Suy đoán vật thể không xác định đã va vào tàu ngầm hạt nhân của Mỹ
- Lưu Thế Dân
- •
Vào ngày 2/10, tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf “USS Connecticut, SSN-22” của Hoa Kỳ đã va phải một vật thể không xác định ở Biển Đông và bị hư hại. Các nhà phân tích chính sách của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc (Viện Quốc phòng Đài Loan) đã đưa ra suy đoán về nguyên nhân của vụ việc này.
Các quan chức Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố rằng tàu “Connecticut” hiện đang được bảo dưỡng và đánh giá sơ bộ tại Guam. Không gian bên trong và các thiết bị đẩy chạy bằng năng lượng hạt nhân không bị ảnh hưởng, đồng thời sự cố cũng được điều tra.
Ông Vladimir Valuyev, cựu chỉ huy Hạm đội Baltic của Nga, kiêm đô đốc đã nghỉ hưu, tin rằng con tàu Connecticut hiện đại nhất này, có lẽ không phải va vào đá hoặc rạn san hô dưới nước do thiết bị định vị bị trục trặc. Hơn nữa, nếu va chạm với một tàu ngầm khác, hai bên sẽ ngay lập tức nổi lên xác định tình trạng hư hỏng, nhưng tình huống này đã không xảy ra.
Ông đã nghiên cứu và đánh giá: “Tôi bắt gặp các cơ sở công nghiệp khoan dầu đang được xây dựng gần đây hoặc vẫn đang xây dựng dưới nước. Hải đồ của Hải quân Hoa Kỳ vẫn chưa chú ý thông tin về phương diện này.”
Theo báo cáo của “Central News Agency” (CNA- Thông tấn xã Trung ương Đài Loan), vài ngày trước, Nhóm tư vấn Bộ Quốc phòng và Viện Quốc phòng đã đưa ra “Đánh giá kịp thời về an ninh quốc phòng.”
Ông Giang Hân Thược, nhà phân tích chính sách tại Viện Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng Đài Loan, đã viết bài phân tích nguyên nhân vụ tai nạn. Bài viết có tựa đề “Rốt cuộc tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân mạnh nhất của Hoa Kỳ đã va phải thứ gì?“
Ông Giang Hân Thược chỉ ra, việc bảo mật thông tin về vụ tai nạn của quân đội Mỹ sẽ khó tránh khỏi việc suy đoán của tất cả các bên.
Nguyên nhân có thể bao gồm do va chạm với tàu ngầm hoặc tàu buôn của các quốc gia khác, container bị chìm hoặc trại nuôi cá nhân tạo, hay mỏ neo của giàn khoan dầu, sinh vật thủy sinh khổng lồ, tàu lặn không người lái, vật nhọn hay núi ngầm nhô lên dưới đáy biển, hoặc đá nhô ra trong lòng đại dương, v.v.
Trước hết, về khả năng va vào tàu ngầm hoặc tàu buôn của các nước khác, ông Giang Hân Thược cho rằng việc cố ý va chạm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng và chết người. Trong giai đoạn này, cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tỏ ra khá kiềm chế. Nếu va chạm với một tàu buôn thì tàu Connecticut chắc chắn sẽ không bị thiệt hại. Tuy nhiên, không có tin tức nào cho thấy tàu buôn đã bị va chạm, nên nguyên nhân này có thể bị loại trừ hoàn toàn.
Về khả năng va phải container chìm hay trang trại cá nhân tạo, ông Giang Hân Thược cho biết, theo quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế, các phương tiện cố định nhân tạo phải được thông báo qua “Thông báo tàu thuyền”. Hơn nữa năm 2011, con tàu này đã xuyên thủng tảng băng trôi rất dày tại Bắc Cực, khiến tấm thép bên ngoài bị hư hỏng nhẹ. Nhưng độ cứng của thân tàu đã được kiểm chứng, nên chỉ hư hỏng nhẹ, không đến nỗi khiến thuyền viên bị thương. Vậy nên khả năng này cũng bị loại trừ.
Tiếp theo là mỏ neo của giàn khoan dầu. Ông Giang Hân Thược cho rằng không quân và hải quân Mỹ luôn theo sát các hoạt động do thám ở Biển Đông, và không thể không kiểm soát chúng. Hơn nữa hải đồ điện tử của tàu Hải quân Mỹ chắc chắn sẽ chỉ ra vị trí của tất cả các giàn khoan dầu. Vì vậy khả năng xảy ra là rất ít.
Tiếp theo là va chạm với sinh vật dưới nước. Sở dĩ cá voi xanh có thể bơi lội dưới biển sâu mà không va phải chướng ngại vật, là do khả năng cảm nhận nước nhạy bén của chúng. Sonar là sản phẩm được thiết kế để bắt chước nguyên tắc do thám này. Nếu thực sự va chạm với cá voi xanh, thông thường cá voi sẽ chết và thân tàu bị hư hỏng nhẹ, không có thương vong về người. Tuy nhiên, từ đánh giá thương tích của các nhân viên trên tàu, cũng có thể loại trừ khả năng va chạm với cá voi xanh.
Đối với tàu ngầm không người lái, dù bên nào mắc lỗi, thì trọng lượng và tốc độ của tàu ngầm cũng không thể sánh được với cá voi xanh. Chúng không thể làm rung chuyển tàu ngầm hạt nhân có lượng choán nước khoảng 9.000 tấn. Do đó thân tàu và nhân viên sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Ngoài ra, ông Giang Hân Thược cũng nhấn mạnh, trong những năm 1990, các tàu khảo sát của Hải quân Mỹ đã điều tra sơ bộ về đặc điểm địa hình đáy Biển Đông, cũng như độ sâu, chất lượng đáy, độ mặn nước biển và nhiệt độ của nó.
Tuy nhiên sau 30 năm xảy ra các trận động đất lớn nhỏ khác nhau, hoặc lớp vỏ đáy biển bị nén, cùng với khả năng Bắc Kinh bơm cát và xây đảo, sẽ gây ra những tác động khiến địa hình đáy biển thay đổi. Do đó, khả năng duy nhất chính là Hoa Kỳ đã sử dụng bản đồ địa hình đáy biển bị sai lệch.
Cuối cùng, ông Giang Hân Thược chỉ ra rằng sự thiếu chính xác của biểu đồ sẽ tăng nguy hiểm cho tàu ngầm khi di chuyển dưới nước. Đặc biệt nếu các tầng nhô lên, dãy núi hoặc đá dưới đáy biển bị che giấu, thì càng dễ làm tăng xác suất va chạm vào đá và thành núi.
Theo nhận định về thương tích, vết rách và bầm dập của cán bộ, chiến sĩ tàu Connecticut, rất có thể do thiếu bản đồ địa hình đáy biển cập nhật, mới gây ra vụ va chạm vào dãy núi dưới đáy biển này.
Lưu Thế Dân / Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Tàu ngầm hạt nhân