Hệ thống THAAD có đảm bảo an toàn cho Hàn Quốc?
- Tân Bình
- •
Sau khi Bắc Hàn tiến hành thành công vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã quyết định cho phép lực lượng Hoa Kỳ lắp hoàn thiện hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) từ 7/9. Tuy nhiên liệu THAAD có thể giúp Hàn Quốc an toàn trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên hay càng làm cho mâu thuẫn hai miền tăng cao?
Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối quân đội Hoa Kỳ lắp đặt THAAD tại Seongju.
Hiện tại, THAAD đã được quân đội Mỹ lắp hoàn thiện tại một sân golf cũ, ở vùng nông thôn Seongju, cách thủ đô Seoul khoảng 217km về phía nam, cách thành phố biển Ulsan khoảng hơn 36km và cách cảng Busan 109km.
Mặc dù THAAD chắc chắn giảm thiểu cơ hội thành công của tên lửa Bắc Hàn nhắm bắn vào các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc và một số thành phố của miền Nam, nhưng có lẽ hệ thống phòng thủ này sẽ không đóng vai trò nhiều trong việc giảm căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Trên thực tế, THAAD thậm chí có thể còn gia tăng sự mất ổn định và tăng cường xảy ra khủng hoảng hơn nữa giữa hai miền Triều Tiên.
Tại sao lại như vậy? Chúng ta cần đánh giá hệ thống THAAD có thể làm được gì và không có khả năng làm gì, từ đó sẽ lý giải được tầm ảnh hưởng của hệ thống này lên tình huống hiện tại ở khu vực Đông Bắc Á.
THAAD sẽ không thể bảo vệ Seoul trước các tên lửa Bắc Hàn vì toàn bộ thủ đô Hàn Quốc nằm ngoài phạm vi bán kính 200km của các máy đánh chặn của THAAD. Hơn nữa, việc dùng THAAD bảo vệ Soul là bất khả thi vì khu vực này chỉ cách biên giới miền Bắc khoảng 50km và hoàn toàn nằm trong tầm bắn của hệ thống pháo binh thông thường của Bình Nhưỡng, vũ khí mà THAAD không thể ngăn chặn.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc quyết định vị trí lắp đặt THAAD tại vùng Seongju là nhằm mục đích bảo vệ các vị trí trọng yếu như căn cứ không quân Kunsan và cảng Busan – nơi Hoa Kỳ sẽ đổ bộ quân đội vào Nam Hàn trong trường hợp diễn ra cuộc chiến lâu dài với miền Bắc. Cảng Busan cũng chính là nơi quân đội Mỹ đã đổ bộ vào Hàn Quốc để giúp đẩy lùi lực lượng của Quân Giải phóng Nhân dân Triều Tiên trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Quan trọng nữa, THAAD sẽ không thể bắn rơi một tên lửa bắn thử của Bắc Hàn hoặc một tên lửa xuyên lục địa (ICBM) hướng tới lục địa Hoa Kỳ. Bởi vì, THAAD chỉ có thể phá hủy tên lửa ở giai đoạn cuối khi nó đang rơi xuống gần mục tiêu. Nếu một tên lửa rơi trong phạm vi chiến đấu của các máy đánh chặn THAAD, thì đó đã là một cuộc tấn công thực sự của miền Bắc, chứ không còn là một vụ thử tên lửa nữa.
THAAD không thể bảo vệ Hoa Kỳ từ xa trước các tên lửa ICBM của Bắc Hàn. Nhiệm vụ bảo vệ lục địa Mỹ là thuộc về hệ thống phòng thủ GMD (Ground-Based Midcourse Defense). Tuy vậy, hệ thống radar cực mạnh của THAAD cũng có thể phát hiện được quỹ đạo, hướng đi của ICBM để cung cấp cho GMD nhằm cải thiện cơ hội đánh chặn thành công, tất nhiên không có gì đảm bảo chắc chắn sẽ bắn rơi được ICBM của Bình Nhưỡng.
Cho dù THAAD được thiết kế ra với mục đích là phòng thủ, nhưng hệ thống này cũng có thể tạo ra động lực để các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ quyết tâm hơn trong việc sử dụng vũ lực tấn công phủ đầu Bắc Triều Tiên. Nếu các chiến lược gia của quân đội Mỹ tin rằng các cơ sở quân sự cần thiết tương đối an toàn trước cuộc tấn công tên lửa nhờ vào THAAD, họ có thể có thêm động lực để khởi động một cuộc tấn phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của miền Bắc.
Hiện tại, liên quân Mỹ – Hàn và Bắc Triều Tiên đều đang phải đối mặt với bài toán có nên tấn công trước hay không. Nhiều người cho rằng cách tốt nhất để Hoa Kỳ và Hàn Quốc giảm thiểu thiệt hại từ các cuộc tấn công của Bắc Hàn là tiến hành phá hủy các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng hoặc tiêu diệt ông Kim Jong-un trước khi ông ta phát lệnh tấn công. Tuy nhiên, chính khả năng đó cũng đặt lãnh đạo tối cao miền Bắc vào tình huống “sử dụng nó hoặc mất nó”, dâng cao khả năng Bình Nhưỡng phát động tấn công trước hòng tàn phá các căn cứ quân sự và các trận địa tác chiến của Mỹ – Hàn.
Nếu không có THAAD, Bắc Hàn thậm chí với những vũ khí hạt nhân còn sót lại sau màn phủ đầu của Mỹ cũng có thể phát động cuộc phản kích gây thiệt hại không nhỏ cho lực lượng của Mỹ tại miền Nam. Khi có THAAD, rủi ro tổn hại vẫn còn, nhưng hệ thống phòng thủ này sẽ làm giảm đáng kể thiệt hại khi có thể đánh chặn được bất kỳ tên lửa hạt nhân nào Bắc Hàn còn giữ được sau cuộc tấn công phủ đầu của Hoa Kỳ.
Nhìn chung, THAAD sẽ không có tác động nhiều trong việc giảm mâu thuẫn hiện tại trên bán đảo Triều Tiên. Càng có khả năng bảo vệ lớn hơn, THAAD càng cho phép quân đội Mỹ có nhiều động lực hơn trong việc leo thang căng thẳng. Nếu muốn giảm căng thẳng, tránh chiến tranh và chấm dứt cuộc khủng hoảng này có lẽ liên quân Mỹ – Hàn cần tìm phương án khác hơn là dựa vào THAAD.
Theo National Interest
Tân Bình (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Hàn Quốc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên THAAD