Thành tựu mang tính đột phá của chính quyền Trump là lột mặt nạ của ĐCSTQ
- Mộc Thông
- •
Tổng thống Trump đã rời Nhà Trắng, tổng kết lại thành tựu chính trị của ông trong 4 năm qua, chúng ta nên nói “cảm ơn ngài”! Thành tựu chính trị nổi bật nhất của Tổng thống Trump là “lột trần mặt nạ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cho thế giới thấy rõ bộ mặt thật của nhà cầm quyền này”. Ngoài ra chiến lược “làm tan rã ĐCSTQ” triển khai một cách toàn diện và hành động một cách hiệu quả đã làm suy yếu đáng kể sức mạnh chinh phục thế giới của nhà cầm quyền này.
Thay đổi chính sách “xoa dịu ĐCSTQ”
Hơn nửa thế kỷ trước, thời Tổng thống Nixon đã đưa ra chiến lược “Liên minh Trung Quốc chống Nga”, và từ đây Mỹ bắt đầu mở rộng tình hữu nghị với Trung Quốc, thực hiện “chính sách thân Trung Quốc”. Sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, Mỹ trong vai trò bá chủ thế giới vẫn áp dụng “chính sách xoa dịu” Trung Quốc: cho rằng sau khi giúp Trung Quốc cải thiện kinh tế thì Trung Quốc đương nhiên sẽ tiến tới dân chủ hóa chính trị. Vì vậy, vài thế hệ tổng thống Mỹ sau đó đã trợ giúp ĐCSTQ hội nhập quốc tế.
Năm 1989 khi nổ ra vụ thảm sát Thiên An Môn làm chấn động thế giới, mặc dù Mỹ đã áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt, nhưng trong vòng chưa đầy một tháng thì Tổng thống Bush đã cử đặc phái viên đến Bắc Kinh để xoa dịu ĐCSTQ, tất cả các biện pháp trừng phạt được áp dụng trong vòng ba tháng lại quay về con số không. Trong thời kỳ chính quyền của Tổng thống Clinton, Trung Quốc đã có được công nghệ tên lửa quan trọng từ Mỹ giúp họ vươn lên thành cường quốc quân sự. Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với sự giúp đỡ của Tổng thống Bush, từ đó hàng năm Trung Quốc thu về được lượng lớn ngoại hối đưa họ trở thành cường quốc kinh tế. Tổng thống Obama càng tỏ ra yếu đuối và bất lực đối với ĐCSTQ, cho phép ĐCSTQ thâm nhập vào Mỹ về mọi mặt, khiến lượng lớn sinh viên Trung Quốc thâm nhập vào các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của Mỹ để ăn cắp công nghệ kỹ thuật cao; các viện Khổng Tử được thành lập tại nhiều trường đại học khác nhau ở Mỹ nhằm thúc đẩy lý tưởng của chủ nghĩa xã hội và những ưu điểm của hệ thống toàn trị ĐCSTQ. Điều tồi tệ nhất là không ít quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đã bị ĐCSTQ gián tiếp dùng tiền bạc mua chuộc, hoặc bị mê hoặc bởi sắc đẹp. Nổi bật nhất là thời ông Biden là Phó tổng thống, con trai ông đã nhận được một khoản viện trợ tài chính lớn từ ĐCSTQ.
Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức vào năm 2017, ông đã chỉ ra sai lầm nghiêm trọng của Mỹ trong “chính sách xoa dịu” ĐCSTQ: khi nền kinh tế Trung Quốc được cải thiện và vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng đã không hướng tới dân chủ hóa, thậm chí còn tăng cường hơn kiểu cai trị độc tài và bạo ngược; tiếp nữa, chính quyền Tổng thống Trump còn lột trần tham vọng của ĐCSTQ trong việc muốn thay thế Mỹ làm bá chủ thế giới để kiểm soát thế giới theo kiểu toàn trị, ông nhấn mạnh “ĐCSTQ là kẻ thù của Mỹ”, theo đó thay đổi chính sách xoa dịu với Trung Quốc thành “chính sách làm tan rã ĐCSTQ”.
