Tại diễn văn và họp báo ngày đầu nhậm chức 1/10, tân Tổng Thư ký NATO Mark Rutte truyền đạt thông điệp ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Kiev, ủng hộ cho dùng vũ khí tầm xa đánh sâu vào lãnh thổ Nga, ủng hộ việc đưa Ukraine gần hơn nữa tới NATO.

241002ZelenskyRutte
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, ảnh do ông Zelensky tự chụp và đăng trên mạng xã hội 20/8/2023

Vấn đề cho vũ khí tầm xa đanh sâu vào lãnh thổ Nga

Hôm Thứ Ba 1/10, khi được phóng viên hỏi về vấn đề cho quân Kiev dùng vũ khí tầm xa đánh sâu vào lãnh thổ Nga, ông Rutte nói rằng ông ủng hộ điều này, và theo ông, thì đó là “quyền tự vệ của Ukraine”“theo luật pháp quốc tế.”

Tuy nhiên, sau đó ông chuyển trách nhiệm này sang các thành viên NATO, rằng mỗi thành viên tự quyết định, chứ “điều đó không phụ thuộc vào tôi.”

“Chúng ta biết luật pháp quốc tế, và theo luật pháp quốc tế, quyền [tự vệ của Ukraine] này không chỉ dừng lại ở biên giới. Vì vậy, điều đó có nghĩa là ủng hộ quyền tự vệ của Ukraine có nghĩa là họ cũng có thể tấn công các mục tiêu hợp pháp trên lãnh thổ của kẻ xâm lược […] Cuối cùng, mỗi đồng minh sẽ quyết định sự ủng hộ của mình đối với Ukraine. Điều đó không phụ thuộc vào tôi. Điều này dành cho các đồng minh cá nhân trong mối quan hệ của họ với Ukraine,” — Mark Rutte, Tổng Thư ký NATO, 1/10/2024.

Bối cảnh câu hỏi và trả lời này, ấy là vấn đề cho dùng vũ khí tầm xa đánh sâu vào lãnh thổ Nga hiện vẫn chưa được công khai có quyết định thống nhất trong NATO. Vận động ủng hộ mạnh nhất cho việc này là từ Anh quốc.

Tuy nhiên, Mỹ, đừng đầu NATO, vẫn chưa có quyết định tán đồng, mặc dù trong công bố viện trợ quân sự 8 tỷ USD gần đây nhất cho Ukraine, lần đầu tiên Mỹ đã đưa bom lượn JSOW, tầm trung (130 km), vào chiến trường Ukraine.

Phía Nga đã tỏ rõ quan điểm rằng, nếu NATO cho phép dùng tên lửa tầm xa bắn vào lãnh thổ Nga, thì Nga sẽ coi đó là NATO trực tiếp tham chiến, và bản chất chiến tranh Ukraine sẽ leo lên một bậc thang mới.

Đây là đang nói về việc dùng vũ khí tầm xa do phương Tây sản xuất. Lâu nay Ukraine vẫn dùng các loại vũ khí tấn công ở lãnh thổ Nga vùng biên giới, và dùng các vũ khí được coi là do Ukraine tự sản xuất (như drone) để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

“Hôm nay, Ukraine dường như không thể tồn tại như một quốc gia nếu không có viện trợ từ Mỹ,” — Mark Rutte, Tổng Thư ký NATO, 1/10/2024.

Vấn đề NATO ủng hộ Kiev trong chiến tranh chống Nga

Ông Rutte thể hiện mạnh mẽ ủng hộ chiến tranh Ukraine.

Trong thông điệp ngày nhậm chức Tổng Thư ký NATO, ông Rutte nói ông có 3 điểm mà ông ưu tiên nhất khi nhận chức vụ này. Ngoài 2 điểm mà hiển nhiên ai làm chức vụ này cũng phải lãnh nhận, bảo đảm an ninh của thành viên và vấn đề an ninh Châu Âu – Đại Tây Dương, thì 1 điểm nữa chính là ủng hộ Ukraine chống Nga.

“Một Ukraine độc ​​lập và dân chủ có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở Châu Âu. Chi phí ủng hộ Ukraine là nhỏ hơn rất, rất nhiều so với chi phí mà [NATO] chúng ta phải trả nếu chúng ta để [Tổng thống Nga] Putin làm theo ý mình,” — Mark Rutte, Tổng Thư ký NATO, 1/10/2024.

Ông cũng nhắc lại quyết tâm của NATO về việc thúc đẩy Ukraine trên “con đường không thể thay đổi để trở thành thành viên [NATO].”

Mark Rutte tiếp quản chức vị Tổng Thư ký khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 1/10/2024, khi mà người tiền nhiệm Jens Stoltenberg mãn nhiệm sau 10 năm tại vị. Ông Rutte trước đó làm Thủ tướng Hà Lan từ năm 2010 tới năm 2024.

Thời làm thủ tướng, ông Rutte đã thể hiện rõ ràng chính sách ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, cũng như quan hệ hữu hảo với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ugledar thất thủ

Truyền thông Ukraine đưa tin hôm nay 2/10, Kiev đã có lệnh rút quân khỏi Ugledar. Trước đó 1 ngày, các kênh mạng xã hội đã đăng các video cờ Nga tung bay ở thị trấn có 14 ngàn dân trước chiến tranh này. Ugledar nay đã thành gạch vụn, là cửa khẩu Tây Nam tỉnh Donetsk, từng được miêu tả là “pháo đài” quan trọng trong vành đai phòng thủ mặt trận phía Đông ở Ukraine.

Moskva hiện đang trong quá trình sửa đổi cái mà họ đặt tên là “học thuyết hạt” nhân của mình, tức là hiệu chỉnh quy tắc quyết sách quốc gia về vũ khí hạt nhân, do Nga đang phải đối mặt những thách thức mà họ cho là uy hiếp mạnh mẽ tới an ninh của họ từ phía NATO đứng đầu bởi Mỹ.

Theo các quy tắc dư thảo, Nga sẽ được phép triển khai khả năng răn đe trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công thông thường quy mô lớn bởi một cường quốc phi hạt nhân (ví như Ukraine) được hậu thuẫn bởi các cường quốc hạt nhân (ví như Mỹ).

Kể từ năm 2008, khi NATO tỏ ý kết nạp Ukraine vào khối quân sự lớn nhất thế giới và đang mở rộng này, Nga đã nhiều lần tuyên bố đó là hành động đe dọa tới an ninh của Nga.

Tuần trước, trong phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Nga nói rằng hiện nay đang có nguy cơ xung đột toàn cầu, và đó là do Mỹ và đồng minh NATO/EU muốn duy trì và mở rộng sức thống trị của bản thân họ trên thế giới.

Nhật Tân (theo NATO)