ Lào. ĐCSTQ cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở Lào, và các lĩnh vực đầu tư bao gồm phát triển thủy điện và khoáng sản.
Một quốc gia khác ở lưu vực sông Mekong là Campuchia, cũng có nguồn tài nguyên lâm nghiệp, khoáng sản và thủy sản phong phú. Campuchia có nhiều loại gỗ cao cấp như gỗ tếch, gỗ lim, gỗ đàn hương đỏ, gỗ đàn hương đen và có nhiều loại tre. Các mỏ khoáng sản của Campuchia bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, phốt phát, đá quý, vàng, sắt, bauxite, v.v. Hồ Tonle Sap ở Campuchia là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và được mệnh danh là “hồ cá”. Theo nền tảng dịch vụ chuyên nghiệp “Mạng lưới điều hướng ra ngoài” của Bộ Thương mại Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Campuchia đạt 9,43 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước. Các công ty Trung Quốc đã ký hợp đồng dự án mới tại Campuchia với giá trị 5,58 tỷ đô la Mỹ, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước đó.
Ông Ngô Phúc Thành, Phó giám đốc Trung tâm Chiến lược Phát triển Kinh tế Quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho rằng ĐCSTQ có các mục tiêu chiến lược địa chính trị mạnh mẽ ở khu vực sông Mekong. Ông Ngô Phúc Thành nói rằng ĐCSTQ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN để làm sâu sắc thêm mối liên kết giữa Trung Quốc và ASEAN.
Bằng cách đầu tư vào lưu vực sông Mekong, ĐCSTQ cũng có thể mở rộng các kênh vận chuyển. Ông Vương Duy Lạc chỉ ra, ĐCSTQ có cơ hội mở đường vận tải thủy thay thế đường vận tải qua eo biển Malacca bằng cách mở một đường khác đi qua sông Mekong ra Biển Đông. Điều này sẽ giúp ĐCSTQ nhập khẩu các nguồn năng lượng như dầu mỏ, v.v, đồng thời giảm bớt sự kiềm chế của Mỹ và Nhật Bản trên đường thủy.
Người dân khu vực sông Lan Thương – Mekong phải chịu thảm họa sâu sắc
“Đập nước” là một lá bài thương lượng chính trị gây tổn hại cho người dân lưu vực sông Lan Thương – Mekong. Người dân lưu vực sông Mekong không chỉ thường xuyên bị “hạn hán” mà nghề cá của họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Vương Duy Lạc chỉ ra, sau khi xây dựng hồ chứa, phù sa sẽ không đi xuống hạ nguồn, và chất dinh dưỡng của cá được chứa trong phù sa trầm tích. Hơn nữa, nước từ trong hồ chảy xuống có nhiệt độ thấp hơn nước sông bình thường vài độ sẽ làm gián đoạn quá trình sinh sản của cá. Ngư dân than phiền rằng sản lượng khai thác hiện tại đang giảm và lo lắng rằng họ sẽ mất cơ sở để tồn tại trong tương lai gần.
Người dân Trung Quốc không phải là đối tượng được hưởng lợi từ con đập. Ông Vương Duy Lạc cho biết, trước hết, chiều cao đập của hồ chứa sông Lan Thương rất cao, hầu hết là hơn 100 mét, và hồ chứa cao nhất là 294,5 mét. Sau khi hồ chứa nước được xây dựng, nông dân địa phương phải di dời lên núi, nhưng đất trên núi rất cằn cỗi, không thích hợp cho việc canh tác. Thứ hai, nước mà nông dân địa phương sử dụng để tưới tiêu cho các cánh đồng của họ cũng bị hạn chế, vì nước trong các hồ chứa Nọa Trát Độ và Tiểu Loan đã bị trạm thủy điện kiểm soát. Thứ ba, các khoản trợ cấp mà ĐCSTQ cung cấp cho người dân di tản khỏi khu vực hồ chứa thực chất đến từ tiền của những người đóng thuế Trung Quốc, chứ không phải tiền kiếm được từ các trạm thủy điện để trợ cấp.
Ông Vương Duy Lạc cũng chỉ ra một vấn đề thường bị ngoại giới bỏ qua: lũ trên sông Lancang tương đối lớn, đỉnh lũ lớn nhất thực tế đo được là 12.800 mét khối mỗi giây, trong khi khả năng xả lũ của hồ chứa Tiểu Loan là 20.000 mét khối mỗi giây, thậm chí còn cao hơn mức đo được trong lịch sử đỉnh lũ lớn nhất. Vì vậy, một khi có sự cố, người dân vùng hạ lưu hồ chứa, trong đó có sông Mekong sẽ bị đe dọa rất lớn.