Tổng thống Trump đã làm những gì ông nói, năm 2018, ông phát động “chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”. Sau đó đưa ông ra một loạt biện pháp trừng phạt ĐCSTQ, bao gồm cấm xuất khẩu sang Trung Quốc “sản phẩm công nghệ cao”, thúc đẩy “các công ty Mỹ” rời Trung Quốc, và trừng phạt quan chức ĐCSTQ vi phạm nhân quyền, ra lệnh “sinh viên Trung Quốc” có bối cảnh từ quân đội phải rời khỏi Mỹ, bắt giữ số lượng lớn gián điệp Trung Quốc, và nghiêm khắc ra lệnh cho các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ phải tuân thủ các quy tắc kế toán của Mỹ….
Trên bình diện quốc tế, Tổng thống Trump đã khởi xướng “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương” và mời Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ thành lập liên minh ứng phó Trung Quốc. Những biện pháp này đã làm ĐCSTQ bị thiệt hại nặng nề, làm suy giảm đáng kể sức mạnh quốc gia của Trung Quốc trong mưu đồ xưng bá thế giới.
Đưa nền kinh tế phát triển chưa từng thấy
Sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống, ông đã thúc đẩy quan điểm chính trị “Nước Mỹ trên hết”, và từ đây đã thực hiện chính sách kinh tế mới lấy “phúc lợi người Mỹ làm trung tâm”, dùng cách cắt giảm thuế và nới lỏng quản chế để tăng việc làm và tiền lương. Trước khi xảy ra dịch bệnh, mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ rất mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, tiền lương và tài sản ròng của các hộ gia đình không ngừng gia tăng. Sự bùng nổ kinh tế kiểu này chưa bao giờ xảy ra kể từ những năm 1950.
Bước ngoặt hòa bình Trung Đông
Tại Nhà Trắng vào ngày 15/9 năm ngoái, Tổng thống Trump đã chào đón các đại diện của Israel, Bahrain và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), đích thân chứng kiến Israel lần lượt ký các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Bahrain và UAE. Động thái này là một bước đột phá trong “hòa bình Trung Đông” và là một cột mốc lịch sử. Khi đó Tổng thống Trump tuyên bố rằng “nhiều nước sẽ noi theo, nhiều hiệp định hòa bình hơn sẽ được ký kết”. Đúng vậy, ngày 23/10, Tổng thống Trump tuyên bố Sudan sẽ bắt đầu thiết lập quan hệ bình thường hóa với Israel. Từ đây có thể thấy trước tương lai sẽ có thêm nhiều nước khối Ả Rập đạt được thỏa thuận hòa bình với Israel và từng bước hướng tới mục tiêu “hòa bình ở Trung Đông”.
Kể từ năm 1948 khi thành lập Israel, nước này đã trong trạng thái chiến tranh với các nước Ả Rập, thực trạng có nguyên nhân từ hơn 2000 năm lịch sử, và các nước Ả Rập thề phải loại bỏ Israel, còn Israel thì nỗ lực tự vệ. Như vậy hai bên đã trong trạng thái thù địch, tưởng như việc hóa giải thành kiến và xây dựng quan hệ hòa bình giữa hai bên là bất khả thi, nhưng thời Tổng thống Trump đã bước đầu thực hiện được việc thúc đẩy “chung sống hòa bình” giữa hai bên. Không nghi ngờ gì khi khẳng định đây là một thành tựu lớn của Tổng thống Trump trong lĩnh vực ngoại giao.
Đưa Đài Loan từ “chướng ngại vật” trở thành đối tác chiến lược của Mỹ
Vấn đề Đài Loan luôn nằm trong tâm điểm chú ý của những người Mỹ gốc Đài Loan. Thời kỳ Mỹ thúc đẩy chiến lược “Liên minh Trung Quốc chống Nga” kéo theo thái độ thân thiện ĐCSTQ thì “quan hệ Mỹ – Đài Loan” rơi vào tình thế khó xử, khiến Đài Loan trở thành vật cản trong thúc đẩy “quan hệ Mỹ – Trung”. Một số người cực đoan thân ĐCSTQ thường phỉ báng Đài Loan là “kẻ gây rối”. Tháng 11/2011 dưới thời chính quyền Obama, tờ New York Times đã đăng bài bình luận gợi ý rằng: “Mỹ có thể ngừng bảo vệ Đài Loan và chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan để đổi lấy việc Trung Quốc hủy bỏ khoản nợ 1,14 nghìn tỷ USD của Mỹ”. Đáng sợ hơn nữa là theo tài liệu giải mật của WikiLeaks, khi đó Ngoại trưởng Hillary Clinton đã phản hồi: “Tôi đã thấy. Tôi nghĩ điều này rất thông minh, chúng ta hãy thảo luận nhé!”. Điều này cho thấy tình hình tồi tệ ra sao.
