Các nhà phân tích và cựu quan chức Mỹ cho biết, việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương vắng mặt thời gian dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ Mỹ-Trung nếu điều này còn kéo dài lâu hơn nữa.

Embed from Getty Images

Ông Tần Cương đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 25/6, làm dấy lên nhiều tin đồn. Về mặt chính thức, Trung Quốc cho biết sự vắng mặt này là vì “lý do sức khỏe” không xác định.

Bí ẩn đã trở nên sâu sắc hơn trong tuần này khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối cung cấp thông tin về tình trạng của ông Tần trong cuộc họp báo hàng ngày, sau đó xóa câu hỏi khỏi bản ghi chính thức.

Rorry Daniels, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Xã hội Châu Á cho biết: “Đối với tôi, điều này cho thấy chúng ta biết rất ít về chính trị của giới tinh hoa Trung Quốc.”

“Chắc chắn đây là thời điểm khó xử khi không tiếp cận được với Ngoại trưởng Trung Quốc, bởi một đề mục trong chương trình nghị sự [Mỹ – Trung] là liệu ông Tập Cận Bình có đến Hoa Kỳ dự Hội nghị thượng đỉnh [Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương] vào tháng 11 hay không.”

Cho đến nay, người phụ trách chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc – Vương Nghị – người giữ chức Ngoại trưởng cho đến khi ông Tần lên nắm quyền vào cuối tháng 12 – đã tham dự các cuộc họp quan trọng, bao gồm một cuộc họp cấp khu vực của các Bộ trưởng Ngoại giao ở Indonesia và các chuyến thăm của các quan chức cấp cao của Mỹ.

Các nhà phân tích cho biết, trong khi vấn đề nhân sự là vấn đề trong nước, vai trò ngoại giao của ông Tần có ý nghĩa toàn cầu và nó xuất hiện khi Trung Quốc và Mỹ đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ tồi tệ trong lịch sử. 

Tháng 11 năm ngoái tại Indonesia, ông Tập và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã vạch ra một lộ trình liên quan đến các chuyến thăm cấp Bộ trưởng nhằm xây dựng lòng tin trước Hội nghị thượng đỉnh APEC. Và sự vắng mặt của ông Tần có thể khiến việc này bị trì hoãn. 

Theo truyền thống, Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách phần lớn công việc cho các cuộc gặp song phương quan trọng. 

Tuy vậy, theo ông Ryan Hass, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, việc ông Tần biến mất được cho là sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến sự tiến triển của quan hệ Mỹ Trung. 

“Tần Cương, nếu chúng ta cho rằng ông ấy sẽ không quay trở lại, thì ông ấy luôn là người thực hiện và trình bày rõ ràng chiến lược của Trung Quốc, chứ không nhất thiết là người thiết kế nó”.

“Rõ ràng việc chính quyền Biden đầu tư thời gian và sức lực vào việc xây dựng mối quan hệ với Tần Cương sẽ bị mất. Nhưng chúng ta có thể giả định rằng Vương Nghị sẽ tiếp tục công việc.”

Mặc dù vậy, bất kỳ sự “biến mất” nào cũng có thể làm giảm sự hiện diện ngoại giao của Trung Quốc trên toàn cầu cho đến khi chọn được người thay thế, vì Bắc Kinh hiện chỉ có một quan chức cấp cao duy nhất để đại diện cho họ tại các cuộc họp quan trọng ở nước ngoài mà không có lời giải thích rõ ràng về những gì đã xảy ra.

Bonnie Glaser, giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết: “Việc ông ấy là một nhà ngoại giao cấp cao có nghĩa là điều đó sẽ thu hút sự chú ý từ các quốc gia trên thế giới. “Mọi người sẽ đưa ra đánh giá riêng và rút ra kết luận của riêng họ.”

Vào thứ Sáu, trong một cuộc thảo luận về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, ông Blinken đã từ chối đề cập đến sự vắng mặt của ông Tần: “Tôi sẽ để việc đó cho các đối tác Trung Quốc của mình.”

Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về việc các quan chức vắng mặt đột ngột và thường không rõ nguyên nhân, đặc biệt được thấy trong giai đoạn khốc liệt nhất của chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh. Nhưng điều này đã trở nên rõ ràng hơn khi ông Tần là bộ mặt ngoại giao của Trung Quốc, thường được nhìn thấy ở nước ngoài hơn ông Tập hoặc ông Vương mặc dù có thứ hạng thấp hơn.

Brock Erdahl, phó giám đốc của Erelas, một công ty tư vấn rủi ro, cho biết: “Việc giữ bí mật xung quanh cuộc sống cá nhân của các quan chức cấp cao cũng như việc họ biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng là điều luôn xảy ra ở Trung Quốc ngày nay”.

Erdahl, người theo dõi tuyên truyền của Trung Quốc, lưu ý rằng các nhà kiểm duyệt Bắc Kinh đã cho phép một số cuộc thảo luận trực tuyến về sự biến mất của ông Tần.

“Tin đồn có xu hướng lấp đầy khoảng trống được tạo ra bởi sự im lặng chính thức, khiến toàn bộ câu chuyện ít nhất tạm thời vượt khỏi tầm kiểm soát của Bắc Kinh cả ở Trung Quốc và nước ngoài,” ông Erdahl nói, đồng thời cho biết thêm rằng điều này có thể tạo ra sự không chắc chắn trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc.

Suy đoán đã nở rộ, từ cáo buộc ngoại tình cho đến đấu đá chính trị cho đến bệnh tật.

Ngân Hà (theo SCMP)