Tuy nhiên, điện được sản xuất từ một số nhà máy điện mà đã gây ra cho người dân ở lưu vực sông Lan Thương – Mekong chịu thảm họa nặng nề đã trở thành “điện bỏ đi”, tức là điện được sản xuất ra không ai sử dụng và lãng phí. Do tình trạng dư thừa sản lượng, lượng thủy điện bị lãng phí ở tỉnh Vân Nam là 31,4 tỷ kilowatt vào năm 2016 và các trạm thủy điện trên sông Lan Thương cũng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự. Để giảm bớt tình trạng “điện bỏ đi”, ĐCSTQ đã buộc phải đầu tư xây dựng đường dây tải điện để đưa điện từ Vân Nam đến những nơi có nhu cầu điện cao như tỉnh Quảng Đông. Những khoản đầu tư vào các trạm thủy điện và đường dây tải điện dường như không có lợi ích gì khác ngoài việc giúp ĐCSTQ lấp đầy GDP.
Sông Mekong: “Điểm nóng” mới về địa chính trị
Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đã dần nhận thức được mối đe dọa của ĐCSTQ đối với các nước Đông Nam Á. Mỹ và Nhật Bản cũng đã có những hành động tương ứng. Sông Mekong cũng trở thành điểm nóng “địa chính trị” mới.
Ngày 26/2/2021, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp cho Ủy ban Sông Mekong (MRC) 2,9 triệu USD để ủng hộ MRC và các nước liên quan đến lưu vực sông Mekong kiểm tra và đánh giá các vấn đề môi trường của lưu vực.
Trước đó, tháng 9/2020, Mỹ đã tuyên bố khởi động quan hệ Đối tác Mekong – Mỹ (Mekong-US Partnership) nhằm thúc đẩy sự ổn định, hòa bình và phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong. Mỹ cho cho rằng các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong là một phần không thể tách rời của mối quan hệ đối tác chiến lược của Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và ASEAN. Theo báo cáo của BBC, bà Tôn Vận (Sun Yun) – Giám đốc dự án Đông Á của Trung tâm Stimson, nói rằng chất xúc tác để khởi động chương trình là trước đó Trung Quốc từ chối chia sẻ thông tin thủy văn. Trong khi thông tin thủy văn sẽ tiết lộ cách ĐCSTQ vận hành đập nước trên sông Lan Thương.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cho biết trong một tweet rằng con đập do ĐCSTQ xây dựng đang thao túng lượng nước một cách không minh bạch, gây tổn hại đến lợi ích của các quốc gia lưu vực sông Mekong. Mỹ ủng hộ các quốc gia lưu vực sông Mekong trong việc yêu cầu ĐCSTQ tiết lộ thông tin thủy văn trên sông Lan Thương. Ngày 14/12/2020, dự án “Giám sát Đập Mekong” (Mekong Dam Monitor) do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ đã chính thức được khởi động, mực nước của các con đập trên sông Lan Thương được giám sát bằng vệ tinh đã được tiết lộ công khai gần như theo thời gian thực.
Một trong những điểm mấu chốt khiến sông Mekong trở thành “con bài thương lượng chính trị” của ĐCSTQ là “sự không minh bạch thông tin”. Mặc dù vào năm 2020, ĐCSTQ tuyên bố sẽ chia sẻ thông tin thủy văn sông Lan Thương, nhưng thực tế họ đã không làm như vậy. Ủy ban Sông Mekong (MRC) chỉ ra rằng mực nước sông Mekong giảm đáng kể vào ngày 31/12/2020, nhưng ĐCSTQ đã không thông báo cho hạ nguồn vào thời điểm đó, cho đến ngày 5/1/2021 mới đưa ra thông báo.
Ông Vương Duy Lạc cho biết: “Đối với các con sông xuyên quốc gia, các quốc gia ở lưu vực sông về cơ bản tuân theo ba nguyên tắc: Thứ nhất, sử dụng nguồn nước của các con sông xuyên quốc gia một cách công bằng và hợp lý; Thứ hai, không gây thiệt hại lớn cho các quốc gia khác; Thứ ba, nếu muốn thi công công trình trên con sông thì cần phải thông báo trước cho các quốc gia khác, sau khi có được sự đồng ý của các quốc gia khác thì mới có thể khởi công. Đây là cách làm thông thường trên quốc tế.”
Ông nói, tuy nhiên cách làm này đối với ĐCSTQ quen với “cách làm làm mờ ám” mà nói, thì không thể áp dụng được.
Theo Liên Thư Hoa, Epoch Times
Từ khóa Hạn hán sông Mê Kông hạn hán xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long sông Mekong đồng bằng sông Cửu Long Đập thủy điện Trung Quốc Trung Quốc giữ nước