Nhưng tình hình về Đài Loan lập tức thay đổi dưới thời Tổng thống Trump. Ngay trước thềm nhậm chức, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, động thái đã lập tức thu hút chú ý từ cộng đồng quốc tế. Khi đó nhiều người trên thế giới còn không biết đến sự tồn tại của nơi gọi là Đài Loan, khiến một lượng lớn người vào google tìm kiếm từ khóa “Đài Loan”. Sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Trump đã liên tục tấn công ĐCSTQ, trong khi thúc đẩy xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan.
Về mặt quốc phòng, trong 4 năm nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đã bán hơn 14 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, nhiều hơn 8 năm thời Tổng thống Obama. Hơn nữa, các vũ khí được Tổng thống Trump phê duyệt bao gồm các vũ khí tấn công mới cao cấp như máy bay không người lái Reaper (MQ-9), máy bay chiến đấu F16-V, tên lửa Harpoon, giúp tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan. Ngoài ra cần phải nhắc một tài liệu “bí mật an ninh quốc gia” gần đây của Mỹ đã được giải mật trước 30 năm, tài liệu cho thấy rõ “chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương” của chính quyền Tổng thống Trump xếp Đài Loan là đối tác chuỗi đảo đầu tiên, trở thành một trong những mục tiêu mà quân đội Mỹ phải bảo vệ. Điều này cho thấy Tổng thống Trump đặc biệt chú trọng về an ninh của Đài Loan.
Về mặt kinh tế, vào tháng 5 năm ngoái, công ty chế tạo chất bán dẫn TSMC của Đài Loan đã thông báo việc xây dựng một nhà máy chế tạo chất bán dẫn tại Arizona – Mỹ, động thái này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất Đài Loan khác đặt nhà máy tại Mỹ. Chiều ngược lại, các nhà sản xuất công nghệ của Mỹ như Apple, Google, Micron cũng đã đến Đài Loan để đặt cơ sở, công ty Microsoft cũng kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Đài Loan. Tất cả cho thấy bức tranh trao đổi kinh tế quy mô lớn giữa Mỹ và Đài Loan đang được vẽ lên.
Về mặt ngoại giao, gần đây Ngoại trưởng Pompeo thời Tổng thống Trump đã tuyên bố dỡ bỏ mọi hạn chế ngoại giao giữa các cơ quan hành pháp Mỹ và các quan chức Đài Loan. Do trong quá khứ Mỹ theo chính sách xoa dịu ĐCSTQ nên đã tự hạn chế trong quan hệ với quan chức Đài Loan, nhưng hiện nay vấn đề đã được hóa giải, cho phép chính phủ Mỹ – Đài Loan cởi mở và bình thường hóa quan hệ.
Vị trí lịch sử của Tổng thống Trump
Qua những vấn đề nêu trên cho thấy, sau Tổng thống Reagan thì Tổng thống Trump là tổng thống “có đóng góp nhất”. Tổng thống Reagan được thừa nhận công lao quan trọng “thúc đẩy đế chế Liên Xô tan rã”, còn Tổng thống Trump cũng sẽ được xem là nhân vật chính trong “chính sách thúc đẩy ĐCSTQ tan rã”. Thêm nữa, trước những quan tâm của Tổng thống Trump đối với Đài Loan cho thấy ông là tổng thống Mỹ thân thiện nhất đối với Đài Loan.
Tổng thống Trump, xin cảm ơn!
Lý Mộc Thông
(Bài được Taiwan People News trao quyền cho Vision Times đăng tải. Tựa gốc: Tổng thống Trump, cảm ơn ngài! – Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả)
Mời xem video:
Xem thêm:
Từ khóa xoa dịu ĐCSTQ Đài Loan Donald Trump chính quyền Trump Dòng sự kiện mối quan hệ Mỹ - Trung